Sasikumar nhớ về Tiger Cup 98: Sau 20 năm, CĐV Việt Nam vẫn chưa quên nợ cũ

Thể thaoThứ Bảy, 10/11/2018 07:15:00 +07:00

Cựu cầu thủ Sasikumar vẫn nhớ như in khoảnh khắc ghi bàn vào lưới thủ môn Trần Tiến Anh ở chung kết Tiger Cup 1998 khiến đội tuyển Việt Nam cay đắng lỡ hẹn với chiếc cúp vô địch Đông Nam Á trên sân nhà.

Ramu Sasikumar là cái tên mà người hâm mộ bóng đá Việt Nam sẽ khó có thể quên được. Với một bàn thắng được người Singapore gọi là "cái lưng thần thánh", cầu thủ này đã khiến đội tuyển Việt Nam lỡ hẹn với chức vô địch Đông Nam Á trên sân nhà ở kỳ Tiger Cup năm 1998.

Hai mươi năm sau trận chung kết ở sân Hàng Đẫy, Sasikumar - giờ đây là một doanh nhân trong lĩnh vực marketing thể thao - kể lại những ký ức của anh kèm theo lời xin lỗi tới các cổ động viên Việt Nam trong cuộc trò chuyện với Báo điện tử VTC News.

sasikumar nho ve tiger cup 1998 sau 20 nam cdv viet nam chua quen no cu 3

 Sasikumar hiện là một doanh nhân có tiếng trong ngành marketing thể thao ở Đông Nam Á. Công ty Red Card Global do Sasikumar sáng lập là đối tác chính thức của La Liga ở thị trường Malaysia.

"Cái lưng thần thánh" làm tan vỡ trái tim hàng triệu CĐV Việt Nam

- Xin chào Sasikumar. AFF Cup 2018 vừa bắt đầu rồi, điều đó có làm anh nhớ lại cảm giác được ra sân ở giải đấu này trong quá khứ?

Tất nhiên rồi, giải đấu này có ý nghĩa rất đặc biệt với tôi, đặc biệt là năm 1998. Cứ mỗi kỳ AFF Cup đến là những ký ức như sống lại nguyên vẹn, dù đã 20 năm trôi qua rồi. Đó là lần đầu tiên tôi được đá chính trong đội hình đội tuyển quốc gia ở một giải đấu quốc tế.

Chức vô địch Tiger Cup 1998 chắc hẳn là danh hiệu lớn nhất trong sự nghiệp của anh?

 
Rất xin lỗi các cổ động viên Việt Nam nhưng mỗi trận đấu luôn phải có một đội giành chiến thắng.

Sasikumar

Tôi nghĩ đó là vinh quang lớn nhất không chỉ với tôi mà cho cả đất nước Singapore nữa. Trước đó chúng tôi chưa bao giờ giành được danh hiệu nào cả và đó là sự khởi đầu. Tôi cũng giành được nhiều danh hiệu sau đó, nhưng chức vô địch Tiger Cup năm 1998 chắc chắn là lần vô địch tuyệt vời nhất.

20 năm trước chúng tôi đến Việt Nam bằng đội hình có lẽ là yếu nhất. Các cầu thủ trụ cột không góp mặt và đội tuyển phải đôn nhiều cầu thủ trẻ lên. Chẳng ai nghĩ chúng tôi có cơ hội tiến sâu ở giải chứ đừng nói đến chuyện vô địch.

Truyền thông Singapore còn không thèm theo đội tuyển đến Việt Nam. Chỉ có 1 phóng viên duy nhất đi cùng chúng tôi. Trước giải đấu chúng tôi cũng chơi khá tệ. Không chỉ HLV mà các cầu thủ cũng chịu nhiều chỉ trích và sự kỳ vọng dành cho chúng tôi là gần như không có. Khi bước vào giải đấu mọi người nghĩ rằng nếu qua được vòng bảng là hạnh phúc lắm rồi.

- Nhưng Singapore trở thành nhà vô địch, và đội của anh không thua trong cả 2 lần đối đầu với đội tuyển Việt Nam.

