Sạt lở khủng khiếp vùi lấp 2 máy xúc ở Lai Châu: Tài xế kể lại phút cận kề sinh tử

Thời sựThứ Sáu, 29/06/2018 16:53:00 +07:00

“Máy xúc lộn 5 vòng rồi dừng lại, tôi nằm giữa đám cây cối, đất đá, nghe nước chảy rào rào bên cạnh và nghĩ rằng, thế là mình chết rồi, tôi cố bám vào dây rừng, leo lên tảng đá rồi ngất lịm”, anh Phạm Văn Sáng kể lại.

Video: Người dân kể phút thoát chết thần kỳ trước khi cả bản bị vùi lấp trong bùn đất

Sáng 29/6, anh Phạm Văn Sáng, người lái máy xúc bị rơi xuống vực sâu 100 mét nằm thở khó nhọc trên giường bệnh ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu. Phần trên cơ thể được cố định bằng thiết bị y tế, dưới sườn có ống dẫn đưa máu lưu ra ngoài.

Cảm giác một nửa quả núi lao sầm sập từ độ cao hàng chục mét cuốn phăng cả người và máy xúc xuống vực vẫn ám ảnh. Anh Sáng không thể tin mình còn sống sót nằm đây.

1 4

 Anh Phạm Văn Sáng vẫn bàng hoàng sau trận lở đất kinh hoàng.

18h ngày 26/6, anh Phạm Văn Sáng làm nhiệm vụ điều khiển máy xúc thông tuyến tại điểm sạt lở trên quốc lộ 12 tại km 46+700 khu vực xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

Anh Sáng cùng một lái máy xúc nữa của Công ty cổ phần Xây dựng và Quản lý Đường bộ l Lai Châu đang làm nhiệm vụ thì bất ngờ nửa góc núi từ độ cao hàng chục mét đổ ập xuống. Người lái máy xúc kia bị rơi xuống mấy mét rồi thoát ra được và bò lên đường. Còn anh Sáng thì không kịp.

“Tôi thấy đất lở, liền lái máy xúc quay đầu định chạy, nhưng nhanh quá, đất đá cuốn phăng khiến máy xúc lộn 5 vòng rồi dừng lại như máy xúc được đặt xuống đó. Sườn bị máy xúc va vào đau nhức, rách 2 chỗ, máu chảy. Tôi nghiến răng chịu đau bò ra khỏi xe, cố bám dây rừng lên 3 mét, nơi có tảng đá lớn, nằm trên đó và lịm đi, không biết gì nữa.

15 phút sau tỉnh dậy tôi thấy có ánh đèn pin loang loáng, nhưng không thể cất tiếng gọi. Đợi mãi không thấy ai đến, người thì lạnh, máu vẫn chảy, tiếng nước chảy rào rào bên tai, tôi biết nguy cơ sạt lở tiếp tục là rất lớn nên nghĩ rằng mình sẽ chết ở đây”, anh Sáng kể.

Trong đầu anh lúc đó chỉ miên man nghĩ thương bố mẹ ở quê xa Thái Bình đang ngóng con. 35 tuổi, anh chưa tìm được cô con dâu cho bố mẹ nên còn nuối tiếc nhiều lắm. 6 năm lên từ miền xuôi lên Lai Châu, anh đã từng làm gia đình lo lắng khi bị bỏng hơi nước của máy xúc làm tróc mảng lớn da bụng năm ngoái.

Vừa lo lắng, sợ hãi khi bóng tối dần dần đen kịt. Thời gian trôi như dài cả thế kỷ. Lâu lắm (lúc 21h) một ánh đèn lớn rọi xuống tảng đá anh nằm. Rồi lại im lặng. Anh nhắm mắt, mặc kệ số phận.

Thế rồi, có tiếng phát cây rừng, tiếng nói, gọi. Hai đồng chí mặc quần áo cứu hỏa vừa phát cây vừa đu dây xuống. Trong anh như vỡ òa “mình được cứu rồi”. Anh được cố định vào dây rồi được kéo lên mặt đất. Trên đó đã có sẵn cáng và xe đưa anh đi cấp cứu. Sáng bảo: “Tôi vẫn như nằm mơ”.

Bố anh Sáng nhận tin con bị nạn, tất tưởi bắt xe lên Lai Châu. Ông xúc động cảm ơn lực lượng Công an tỉnh Lai Châu và các chiến sỹ Cảnh sát PCCC đã cứu con ông thoát nạn.

Trước đó, chiều 28-6, ở điểm sạt lở bản Sáng Tùng, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ chúng tôi đã gặp các cán bộ chiến sỹ tham gia cứu anh Phạm Văn Sáng. Sau cuộc cứu nạn ở Pa Tẩn, không chút nghỉ ngơi, các anh lại tiếp tục đến các điểm nóng sạt lở trên địa bàn.

Đại uý Vũ Văn Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Lai Châu cho biết, sau khi nhận tin báo về vụ sạt lở có người bị nạn rơi theo máy xúc, Phòng đã cử 15 CBCS tham gia cứu nạn cứu hộ cùng các thiết bị chuyên dụng đến hiện trường.

 Hạ sỹ Mùa A Xá và Lầu A Páo kể lại chuyện cứu nạn.

Lúc đó tại hiện trường có các lực lượng khác nhưng không có thiết bị chuyên dụng nên việc cứu nạn vô cùng khó khăn. 21h nhóm cứu hộ tiếp cận điểm sạt lở, dùng đèn chiếu sáng công suất cao trên xe cứu nạn cứu hộ để chiếu sáng và phát hiện nạn nhân đang nằm bất động trên một tảng đá ở dưới vực sâu.

Ngay lập tức hai chiến sỹ được thắt đai an toàn và dây cứu nạn, cầm dao, vừa đu dây xuống vừa phát cây mở lối để đưa nạn nhân lên. Đại uý Vũ Văn Hùng đã trực tiếp cùng đồng đội tiếp cận nạn nhân, thắt đai cõng nạn nhân trên lưng để đồng đội bên trên kéo dây đưa lên.

Hạ sỹ Lầu A Páo, Vừ A Lử, Mùa A Xá cùng cùng ròng dây từ bên trên kéo đồng đội và nạn nhân ra khỏi vực. Páo chia sẻ, công tác cứu nạn gặp nhiều khó khăn do đường trơn trượt, nguy hiểm, đất đá bên trên có thể sạt lở bất cứ lúc nào.

Sau khi cứu nạn thành công nạn nhân Phạm Văn Sáng, Hạ sỹ Tống Văn Chiến (người trực tiếp xuống vực đưa anh Sáng lên) tiếp tục túc trực tại điểm sạt lở trên quốc lộ 12. Còn các CBCS khác thì vào xã Tả Ngảo giúp bà con di chuyển ra vùng an toàn. 

(Nguồn: Công an nhân dân)
Bình luận
vtcnews.vn