Sao Việt và những sự cố cháy nổ phim trường kinh hãi

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 26/02/2013 11:21:00 +07:00

Lý Nhã Kỳ, Trương Ngọc Ánh và Lê Minh từng có kỷ niệm khó quên khi tham gia các phim có cảnh khói lửa, cháy nổ nguy hiểm.

Lý Nhã Kỳ, Trương Ngọc Ánh và Lê Minh từng có kỷ niệm khó quên khi tham gia các phim có cảnh khói lửa, cháy nổ nguy hiểm.

Thông tin về vụ nổ sập nhà ông Lê Minh Phương - người đã hoạt động 6-7 năm trong nghề thiết kế đạo cụ cho các đoàn phim và chuyên về tạo các cảnh cháy nổ, khói lửa trên phim trường khiến "kiều nữ" Lý Nhã Kỳ không khỏi bàng hoàng.

"Những người làm việc liên quan tới khói lửa, cháy nổ không ít thì nhiều đều có nguy cơ gặp rủi ro, nguy hiểm luôn rình rập. Đặc biệt ở Việt Nam, các điều kiện về an toàn còn hạn chế thì điều này càng đáng lo ngại hơn nữa", nữ diễn viên chia sẻ.

 Lý Nhã Kỳ từng gặp tai nạn trên phim trường Hollywood.
Lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh chưa lâu và chủ yếu chỉ tham gia các phim truyền hình nhưng năm 2009, Lý Nhã Kỳ có cơ hội góp mặt với vai diễn nhỏ trong phim điện ảnh Hollywood Shanghai. Cô diễn xuất cùng các ngôi sao gạo cội như Châu Nhuận Phát, Củng Lợi... Trong lần đóng phim này, "kiều nữ" đã gặp tai nạn với cảnh quay cháy nổ trên phim trường.

"Hôm đó đoàn phim thực hiện cảnh quay Châu Nhuận Phát bị ám sát và phải sử dụng chất nổ để tạo hiệu ứng. Các nhà làm phim đã tính tới những yếu tố rủi ro nên sử dụng loại chất gây nổ rất nhẹ gắn dưới một chiếc bàn.

Điều không ngờ là khi phát nổ, lực nổ lại quá lớn, ngoài dự tính của mọi người và gây rung chuyển toàn bộ khu vực đó. Một nam diễn viên quần chúng quá hoảng sợ đã bỏ chạy và bị ngã đập mặt xuống cạnh hồ bơi, gãy chân và mũi, mặt mày biến dạng, đẫm máu. Cảnh này lại phải quay đi quay lại nhiều lần, không may là chính tôi cũng bị một mảnh thủy tinh văng vào mắt.


Ở Hollywood, khi thực hiện các cảnh nguy hiểm có yếu tố cháy nổ, khói lửa, bao giờ cũng có ê kíp y bác sĩ túc trực để chăm sóc những người không may bị thương. Ngay lúc bị văng mảnh thủy tinh vào mắt tôi cũng không hay biết mà phải qua ngày hôm sau, khi cảm thấy mắt bị xốn, đau và sưng lên thì mới lo lắng đi bác sĩ.

Lẽ ra phải mổ để gắp mảnh thủy tinh ra ngay nhưng vì đang phải quay phim không thể hủy bỏ nên tôi chỉ uống thuốc kháng sinh để hạn chế vết thương diễn biến xấu.

Sau 10 ngày hoàn thành vai diễn ở Hollywood, tôi tới bệnh viện để xử lý vết thương nhưng các bác sĩ cho biết do để quá lâu, chỗ sưng tấy đã cứng lại, phẫu thuật cũng không thể hoàn toàn loại bỏ hết dị vật. Từ đó, mắt tôi cứ bị sưng tái đi tái lại hoài và trở nên nhạy cảm hơn mức bình thường.

Tôi phải mất 2 năm và thực hiện thêm 2 cuộc phẫu thuật nữa mới lấy hết những mảnh thủy tinh nhỏ xíu còn xót lại. Đến giờ mỗi lần dùng mascara trang điểm, thỉnh thoảng mắt tôi vẫn bị tấy lên và có cảm giác đau", Lý Nhã Kỳ kể.


Sau tai nạn này, "kiều nữ" cho biết cô vẫn cảm thấy sợ hãi khi xem các cảnh cháy nổ trên màn ảnh. "Thậm chí những ngôi sao Hollywood kỳ cựu như Thành Long cũng gặp nhiều sự cố về cháy nổ trên phim trường. Anh nhiều lần bị chấn thương, một tai đã không còn nghe được và liên tục bị bỏng vì cảnh khói lửa nhưng vẫn đam mê với nghề.

Tôi hy vọng các nhà làm phim, đặc biệt là những người chịu trách nhiệm về công tác dàn dựng cảnh cháy nổ sẽ cẩn thận hơn với những đạo cụ nguy hiểm", Lý Nhã Kỳ nói.

Trương Ngọc Ánh trong một cảnh quay của phim 'Áo lụa Hà Đông'. 
Diễn viên Trương Ngọc Ánh cũng từng sợ thót tim khi tham gia hai phim Áo lụa Hà Đông và Hồng Hải tặc.

"Trong phim Áo lụa Hà Đông có cảnh cháy nhà, anh em phụ trách khói lửa làm rất kỹ càng, cẩn thận nhưng vì cảnh này phải quay đi quay lại nhiều lần nên cũng khá nguy hiểm. Bạn diễn của tôi là anh Quốc Khánh phải chạy ra chạy vào nhiều lần nên bị ngạt và sặc khói.


