Sát cánh cùng 'những người tiên phong' tiến tới kinh tế số

Khoa học - Công nghệThứ Bảy, 21/07/2018 17:16:00 +07:00

Trong nền kinh tế số, doanh nghiệp là nhân tố đóng vai trò người tiên phong đi đầu nên việc hỗ trợ DN, đặc biệt là DN khởi nghiệp của Chính phủ trong giai đoạn Việt Nam đang từng bước tiến tới kinh tế số là điều quan trọng.

Kỷ nguyên kinh tế số

Thế giới đang chuyển từ kỷ nguyên của điện tử hóa, tự động hóa và tin học hóa sang kỷ nguyên số hóa, thông minh hóa và trí tuệ nhân tạo. Những thành tựu khoa học công nghệ tạo nên kỷ nguyên mới tác động vô cùng sâu sắc đến mọi khía cảnh của sản xuất kinh doanh, từ sản phẩm, tư vấn thị trường và tiêu dùng, mô hình kinh doanh, cách thức quản trị kinh doanh cho đến sự vận hành của các chuỗi giá trị toàn cầu và cả trong tính tương tác giữa thị trường và nhà nước. Sự thay đổi diễn ra trong mọi mặt của nền kinh tế.

Thị trường có sự xuất hiện của những mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt so với truyền thống như các hãng truyền thông toàn cầu nhưng không sở hữu quyền tác giả, cục tin tức nào; hãng taxi toàn cầu nhưng không sở hữu chiếc xe nào; hãng khách sạn toàn cầu nhưng không sở hữu một phòng khách sạn nào… Những mô hình này đã và đang góp phần định hình nên một thời đại kinh tế mới, thời đại của kinh tế số.

Kinh tế số là bản chất, cốt lõi, là yếu tố lớn nhất, gốc rễ nhất của Cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này là bởi Cách mạng công nghiệp 4.0 bắt nguồn từ nhu cầu nâng cao năng suất sản xuất để phát triển kinh tế, do đó, có thể thấy số hóa nền kinh tế sẽ giúp thúc đẩy 4 yếu tố trong quá trình sản xuất, bao gồm tốc độ, sự linh hoạt, chất lượng và sự hiệu quả.

1 (2)

Ông Tindaro Danze, Phó Giám đốc kiêm Trưởng ban Nhà máy số Siemens Việt Nam (Ảnh: Huy Hoàng) 

“Thực tế, nhờ số hóa, Nhà máy số Siemens đã tăng sản lượng đầu ra lên gấp 9 lần. Và với một sản phẩm gồm hàng ngàn chi tiết, chỉ 24 tiếng sau khi nhận được đơn hàng từ khách, chúng tôi đã có thể giao hàng nhờ vào việc ứng dụng số hóa trong sản xuất”, ông Tindaro Danze, Phó Giám đốc kiêm Trưởng ban Nhà máy số Siemens Việt Nam dẫn chứng.

Mở rộng ra về tầm ảnh hưởng của số hóa đối với nền kinh tế, ông Steven Furst, Giám đốc Chiến lược và Kiến trúc, Công ty Hệ thống thông tin FPT cho rằng: “Cứ 1% tăng lên về số hóa thì dẫn đến mức tăng 0.5% về GDP và góp phần giảm số lượng người thất nghiệp”.

Từ những ảnh hưởng sâu sắc đó mà kinh tế số mang đến, hiện nay cả thế giới đang học cách ứng xử, tập ứng xử và cố gắng ứng xử thích hợp với kinh tế số.

Từng bước tiến tới kinh tế số

“Kinh tế số không phải là tương lai của chúng ta mà nó là nền kinh tế đang hiện hữu, là hơi thở, nhịp đập của cuộc sống. Và người dẫn đầu hơi thở, nhịp đập của cuộc sống ấy không phải là Chính phủ mà là doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp”, TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định.

Do đó, muốn phát triển kinh tế số, Chính phủ cần có những hành động hỗ trợ “những người tiên phong này” trong kỷ nguyên số hóa kinh tế như hiện nay để từ đó có thể xây dựng và áp dụng cách ứng xử phù hợp.

3

Kinh tế số không phải là tương lai mà là nền kinh tế đang hiện hữu, là hơi thở, nhịp đập của cuộc sống. Và người dẫn đầu hơi thở, nhịp đập ấy là doanh nghiệp (Ảnh minh họa) 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, việc xây dựng nền kinh tế số Việt Nam cần được thực hiện thông qua 3 trụ cột chính, cụ thể:

Thứ nhất, hạ tầng dịch vụ số, bao gồm hạ tầng cứng và mạng lưới viễn thông làm nền tảng để tạo ra hạ tầng mềm và dịch vụ số giúp tối ưu các hoạt động của nền kinh tế.

Thứ hai, tài nguyên số, gồm hệ sinh thái dữ liệu và tin tức mở, có ích cho việc dự toán, dự đoán kịp thời ra quyết định mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thứ ba, chính sách chuyển đổi số bao gồm dịch vụ chính sách chuyển đổi từ chính phủ điện tử sang chính phủ số, chính sách đào tạo nhân lực số chất lượng cao, chính sách đầu tư kinh doanh số, chính sách bao gồm thông tin chủ quyền số…

Trong đó, Thủ tướng cho rằng vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân là không thể thiếu.

Tuy nhiên, thực tế, theo ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ tương lai, ở Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp lại gặp phải những khó khăn nhất định. Trong đó, hành lang pháp lý đang chưa thực sự tạo điều kiện cho startups phát triển bởi startups muốn tồn tại, thành công phải đột phá, sáng tạo nhưng lại không vượt qua được các hành lang pháp lý, điều này giống như việc sáng tạo trong một chiếc hộp. Vấn đề thị trường vốn của Việt Nam còn chưa phát triển và chưa nhận được sự chú ý của nguồn đầu tư nước ngoài.

Để giúp tháo gỡ những khó khăn và sát cánh cùng doanh nghiệp tiến tới nền kinh tế số, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ: Ưu tiên tập trung đi thẳng vào đầu tư công nghệ 4.0, không thể chậm trễ thêm nữa; rà soát hành lang pháp lý và thực sự cần phải có một cuộc cách mạng về tư duy thiết kế chính sách, đưa ra những hàng lang pháp lý thử nghiệm; và cập nhật tất cả các công nghệ mới nhất về an toàn và an ninh, phòng chống các cuộc tấn công mạng.

Từ 3 quan điểm cốt lõi trên hình thành nên 4 nhóm giải pháp: Một, xây dựng hạ tầng số, trong đó đặc biệt là cơ sở dữ liệu phải chuẩn hóa, kết nối và chia sẻ giữa các bộ, ngành, địa phương và kết nối cho cả doanh nghiệp để tận dụng được kinh tế số và kinh tế mở.

Hai, phải có “một cuộc chạy rất nhanh” để rà soát chính sách, hoàn thiện lại chính sách để bắt kịp với sự phát triển nhanh của nền kinh tế hiện nay.

Ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực về công nghệ thông tin.

Bốn, phải tranh thủ được sự hỗ trợ, ủng hộ của quốc tế.

Phan Minh
Bình luận
vtcnews.vn