Tôi vẫn nhớ rõ từng trận đấu và thường kể cho các con tôi. Rất xin lỗi các cổ động viên Việt Nam nhưng mỗi trận đấu luôn phải có một đội giành chiến thắng. 

Hai trận đấu với đội tuyển Việt Nam là những trận đấu rất hay. Các CĐV đến chật kín sân và tôi hiểu là họ đều tin rằng đội tuyển Việt Nam sẽ đánh bại chúng tôi. Nói thật thì Việt Nam đúng là mạnh hơn hẳn. Các bạn có những cầu thủ xuất sắc, nhưng không thể vượt qua được một đội tuyển Singapore đoàn kết và vững chãi.

Chúng tôi có một HLV rất tâm lý. Ông ấy hiểu rõ những cầu thủ trẻ như bọn tôi và chúng tôi cũng hiểu ông ấy sau 4 năm làm việc cùng nhau. Chúng tôi biết mình có thể làm được gì và không làm được gì. Ông ấy đã dạy chúng tôi cách phòng ngự tập thể. Vì thế đội tuyển Singapore sở hữu hàng thủ vững chắc nhất Đông Nam Á lúc đó.

Đội tuyển Việt Nam có nhiều cầu thủ xuất sắc và áp đảo chúng tôi nhưng chúng tôi không cho họ nhiều cơ hội. Kế hoạch của chúng tôi là phòng thủ thật chặt chẽ và cố gắng tận dụng được 1-2 cơ hội hiếm hoi. Chúng tôi biết các cầu thủ Việt Nam sẽ ào lên tấn công vì họ có những cầu thủ rất khéo léo và có khả năng gây đột biến.

sasikumar le huynh duc

Sasikumar theo kèm Lê Huỳnh Đức như hình với bóng.

Nhớ lại khoảnh khắc bước ra sân trong trận chung kết, anh thấy điều gì ở đó?

Người Việt Nam thật cuồng nhiệt. Họ yêu bóng đá và đội tuyển, coi các cầu thủ như những người hùng. Một lần nữa tôi phải nói là tôi rất tiếc cho các bạn ở giải đấu đó và chính các CĐV Việt Nam cũng khiến chúng tôi hưng phấn hơn. Họ mới là những người tạo ra bầu không khí cho trận đấu, còn chúng tôi chỉ là 22 cầu thủ đá bóng thôi.

Đến trận chung kết thì chúng tôi không còn bị ngợp nữa vì chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tình thần rồi. Việt Nam là đội chủ nhà và họ lần đầu tiên vào chung kết, họ được mong đợi sẽ giành chức vô địch trước một đối thủ yếu hơn là Singapore. 

Chúng tôi đã trải nghiệm bầu không khí đó ở vòng bảng, nhưng những khán đài chật kín hôm đó vẫn thật khủng khiếp, chưa kể những người ở ngoài sân vận động nữa.

- Ai là đối thủ khó nhằn nhất đối với anh trong 2 cuộc chạm trán đội tuyển Việt Nam?

Tôi vẫn nhớ việc đối đầu với ngôi sao của các bạn là Lê Huỳnh Đức. Đó là một màn so tài nảy lửa. Anh ấy là một tiền đạo xuất sắc. Tôi đã phải chơi rất quyết liệt để ngăn cản anh ấy và thật tự hào khi bắt chết được Huỳnh Đức cả trận.

Đối đầu với một tiền đạo hàng đầu khu vực nhưng tôi không có bí quyết nào cả. Tôi cố gắng giữ suy nghĩ trong đầu mình rằng Huỳnh Đức cũng chỉ là một cầu thủ bình thường, việc của tôi là phải phong tỏa anh ấy và tôi đã làm được như vậy. Tôi bám theo anh ấy khắp sân và luôn tự nhủ rằng gã này sẽ không được phép ghi bàn chừng nào tôi đang đứng trên sân. Nói thật là anh ấy khiến tôi rất vất vả và cũng cho tôi vài vết bầm trên người.

