Sản xuất chip và ước mơ của người Việt!

Tổng hợpThứ Sáu, 22/04/2011 11:11:00 +07:00

Từ một nước thiếu đói, qua 20 năm đổi mới, VN đã có những loại nông sản, thủy sản mang thương hiệu Việt chinh phục thế giới.

Từ một nước thiếu đói, qua 20 năm đổi mới, VN đã có những loại nông sản, thủy sản mang thương hiệu Việt chinh phục thế giới. Từ một nước lạc hậu, bằng chính sách cởi mở, hợp tác, khơi thông dòng chảy vốn, công nghệ và đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, không lâu nữa, sẽ có những sản phẩm “High - tech”, những con Chip mang nhãn hiệu: Made in Vietnam. Liệu chúng ta có đủ cơ sở để tin tưởng vào điều đó không?

 

 

Cần lắm công nghệ sản xuất Chip…

Chip hay còn gọi với tên IC, mạch tích hợp, mạch điện tử… là linh kiện quan trọng nhất trong các thiết bị điện tử. Hiện nay ở Việt Nam, song song với việc nhập khẩu mainboard (board mạch chủ), các hãng sản xuất hàng điện tử (ti vi, đầu thu kĩ thuật số, DVD, quạt điện…) trong nước đều phải nhập khẩu Chip từ nước ngoài. Không những phải chịu giá thành cao, việc nhập khẩu Chip cũng tiềm ẩn nhiều những nhiêu khê trong việc đặt hàng, giao dịch sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Trọng Vân ( đại diện Serial Micro Electronics) thì các doanh nghiệp sản xuất đồ điện tử ở Việt Nam thường phải mua chip thông qua các nhà phân phối như: Người đồng hành, Tương lai…, bởi lẽ số lượng chip trong đơn đặt hàng của các doanh nghiệp này thường nhỏ, không đáng để các nhà sản xuất quan tâm. Chính vì vậy thời gian chờ hàng lâu và giá thành con chip cũng đội lên khá cao so với giá của nhà sản xuất đưa ra.

Ông Chu Tiến Đạt (Phó giám đốc VTC-Digicom) cho biết con Chip chiếm tới 40 – 60% giá thành của sản phẩm điện tử. Tùy theo chức năng của linh kiện này trong từng thiết bị mà giá trị của những con chip có thể dao động từ vài chục  ngàn đồng tới hàng chục triệu đồng. Nếu chúng ta có thể sản xuất Chip tại Việt Nam, nhiều mặt hàng điện tử, điện gia dụng, đồ kĩ thuật số… của các nhà sản xuất trong nước có thể hạ giá thành thấp hơn so với hiện nay ít nhất từ 10 – 20%. Như thế, người dân sẽ có cơ hội mua đồ điện tử với mức giá hợp lý hơn.

Ngoài giá thành, một vấn đề lớn nữa mà các doanh nghiệp sản xuất đồ điện tử trong nước gặp phải khi nhập chip qua nhà phân phối là không được hỗ trợ  kỹ thuật từ chính nhà sản xuất. Đó là chưa kể tới trường hợp đối tác ngừng cung cấp chip thì các sản phẩm đồ điện tử và kể cả một số dòng sản phẩm điện tử gia dụng sẽ không thể hoạt động được. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu Chip từ nước ngoài cũng tiềm ẩn những nguy cơ về an ninh, bảo mật thông tin quốc gia….

Làm chủ công nghệ sản xuất Chip sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất đồ điện tử Việt Nam làm chủ được năng lực hoạt động của mình, không bị lệ thuộc nước ngoài về mặt công nghệ cao, đồng thời kiểm soát được tốt nhất những vấn đề an ninh thông tin quốc gia.

Trên thực tế, thị trường tiêu thụ chip Việt Nam (máy tính, hàng điện tử, hàng điện tử gia dụng…) đang tăng trưởng nhanh. Kết quả nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường In-Stat cho thấy: năm 2006, giá trị của các dòng chip nhập vào Việt Nam là 544 triệu USD, năm 2007 là 668 triệu USD, năm 2010 khoảng 1,28 tỉ USD. Các nhà chuyên môn cho rằng nhu cầu về các sản phẩm của ngành công nghiệp vi mạch trong những năm tới sẽ gấp 5 lần hiện nay. Nếu tiếp tục nhập khẩu chip, các doanh nghiệp sản xuất đồ điện tử trong nước sẽ phải phụ thuộc và chịu nhiều sức ép từ các nhà sản xuất chip nước ngoài.