Còn với Hồng Hải tặc thì có nhiều cảnh quay bắn súng dùng đạn mã tử (đạn không có đầu đạn). Không may, một anh diễn viên trong đoàn đã bị thương, đạn sượt qua tay làm chảy máu. Bản thân tôi cũng nhiều lần sợ hãi thật sự khi quay các cảnh rượt đuổi, mìn nổ ngay dưới chân. Dù kỹ càng đến đâu thì yếu tố rủi ro vẫn luôn có khi quay các cảnh hành động, có cháy nổ, khói lửa", "cô Dần" tâm sự.

Diễn viên Bảo Trân cũng kể lại tai nạn mà cô từng chứng kiến khi tham gia phim Đô la trắng của đạo diễn Trần Cảnh Đôn: "Hôm ấy, đoàn phim quay cảnh các chiến sĩ công an truy bắt Nguyên Vũ và có một màn đấu súng khá nguy hiểm. Để thực hiện cảnh này, những người làm công tác khói lửa đã gài kíp nổ vào một lùm cây.

Theo kịch bản, một anh diễn viên quần chúng đóng vai công an sẽ núp sau lùm cây và bị trúng đạn, thương tích nhẹ. Không ngờ, kíp nổ đặt quá gần đã văng trúng mắt của diễn viên này khiến anh bị thương nặng một bên mắt.

Quan sát những cảnh cháy nổ trên phim trường, tôi thấy ở Việt Nam, vấn đề bảo đảm an toàn cho diễn viên còn sơ sài nên nguy cơ gặp rủi ro khi đóng các cảnh cháy nổ là rất cao. Người nghệ sĩ vẫn tham gia những cảnh này chủ yếu vì lòng yêu nghề, dám xả thân vì nghệ thuật chứ hiểm nguy thật khó lường".


Diễn viên Lê Minh cũng có kỷ niệm khó quên khi tham gia phim Những ngày không có mặt trời của đạo diễn Trần Vịnh. Anh kể, bối cảnh phim được thực hiện tại địa đạo Củ Chi, TP.HCM. Lê Minh vào vai một chiến sĩ cách mạng không may trúng đạn của địch.

Để thực hiện cảnh này, người phụ trách cháy nổ đã dán vào lưng anh một kíp nổ. Lo lắng cho sự an toàn của mình, Lê Minh có hỏi về nguy cơ bị thương thật nhưng được khẳng định là: "Có thể yên tâm 100%".

Lê Minh diễn cảnh chạy từ trong địa đạo ra thì bị một toán lính ngụy đuổi theo. Anh vội nhảy xuống chiếc xuồng để chạy trốn. Đúng lúc này thì một tiếng đùng vang lên, nhân vật chiến sĩ cách mạng do anh thủ vai bị trúng đạn ngã xuống sông. Do sức ép của kíp nổ quá mạnh, Lê Minh bị thương nặng ở lưng, ngã thật và ngộp thở dưới nước. Trước khi ngất đi, anh chỉ kịp quay đầu lại kêu cứu.

Diễn viên, đạo diễn Lê Minh
"Lúc ấy tôi đau muốn tắt thở nên mới ra hiệu nhờ giúp đỡ nhưng mọi người hiểu nhầm tưởng tôi 'ăn gian' muốn lộ mặt trên màn ảnh mới quay lại như thế. Sau khi đạo diễn đã hô 'cắt' mà mãi không thấy tôi đứng dậy, cả đoàn phim mới chạy tới và biết tôi gặp tai nạn thật. Tôi được chuyển ra trạm y tế gần đó để các bác sĩ chăm sóc. Lưng tôi bị rách toạc, rất nhiều mảnh tôn găm vào da thịt.

Trước đó tôi có yêu cầu được bảo vệ bằng lốp cao su nhưng người phụ trách cháy nổ nói dùng tấm tôn bảo vệ không sao, họ có kinh nghiệm làm nhiều rồi nên biết. Kết quả là tôi phải tiêm ngừa nhiễm trùng, uống thuốc rất lâu, việc đi lại cũng khó khăn trong thời gian dài. Lẽ ra tôi còn vài phân đoạn nữa nhưng vì bị thương nên đạo diễn phải cắt bỏ những cảnh quay còn lại.

Sau tai nạn này, tôi nghĩ mà buồn cho nền điện ảnh Việt Nam còn quá thô sơ, sinh mạng người diễn viên vẫn còn bị xem nhẹ, rủi ro có thể đến trong gang tấc...", Lê Minh nói.


Hiện Lê Minh bỏ nghiệp diễn viên và chuyển sang làm đạo diễn. Anh từng cộng tác với "Phương khói lửa" - nạn nhân trong vụ sập nhà khiến 10 người thiệt mạng tại TP.HCM.

Trong hai phim Bí mật chôn vùi và Lạc mất linh hồn do Lê Minh chỉ đạo thực hiện, ông Lê Minh Phương phụ trách tạo hiệu ứng khói lửa, cháy nổ. "Làm việc cùng nhau, tôi thấy anh Phương là người rất cẩn thận, kỹ càng. Tai nạn xảy ra với gia đình anh thật quá bất ngờ và đáng tiếc...", Lê Minh ngậm ngùi khi nhớ về người đàn anh trong nghề.

Theo Ngoisao

Bình luận
vtcnews.vn