Mới đầu trận tôi định dằn mặt Huỳnh Đức để anh ta biết rằng có tôi ở trong sân, nên tôi lao vào anh ấy rất mạnh. Nhưng một đồng đội của tôi lại nổi giận vì pha phạm lỗi xảy ra ở một khu vực nguy hiểm, và chúng tôi đã suýt tẩn nhau.

Tôi biết anh ấy (Kadir Yahaya - PV) không thù ghét gì tôi đâu, vì chúng tôi đều khao khát giành chiến thắng bằng mọi giá. Điều thú vị là chính cậu ta chuyền bóng cho tôi ghi bàn quyết định mang về chức vô địch cho đội tuyển Singapore.

sasikumar nho ve tiger cup 1998 sau 20 nam cdv viet nam chua quen no cu 4

 Singapore vô địch Tiger Cup 1998 trên sân Hàng Đẫy.

- Đó chắc chắn là bàn thắng đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của anh đúng không?

Sau 20 năm tôi vẫn nhớ được cảm giác tuyệt vời lúc đó. Đối đầu với một đội bóng mạnh như Việt Nam và lại ghi được một bàn thắng theo cách không thể tin nổi.

Tôi là một hậu vệ, nhiệm vụ của tôi là ngăn chặn bàn thắng chứ không phải tạo ra chúng nên tôi không thường xuyên ghi bàn. Bàn thắng duy nhất trong sự nghiệp của tôi cho đội tuyển quốc gia cũng chính là bàn quan trọng nhất. 

Tôi phải nói về tình huống phạt góc ở đầu trận đấu trước. Thủ môn đội Việt Nam mà tôi không nhớ tên (Trần Tiến Anh - PV) lao ra và chúng tôi va chạm với nhau. Tôi nghĩ là sau pha bóng đó anh ta có chút e dè mỗi khi tôi lên tham gia tấn công.

Đến khoảng phút 60 thì lại có một quả phạt góc, đội Việt Nam phá ra nhưng tôi vẫn ở lại tuyến trên. Kadir thực hiện đường treo bóng rất cao vào vòng cấm và tôi lao vào.

Thủ môn của các bạn băng ra nhưng lại nhìn thẳng vào tôi thay vì nhìn bóng. Có lẽ là anh ấy lo nghĩ về pha va chạm. Lúc đấy tôi biết là mình có cơ hội vì thủ môn lẽ ra phải nhìn bóng chứ.

Thấy anh ấy lao đến như vậy thì tôi cũng có chút lo sợ, nên khi nhảy lên tôi đã quay lưng lại. Cả hai chúng tôi đều trượt bóng. Anh ấy thì đang nhắm vào tôi còn tôi thì quay lưng để tránh. Thế rồi quả bóng lại đập vào lưng tôi nảy vào lưới. Tôi không quan tâm là bằng cách nào, chỉ nhìn thấy bóng bay vào lưới là ăn mừng như điên.

- Sự nghiệp của anh thay đổi ra sao sau bàn thắng lịch sử đó?

Bàn thắng đó giống như khoảnh khắc thay đổi cuộc đời tôi vậy. Bỗng dung tôi trở thành nhân vật được chú ý vì tôi là người ghi bàn mang về chức vô địch đầu tiên cho ĐTQG Singapore mà. Đi đến đâu mọi người cũng nhận ra tôi.

Nhưng tôi kết thúc sự nghiệp khá sớm, năm 29 tuổi và quyết định chọn con đường khác. Tôi có quay lại chơi bóng một thời gian cho CLB rồi thử sức ở châu Âu, Pháp, nhưng không thành công. Tôi cũng được gọi lại ĐTQG dự thêm 1 kỳ Tiger Cup nữa.

Tôi thấy hơi lạ là càng về sau thì bàn thắng của tôi lại càng được nhắc tới nhiều hơn. Cứ mỗi khi sắp bắt đầu AFF Cup là mọi người lại nhắc đến tôi. Họ nhớ về tôi chỉ vì 1 khoảnh khắc duy nhất.

