Sang Trung Quốc, Thể Công chơi trận hay nhất lịch sử

Thể thaoThứ Hai, 28/01/2013 07:00:00 +07:00

(VTC News) - Gặp tất cả những người của Thể Công, với câu hỏi “đâu là trận đấu oách nhất của Thể Công”, tôi đều nghe: đó là trận thắng lịch sử trước Bát Nhất.


(VTC News) - Gặp tất cả những người của Thể Công, trước và nay, với câu hỏi “đâu là trận đấu oách nhất của Thể Công”, tôi đều được nghe: đó là trận thắng lịch sử trước Bát Nhất (đội đại biểu của Quân đội Trung Quốc) trên sân vận động Công Nhân, Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 24-8-1974.


Trong trạng thái phấn khích, một nhà văn hóa từng nói với tôi: “Đó là một Oateclo của bóng đá Việt Nam”. Tuy nhiên, việc “dựng” lại trận đấu lịch sử đó lại là vấn đề vô cùng khó khăn, bởi ngay cả một số nhân vật chính của trận đấu kinh điển ấy vẫn còn quên nhiều chi tiết quan trọng, nữa là người khác.

Rất may cho tôi là đã gặp lại 2 nhân vật “hết sức quan trọng”, từng tham dự trận đấu lừng danh ấy là hậu vệ trái Nguyễn Duy Phú và tiền vệ trụ Vũ Mạnh Hải. Thế là hai anh đã giúp tôi ôn lại một số nét chủ yếu từ trận đấu có thể nói là trên cả tuyệt vời của tượng đài Thể Công năm xưa.

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ (áo trắng) và Đòan Thể Công năm 1974 (Bên trong có nhiều tên tuổi như các cán bộ: Ngô Xuân Quýnh, Phạm Tất Thắng, Huy Cường..và các cầu thủ: Tý Bồ -thấp nhất đứng trước, Nguyễn Bình, Sỹ Hiển, Cao Cường, Ba Đẻn, Vương Tiến Dũng, Vũ Mạnh Hải, Pahn Văn Mỵ, Nguyễn Duy Phú, Văn Chi, Cầu, Luân...).

Trận đấu trên sân lớn nhất

Đó là ở quý III năm 1974, lãnh đạo Bộ Quốc Phòng Trung Quốc gửi điện mời nhân ngày thành lập Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (1-8-1927) và cũng là thời điểm mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta đang phát triển ở cao trào, tuy nhiên với cách nghĩ và tầm nhìn xa, lực lượng thể dục thể thao của quân đội ta vẫn được chăm sóc rất tốt và chuyến đi năm ấy của Thể Công là ví dụ cụ thể.

Đoàn do Đại tá Nguyễn Hữu Tài, Cục phó Cục Quân huấn làm Trưởng đoàn, Trung tá Phạm Tất Thắng Trưởng đoàn Thể Công là Phó đoàn cùng với Trung tá Lê Nhâm, cựu thủ môn Thể Công, bác sỹ Tống Trần Huyến và phiên dịch viên là Trung tá Nguyễn Chương. Đội Thể Công lên đường với HLV trưởng là Thiếu tá Hứa Tấn Hỷ, Trợ lý HLV là Đại úy Nguyễn Văn Vinh.

Tại Trung Quốc, Thể Công đã lần lượt di chuyển và gặp các đối thủ lớn như Quảng Châu, Liêu Ninh, Bát Nhất…Côn Minh và tất cả các trận đấu đều nhận được sự quan tâm lớn của khán giả Trung Quốc và người xem Việt Nam nơi quê nhà.

Đúng 20h ngày 24-8, trận đấu diễn ra trên sân vận động Công Nhân ở Bắc Kinh với khoảng 100.000 khán giả Trung Quốc, đội hình Thể Công đá theo sơ đồ 4-3-3 gồm: Thủ môn Trần Văn Khánh, các hậu vệ Vương Tiến Dũng(2)-Nguyễn Quý Thiêm(5)-Nguyễn Trọng Giáp (3)-Nguyễn Duy Phú (4), tiền vệ Vũ Đình Bội  (8) – Vũ Mạnh Hải (6) – Phan Văn Mỵ (9) và tiền đạo Nguyễn Bính (10) – Thái Nguyên Bền (7) – Nguyễn Thế Anh (11).

Và bàn thắng phđầu


Hậu vệ trái Nguyễn Duy Phú, tức Phú “mèo” nhớ lại rằng lần đầu tiên lứa cầu thủ Thể Công được đá trên sân vận động lớn nhất Trung Quốc nên rất lo lắng dù họ được quán triệt rất kỹ trước trận đấu về tinh thần đến đấu pháp.

Khi Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh, Thiếu tướng Trần Sâm và lãnh tụ Đặng Tiểu Bình bước xuống bắt tay 2 đội trong tiếng nhạc vang lừng, nhiều người đã có cảm tưởng đây là một trận đấu quan trọng vào bậc nhất của đời cầu thủ.

Và cái phải đến đã đến, đúng như kịch bản đã bàn bạc ở nhà, Thể Công triển khai ngay miếng đánh chớp nhoáng đã tập nhiều lần: bộ ba Bính-Bội-Bền áp sát, sau tiếng còi của trọng tài chủ nhà, Bính lập tức gạt nhẹ trái bóng về phía trước để Bội chạy tới chuyền ngược về cho Mỵ lao lên phất đường bóng mạnh và chuẩn, bóng rơi đúng góc phải vùng cấm địa và đúng lúc đó, Bền lao xuống y như một VĐV điền kinh và tung cú sút phá lưới thủ môn bạn ngay ở giây thứ 27 của trận đấu làm cầu trường vỡ òa ngạc nhiên và thán phục.

Dưới sân, các cầu thủ Thể Công ôm nhau trào nước mắt hạnh phúc và họ đâu có ngờ trên khán đài, ông Đặng Tiểu Bình và Đại sứ ta còn chưa kịp ổn định chỗ ngồi sau khi xuống sân bắt tay hai đội!

Tiền vệ Nguyễn Duy Phú nhớ lại một chi tiết rất hot: trong trận đấu này, ông đã sử dụng khá thành công một số kỹ thuật của bóng đá đường phố và vô hiệu hóa tiền đạo phải mang áo số 7 của Bát Nhất. Đầu hiệp 2, tiền đạo này và “Phú mèo” nhảy đánh đầu và anh ta bị đau khi ngã ra khỏi đường biên.
Lập tức 2 săn sóc viên đã chạy tới nâng anh dậy và xịt thuốc tê, sau đó trước khi đưa số 7 trở lại sân, một người đã rút cuốn sổ tay nhỏ màu đỏ đưa ra trước mặt để động viên tinh thần. Đó là tuyển tập Mao Trạch Đông, vũ khí tinh thần rất hữu hiệu của các bạn Trung Quốc thời kì đó.


*Còn nữa…

Ama Lâm

Bình luận
vtcnews.vn