Sắp trình quy định nhập hộ khẩu TP.HCM cần 20 m2 chỗ ở

Thời sựThứ Sáu, 09/11/2018 07:51:00 +07:00

Các cơ quan cho rằng quy định diện tích bình quân nhà ở là để quản lý nhân khẩu, đầu tư hạ tầng..., không ảnh hưởng quyền lợi của người dân.

“Quy định nhập hộ khẩu phải có 20 m2 chỗ ở sẽ không gây xáo trộn đời sống người dân”.

Đó là khẳng định của ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cùng nhiều cơ quan, đơn vị tại cuộc họp lấy ý kiến đánh giá tác động chính sách về đề xuất phải có 20 m2 sàn/người khi nhập hộ khẩu vào nhà ở thuê, mượn, ở nhờ tại TP do Sở Xây dựng đề xuất.

1-ho-khau_ljoh

 

20 m2: Theo chỉ tiêu phát triển nhà ở của TP

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng, cho biết hiện nay tại TP.HCM áp dụng mức diện tích bình quân 5 m2 sàn/người khi giải quyết cho nhập hộ khẩu vào nhà thuê, mượn hoặc ở nhờ nếu đủ các điều kiện khác theo quy định pháp luật. Theo ông Hải, diện tích này áp dụng theo quy định tại Nghị định 107/2007 hướng dẫn Luật Cư trú năm 2006.

Tuy nhiên, hiện nay theo Luật Cư trú 2013 (có hiệu lực từ 1/1/2014), việc quy định diện tích bình quân nhà ở tối thiểu phải do HĐND TP quy định.

“Do đó TP phải đưa ra con số trình HĐND TP thông qua để đảm bảo theo đúng quy định của Luật Cư trú” - ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, tính đến thời điểm này, Sở Xây dựng đã tổ chức nhiều cuộc họp với các sở, ngành liên quan và đã có bốn lần dự thảo trình TP về diện tích bình quân này. Lý giải về con số 20 m2 sàn/người áp dụng chung trên toàn TP trong dự thảo lần 4, theo ông Hải là căn cứ vào chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân theo dự thảo chương trình phát triển nhà ở của TP giai đoạn 2016-2020 là 19,8 m2/người, năm 2025 là 22,8 m2/người.

Đây cũng là chỉ tiêu theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP trong nhiệm kỳ trên đưa ra. Ngoài ra còn theo một số chỉ tiêu của Luật Nhà ở hiện hành. Được biết con số này tại Hà Nội là 15 m2 áp dụng cho toàn TP. Đà Nẵng là 20 m2 với các quận Hải Châu và Thanh Khê, các quận/huyện khác là 15 m2. Tại Cần Thơ là 20 m2 với quận Ninh Kiều, còn lại là 15 m2…

Quy định để quản lý nhân khẩu, đầu tư hạ tầng

Tại cuộc họp, đại diện Công an TP cho biết từ khi Luật Cư trú 2006 có hiệu lực đến 15/9/2018, số trường hợp đăng ký hộ khẩu thường trú theo dạng nhà thuê, mượn, ở nhờ là hơn 94.000.

Đại diện Công an TP cho hay quy định trên để kiểm soát, quản lý nhân khẩu và không làm ảnh hưởng đến nhà ở cũng như các vấn đề việc làm, đời sống của người dân. Đại diện Sở GD-ĐT cũng cho biết nhiều người dân lo lắng nếu chỉ đăng ký tạm trú thì không được giải quyết chuyện học cho con.

3-ho-khau_swsb

Nhập hộ khẩu vào TP vẫn là nguyện vọng của nhiều người sinh sống, lao động tại TP.HCM. (Ảnh: HTD)

“Tuy nhiên, bậc mầm non và tiểu học tại TP.HCM không bị ảnh hưởng bởi quy định thường trú hay tạm trú. Không phải vì học sinh có hộ khẩu thì được học, còn tạm trú thì không được học. Do đó, quy định diện tích tối thiểu không ảnh hưởng đến công tác GD-ĐT trên địa bàn TP” - đại diện Sở GD-ĐT  khẳng định.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho hay quy định này để đảm bảo quản lý nhà nước về nhân khẩu, hộ khẩu, về đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở. Mặt khác cũng tạo điều kiện tốt để người dân có điều kiện nâng cao chất lượng về nhà ở, về việc học, việc làm cũng như sinh hoạt trong cuộc sống người dân.

“Con số 20 m2/người áp dụng với các trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức. Những người tạm trú như ở trọ, lưu trú công nhân… không phải áp dụng quy định này như hiểu lầm lâu nay. Do đó, quy định diện tích bình quân nhà ở tối thiểu 20 m2 sàn/người không gây xáo trộn đến cuộc sống của người dân” - ông Tuấn khẳng định. Theo ông, nếu được TP chấp thuận thì đầu tháng 12 TP sẽ trình HĐND xem xét, thông qua trong kỳ họp cuối năm.

Các trường hợp đăng ký hộ khẩu không áp dụng quy định diện tích bình quân nhà ở

1. Có chỗ ở hợp pháp;

2. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc về ở với anh, chị, em ruột;

c) Người khuyết tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

d) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

đ) Người thành niên độc thân về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột;

e) Ông bà nội, ngoại về ở với cháu ruột;

3. Được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp;

4. Trước đây đã đăng ký thường trú tại TP trực thuộc trung ương, nay trở về TP đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình.

(Trích Điều 20 Luật Cư trú 2013)

(Nguồn: plo.vn)
Bình luận
vtcnews.vn