- Anh có biết là không chỉ người Singapore nhớ tới Sasikumar mà người Việt Nam cũng không thể quên được cái tên này?

Tôi có quay trở lại Việt Nam khá nhiều lần để làm việc và thăm bạn bè. Gia đình tôi rất thích đi nghỉ ở Việt Nam. May là bây giờ mọi người không nhận ra tôi chứ không thì tôi sẽ gặp rắc rối lúc nhập cảnh vào Việt Nam.

Năm ngoái khi tôi đến đây, có một người bỗng nhiên đến trước mặt tôi và bảo rằng rất ghét tôi. Cậu ta nói hồi nhỏ đã khóc rất nhiều khi đội tuyển Việt Nam thua trận chung kết mà tôi là người ghi bàn. Tôi chỉ biết nói xin lỗi thôi.

Đó không phải là lần duy nhất. Từng có một nữ phóng viên Việt Nam cũng nói như thế khi phỏng vấn tôi. Cô ấy bảo hồi đó cô ấy mới học cấp 2 và đã rất đau lòng khi tôi ghi bàn.

Tôi có thể hiểu được cảm giác của họ. Người Việt Nam đúng là có tình yêu nồng nhiệt với bóng đá. Tôi hiểu điều đó nhưng bóng đá mà, luôn phải có một đội thua cuộc.

sasikumar nho ve tiger cup 1998 sau 20 nam cdv viet nam chua quen no cu 5

 Sasikumar là cái tên gợi cho CĐV Việt Nam ký ức buồn.

Bóng đá Singapore 10 năm nữa cũng chưa vực dậy được

- Anh từng công khai ý muốn tranh cử Chủ tịch LĐBĐ Singapore. Dự định đó bây giờ tới đâu rồi?

Năm ngoái tôi từng có ý định như vậy. Bạn biết đấy, bóng đá Singapore đang rất tệ. Thực tế thì sau chức vô địch năm 1998, bóng đá Singapore đã đi xuống rồi. Tôi nghĩ mình có thể làm gì đó với những hiểu biết về bóng đá, những kiến thức được học về marketing, về quản trị kinh doanh.

Nhưng có nhiều chuyện xảy ra, bạn biết đấy, bóng đá cũng có những mặt giống như chính trị mà tôi vốn là một vận động viên chứ không phải là chính trị gia. Vậy nên tôi quyết định mình chỉ nên đứng ngoài thôi.

- Singapore là đội vô địch AFF Cup nhiều thứ hai nhưng có vẻ như bóng đá Singapore đã đi xuống rất nhanh kể từ sau chức vô địch gần nhất năm 2012. Điều gì đã xảy ra vậy?

Tình hình bóng đá Singapore những năm gần đây khá là tệ mà nguyên nhân chính tôi nghĩ là những người lãnh đạo chưa có cái nhìn thực sự đúng đắn về cách làm bóng đá. Sau thành công ở những năm 90, chúng tôi lẽ ra phải có một giải VĐQG chất lượng. Nhưng thật tiếc là nền bóng đá của chúng tôi lại được điều hành bởi những người không hiểu về bóng đá. 

- Nhưng Singapore vẫn giành được thêm 3 chức vô địch sau Tiger Cup 1998 đấy thôi.

Có điểm này cần nói rõ, khi chúng tôi vô địch AFF Cup 2004, chúng tôi là đội duy nhất ở Đông Nam Á dùng cầu thủ nhập tịch. Daniel Bennett, Agu Casmir và Itimi Dickson - họ tạo ra khác biệt lớn, ngay từ yếu tố thể chất đã tạo ra sự khác biệt lớn rồi.

Singapore cũng giống các nước Đông Nam Á khác xem AFF Cup như World Cup vậy. Vì thế nên khi giành chức vô địch người Singapore sẽ quên hết những vấn đề khác. Họ nghĩ rằng bóng đá Singapore vẫn tốt vì đội tuyển quốc gia vô địch AFF Cup tận 2 lần liên tiếp.

