SATRA: Bỏ bê bình ổn giá, “nướng” tiền vào chứng khoán

Kinh tếThứ Ba, 15/11/2011 01:29:00 +07:00

Danh mục đầu tư trái ngành của SATRA gồm các ngành nghề “hot” như chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư.

Tổng công ty này bỏ bê ngành kinh doanh chính, đầu tư sa đà vào các lĩnh vực “trái tay” gây lỗ và không thu hồi được nhiều tỉ đồng của Nhà nước.

Thanh tra Bộ Tài chính vừa có kết luận thanh tra về công tác quản lý tài chính tại Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA). Kết quả cho thấy đầu tư của doanh nghiệp này vào các lĩnh vực kinh doanh chính chỉ đạt từ 31,23% đến 43,11% trong khi mức tối thiểu theo quy định phải là 70%.

“Nướng” tiền vào chứng khoán, ngân hàng

Danh mục đầu tư trái ngành của SATRA gồm các ngành nghề “hot” như chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư.

Tính đến hết quý I/2011, SATRA vẫn còn hơn 546,4 tỉ đồng vốn đầu tư tại 8 đơn vị thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán. Trong đó, riêng ở lĩnh vực ngân hàng, SATRA đã rót hơn 490 tỉ đồng vào 6 ngân hàng, trong khi từ năm 2009, Chính phủ hạn chế trong mỗi lĩnh vực chỉ được đầu tư vào một doanh nghiệp.


Được giao bình ổn giá nhưng theo Thanh tra Bộ Tài chính, SATRA lơ là nhiệm vụ này.
Trong ảnh: Một cửa hàng bán lẻ của SATRA. Ảnh: Hồng Thúy
 
“Quả đắng” của việc lao vào chứng khoán, ngân hàng là thương vụ mua cổ phiếu Vietcombank (VCB) năm 2008 thông qua hoạt động ủy thác cho Công ty CP Quản lý Quỹ đầu tư Thành Việt (Công ty Thành Việt). Theo đó, SATRA ủy thác cho Công ty Thành Việt mua 481.095 cổ phiếu VCB với giá 103.000 đồng/cổ phiếu, tương đương hơn 49,5 tỉ đồng.

Nhưng Công ty Thành Việt mua gom cổ phiếu VCB từ 44 nhà đầu tư tổ chức, cá nhân, sau đó tự ý rút xuống còn 33 nhà đầu tư và chuyển tiền sai địa chỉ thỏa thuận 2 cá nhân hơn 12,4 tỉ đồng. Mặc dù SATRA đã chuyển trả hết 49,5 tỉ đồng theo hợp đồng nhưng đến hết tháng 7-2011, SATRA mới nhận được 266.095 cổ phiếu VCB, tương đương 27,4 tỉ đồng.
Số tiền chưa thu hồi được là 22,1 tỉ đồng của 215.000 cổ phiếu mới chỉ là thiệt hại tính trên giá mua 103.000 đồng, chưa kể phần lỗ do giá cổ phiếu ở thời điểm hiện tại chỉ còn hơn 20.000 đồng/cổ phiếu. Để giải quyết hậu quả, tháng 12-2010, SATRA phải khởi kiện ra TAND quận 3 - TPHCM để đòi nợ nhưng đến nay vẫn chưa xử lý xong.

Cũng trong năm 2010, SATRA còn vướng vào một vụ kiện khác do tranh chấp hợp đồng trong việc kinh doanh lúa mì với Công ty TNHH Thái Nguyên 1. Tranh chấp này vẫn chưa có hồi kết, số nợ SATRA chưa thu hồi được lên đến 89 tỉ đồng.

Bỏ bê bình ổn giá

Là doanh nghiệp Nhà nước lớn với vốn điều lệ 3.600 tỉ đồng, bên cạnh việc kinh doanh, SATRA còn được giao nhiệm vụ bình ổn giá. Doanh nghiệp này được vay hơn 11,3 tỉ đồng không lãi suất trong 10 tháng để bình ổn giá mặt hàng gạo trắng thường, số lượng 1.700 tấn/tháng. 
Yêu cầu đối với doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn là phải bảo đảm bán hàng đến tay người tiêu dùng, nhất là người dân ngoại thành, công nhân lao động tại các KCN... với giá bán thấp hơn giá thị trường ít nhất 10%. Bên cạnh đó, phải có hàng hóa tham gia cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, giữ ổn định trong suốt thời gian thực hiện chương trình.

Để triển khai kế hoạch bán hàng bình ổn, SATRA đã làm thủ tục đăng ký giá với Sở Tài chính TPHCM với giá bán gạo ổn định là 8.500 đồng/kg tại 66 cửa hàng. Tuy nhiên, trong suốt 6 tháng (từ tháng 10-2010 đến tháng 3-2011), SATRA chỉ mua vào 900 tấn, bán ra hơn 604 tấn, bình quân chỉ đạt hơn 100 tấn/tháng. Số lượng này chỉ bằng 5,93% kế hoạch đăng ký và không phải hoàn toàn bán lẻ đến tận tay người tiêu dùng như yêu cầu của chương trình bình ổn giá mà còn bán sỉ cho một số doanh nghiệp.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ Tài chính còn chỉ rõ những sai phạm khác của SATRA trong việc hạch toán thu chi. Cụ thể, hỗ trợ vốn cho các đơn vị thành viên đến nay không bảo toàn được vốn, có khả năng mất 80 tỉ đồng. Lợi nhuận được chia và quỹ đầu tư phát triển của Công ty Vissan (một đơn vị thành viên) từ năm 2009 trở về trước chưa bổ sung vốn điều lệ 4,7 tỉ đồng…

Phát hành trái phiếu để gửi ngân hàng

Do nguồn vốn đầu tư của tổng công ty khó khăn, để có vốn đầu tư thực hiện các dự án lớn, SATRA đã xây dựng phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng khối lượng phát hành 1.000 tỉ đồng, kỳ hạn trái phiếu 5 năm, lãi suất 9,6%/năm và được Bộ Tài chính, UBND TPHCM chấp thuận. Phương án phát hành trái phiếu được thông qua không có nội dung dùng vốn huy động để gửi ngân hàng nhưng thực tế, SATRA đã dành một phần gửi ngân hàng có kỳ hạn, số vốn gửi ngân hàng năm 2008 là 34,7 tỉ đồng, đến cuối năm 2010 là 660,57 tỉ đồng.


Tô Hà/ Nld

Bình luận
vtcnews.vn