Sao cứ mãi chỉ trích Miura?

Thể thaoThứ Năm, 18/06/2015 02:39:00 +07:00

(VTC News) - HLV Miura chắc chắn không thể nâng tầm bóng đá Việt Nam nếu như ông tiếp tục đơn độc trong công việc, không những thế còn liên tục bị chỉ trích.

(VTC News) - HLV Miura chắc chắn không thể nâng tầm bóng đá Việt Nam nếu như ông tiếp tục đơn độc trong công việc, không những thế còn liên tục bị chỉ trích.  

Triết lý thực dụng Miura có sai? 

Có một luồng ý kiến từ dư luận tiếp tục công kích HLV Miura vì triết lý của ông "đang giết chết bản sắc kĩ thuật của cầu thủ Việt Nam". Họ cho rằng, Miura yêu cầu đội bóng sử dụng quá nhiều đường chuyền dài, chuyền vượt tuyến và rất ít những miếng bài phối hợp đập nhả cự li ngắn. 
HLV Miura
 HLV Miura tạo ra nền tảng thể lực tốt cho cầu thủ Việt Nam (Ảnh: Phạm Thành)
Tuy nhiên, trên thực tế thì đấu pháp của ông Miura là thứ mà phần đông các đội bóng ở V-League đã áp dụng từ rất lâu. Những ai theo dõi V-League hiện tại sẽ dễ dàng nhận ra điều này, nhất là những đội sử dụng ngoại binh ở vị trí trung phong. Và xa hơn về quá khứ, đấu pháp treo bóng bổng ra biên cho hai tiền vệ đua tốc độ rồi tạt, chọc vào trong, mà các học trò dưới trướng HLV Miura thường xuyên triển khai, chính là đặc sản của một trong những đội bóng danh tiếng nhất Việt Nam - Thể Công. 

Thể Công trong những năm 80 có miếng bài "tủ" như sau: bóng từ tuyến dưới được phất dài lên cho bộ đôi Thế Anh - Tiến Lâm đua tốc độ, rồi từ một trong hai vị trí này, bóng sẽ được tạt, chọc vào trong cho Cao Cường băng vào dứt điểm. 

Trước khi ông Miura tới Việt Nam làm việc, chính bản thân bóng đá Việt Nam cũng đã, đang tự "giết chết" bản sắc kĩ thuật của mình. Sau bao nhiêu năm chuyên nghiệp, các đội bóng V-League vẫn chuộng dùng ngoại binh châu Phi cho các vị trí trụ cột với tiêu chí hàng đầu là khỏe, nhanh, mạnh mà không cần quá kĩ thuật.

Trong khi đó, ở những nền bóng đá có bản sắc kĩ thuật ở châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, từ lâu đã luôn dùng các ngoại binh đến từ Brazil hoặc ít nhất là có tố chất kĩ thuật ở những vị trí quyết định đến lối chơi chung. 
 HLV Miura cho rằng U23 Việt Nam xứng đáng vào chung kết SEA Games
(Ảnh: Phạm Thành)

Theo thống kê, 17/28 cầu thủ ngoại ở V-League có quốc tịch châu Phi, đó là chưa kể nhiều cầu thủ nhập tịch cũng đến từ châu Phi khác như Đinh Hoàng Max, Hoàng Vissai, Hoàng Vũ Samson. Con số này ở Thai Premier League là 17/82 trong điều kiện mỗi đội có 5 ngoại binh và 18 đội tham dự giải. Còn J-League là 1/45, trong điều kiện mỗi đội có 4 suất ngoại binh (1 suất cầu thủ châu Á) và 18 đội tham dự giải. 

Miura quá đơn độc

Triết lý của HLV Miura có thể thực dụng thật, như dư luận chỉ trích. Nhưng dư luận cũng nên nhìn lại chất lượng của nền bóng đá Việt Nam. Theo thông tin từ TTVH, hầu hết thành viên trong hội đồng HLV quốc gia "không có ngoại ngữ đủ để tìm hiểu về thế giới bóng đá". Với điều này, ngay cả việc hỗ trợ cho Miura cũng đã là khó chứ chưa nói đến góp ý để giúp vị HLV từng tu nghiệp tại Đức này phát huy thêm khả năng. 
 Miura cần nhiều hơn sự hỗ trợ từ VFF (Ảnh: Quang Minh)
BLV Quang Huy cũng đã nhấn mạnh rằng: "Ông Miura giỏi đấy, có nhiệt huyết đấy. Và tôi nghĩ không nên sa thải ông ấy như ý kiến từ dư luận. Hãy để ông ấy tiếp tục nắm các đội tuyển. Điều quan trọng nhất là bản thân chúng ta phải có định hướng về cách làm việc với môi trường bóng đá Việt Nam cho ông Miura. Dù gì thì xã hội Nhật Bản cũng khác xa Việt Nam. Ở Việt Nam, muốn công việc trôi chảy thì lúc nào cũng phải có các quy định nghiêm khác, nhắc nhở liên tục".

Khía cạnh nữa là chất lượng những cầu thủ, điều mà ông Miura phần nào không thể cải thiện theo ý mình, do ông chỉ là HLV đội tuyển. 

Truyền thông Nhật Bản từng khẳng định rằng, cầu thủ Việt Nam với nền tảng kĩ thuật hoàn toàn có thể thi đấu tại J-League, nếu họ cải thiện được thể lực - HLV Miura đang làm rất tốt. Song, thể lực, kĩ thuật thôi là chưa đủ để cầu thủ Việt Nam nâng tầm trình độ. 
 VFF đang gặp rắc rối ở thượng tầng (Ảnh: Quang Minh)
Nói về những điểm yếu ngoài thể lực của cầu thủ Việt Nam, BLV Huy Bùi của kênh talkSPORT - người đã theo dõi bóng đá Việt Nam từ những năm 80 cho rằng: "Nói chung từ trước đến nay, kĩ thuật của cầu thủ Việt Nam vẫn thế. Có chăng trước kia cầu thủ hay rê dắt hơn nên nhiều người lầm tưởng kĩ thuật hơn bây giờ.

Vấn đề chính là cầu thủ Việt Nam trước giờ vẫn chưa đạt được tư duy chơi bóng tốt so với các đội mạnh ở Đông Nam Á. Vẫn tủn mủn, chưa toát lên được cái thoáng đạt. Ngoài ra còn là ý thức sinh hoạt, tập luyện và nhất là bản lĩnh thi đấu đều kém. Ai cũng biết cầu thủ Việt Nam luôn đá rất tệ mỗi khi bế tắc". 

Kết

Với những yếu kém ở tầm vĩ mô của bóng đá Việt Nam, những gì mà HLV Miura đã làm được cho đến lúc này, thực sự không tệ hại như nhiều người chỉ trích. Ngược lại, dư luận cần phải cảm ơn HLV Miura.

Ông không những đã chỉ ra những yếu kém của nền bóng đá Việt Nam, mà còn đang xây dựng một "nền tảng Miura" cho các cầu thủ Việt Nam hướng theo - ý thức rèn thể lực và kỉ luật là sức mạnh. 

"Nền tảng Miura" có thành công hay không tùy thuộc tất cả vào việc, nền bóng đá Việt Nam có chịu thay đổi để nâng tầm hay tiếp tục dậm chân tại chỗ mãi như hiện tại. Nên nhớ, Thái Lan sau 8 năm vực dậy giải vô địch quốc gia, họ đã vô đối tại Đông Nam Á và tham vọng với mục tiêu World Cup. 

Hoàng Tùng
Bình luận
vtcnews.vn