Nhưng trong bóng đá người ta cần liên tục tiến về phía trước và thật không may là ở Singapore người ta không nghĩ vậy. Khi lứa cầu thủ vô địch giải nghệ, chúng tôi chẳng còn lại gì cả. Đó không phải là vấn đề của 2-3 năm gần đây mà kéo dài tới 15 năm rồi.

Nói thật thì tôi không nghĩ Singapore có đủ tiềm lực để trở lại trong tương lai gần. Chúng tôi không có lực lượng cầu thủ trẻ kế cận. Đội tuyển Singapore bây giờ chỉ có một vài cầu thủ chất lượng vì họ thi đấu ở Malaysia.

Chúng tôi vẫn đủ sức chơi ở đấu trường khu vực nhưng cao hơn, ví dụ như vượt qua vòng loại Asian Cup là điều không tưởng. Nói thật thì bóng đá Singapore khó có thể trở lại trong ít nhất là 10 năm nữa. Nếu có đạt thành tích gì lúc này thì cũng chỉ là nhất thời thôi.

Bạn thấy đấy Thái Lan bây giờ có cầu thủ đá được ở J-League. Họ có một giải quốc nội rất mạnh. Còn giải VĐQG của chúng tôi thì phải mời 2 đội ngoại quốc và đưa đội tuyển trẻ vào thi đấu, rõ ràng là có khoảng cách lớn.

sasikumar nho ve tiger cup 1998 sau 20 nam cdv viet nam chua quen no cu (2) 6

 Lần gần nhất Singapore vô địch AFF Cup là năm 2012.

- Singapore bây giờ chỉ có 6 đội bóng chuyên nghiệp. Có vẻ như đảo quốc sư tử đang khan hiếm cầu thủ.

Tôi vẫn thấy những cậu bé 7-10 tuổi mê bóng đá ở Singapore, nhưng tôi không nghĩ chúng sẽ chọn trở thành cầu thủ. Nghề cầu thủ ở Singapore không có thu nhập tốt mà chúng tôi lại đang sống ở một đất nước đắt đỏ. Bóng đá nói riêng và thể thao nói chung không phải là ưu tiên hàng đầu ở đất nước chúng tôi.

Bây giờ thì cầu thủ có lẽ không được coi là một nghề nghiệp thực sự nữa rồi. Bạn chỉ làm cầu thủ đá bóng khi không làm được công việc nào khác thôi. Nói thật là tôi không nhìn thấy tương lai của nghề cầu thủ ở Singapore, trừ khi anh đủ giỏi để ra nước ngoài thi đấu còn không thì chẳng có lý do gì để theo nghiệp này.

- Bóng đá Singapore không còn như xưa. Liệu có cơ hội nào cho đội tuyển của anh ở AFF Cup 2018?

Singapore không được đánh giá cao. Đội tuyển của chúng tôi có đủ lực lượng để có thể chơi tốt ở giải này, còn vô địch thì khó. Nhưng biết đâu đấy, như 20 năm trước chúng tôi đến Việt Nam mà chẳng được kỳ vọng gì cả.

Tôi cũng tin vào những điều lãng mạn và những câu chuyện cổ tích trong bóng đá. Lý trí của tôi tin rằng Singapore vô địch là bất khả thi, nhưng trong tim tôi thì vẫn mong là có thể. Sẽ thật tuyệt vời nếu lại được chứng kiến trận chung kết giữa Việt Nam và Singapore.

Anh nghĩ đội tuyển Việt Nam sẽ vào chung kết AFF Cup?

Tôi đã cổ vũ U23 Việt Nam ở giải châu Á nhưng tiếc là họ không thể giành chức vô địch. Nhưng vào đến chung kết giải đấu đó đã là điều đáng khen với các cầu thủ và tôi tin chắc là các CĐV Việt Nam cũng tự hào về họ.

Tôi không biết đội tuyển Việt Nam lần này có bao nhiêu cầu thủ U23 nhưng tôi nghĩ các bạn cùng với Thái Lan là hai đội bóng sẽ tranh chức vô địch giải đấu.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện. 

Ngọc Anh
Bình luận
vtcnews.vn