Với những lý do trên, tạo dựng được ngành công nghiệp thiết kế vi mạnh đang là khát khao cháy bỏng, một nhu cầu bức bách của ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam. Trong chiến lược tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về Công nghệ thông tin, Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Lê Doãn Hợp cũng nhấn mạnh: sản xuất công nghiệp công nghệ thông tin cả phần cứng, phần mềm… trong đó ưu tiên đúng mức cho công nghệ phần cứng là một nhiệm vụ quan trọng. Tuy cơ sở vật chất còn tồn tại nhiều khó khăn và công nghệ sản xuất Chip còn rất mới mẻ ở Việt Nam, nhưng đây là ngành công nghệ cơ bản để Việt Nam có thể phát triển ngành công nghiệp điện tử và bán dẫn, dần dần chinh phục và tiến tới làm chủ công nghệ cao.

 

 

Cát Việt - Những nỗ lực đầu tiên để viết nên một câu chuyện….

Tháng 3/2009, công ty Cổ phần phát triển công nghệ Cát Việt chính thức ra đời. Thành lập trên cơ sở cam kết giữa hai đơn vị Tổng công ty truyền thông Đa phương tiện VTC và Tập đoàn Sigma Designs của Mỹ, Cát Việt là doanh nghiệp nghiên cứu, thiết kế chip thứ 3 có mặt tại Việt Nam và là doanh nghiệp đầu tiên do người Việt làm chủ, tập trung nghiên cứu chip. Định hướng chính của Cát Việt là nghiên cứu và chế tạo các sản phẩm SOC (Chip tích hợp) tại Việt Nam. Sự kiện này đã thực sự dấy lên niềm hi vọng mạnh mẽ của người dân về sự bắt đầu cho ngành công nghiệp thiết kế vi mạch ở Việt Nam theo đúng mong muốn và định hướng của Chính Phủ.

Điểm đáng nói và sự khác biệt lớn nhất của Cát Việt so với những dự án nghiên cứu chip, những doanh nghiệp sản xuất Chip có mặt trước đây tại thị trường Việt Nam chính là phương pháp, cách thức của doanh nghiệp này trong con đường chinh phục, làm chủ công nghệ cao, làm chủ quy trình sản xuất Chip. Nhờ đó những bài toán khó khăn về nhân lực, công nghệ, thị trường… đều lần lượt được giải quyết.

Tập trung vào định hướng nghiên cứu và chế tạo các sản phẩm SOC, phục vụ cho các lĩnh vực công nghệ như Truyền hình Số, Mạng điện thông minh, Công nghệ kết nối trong nhà… Cát Việt đã tìm được đáp án cho bài toán thứ nhất về thị trường đầu ra sản phẩm. Dựa trên những thế mạnh của công ty mẹ VTC trong lĩnh vực truyền hình, nội dung số, viễn thông số… , trong trường hợp Chip của Cát Việt sản xuất thành công thì ngay lập tức sẽ có cơ hội được thương mại hóa, lắp đặt trong các thiết bị đầu thu IPTV, DVB-T, DVB-S… Thị trường này sẽ ngày càng rộng lớn hơn khi lộ trình số hóa truyền hình ở Việt Nam đang được tiến hành ngày càng mạnh mẽ hơn, nhu cầu về tiết kiệm năng lượng, công nghệ kết nối trong nhà… của người dân tăng cao, phù hợp với mục tiêu của Chính phủ.

Thực tế, VTC đã tính toán rất kĩ trước khi quyết định tập trung đầu tư vào công nghệ thiết kế vi mạch dù mơ ước sản xuất chip, làm chủ công nghệ nhen nhóm trong doanh nghiệp này từ năm 2006 – khi truyền hình số bắt đầu phổ biến ở Việt Nam. Doanh nghiệp này nhận thấy rõ nếu họ có khả năng sản xuất Chip thì giá thành đầu thu kĩ thuật số sẽ giảm tương đối so với hiện nay. Người dân sẽ có nhiều cơ hội sở hữu đầu thu kĩ thuật số với giá hợp lý, và lộ trình số hóa truyền hình vì thế cũng được thúc đẩy nhanh hơn. Tuy nhiên những hạn chế về công nghệ cũng như thiếu kinh nghiệm trong nắm bắt quy trình sản xuất chip đã trở thành một rào cản lớn cho việc thực hiện ước mơ của VTC. Sự ra đời của Cát Việt dựa trên nền tảng kết hợp với Tập đoàn Sigma có thể coi là bước đột phá lớn trong việc hiện thực hóa ước mơ sản xuất chip, làm chủ công nghệ cao của VTC.

 
Là nhà thiết kế và sản xuất hàng đầu giải pháp hệ thống trên chip SOC cho lĩnh vực giải trí và điều khiển các thiết bị gia đình trong ngành công nghiệp bán dẫn, trong dự án hợp tác với VTC, Sigma sẽ hỗ trợ và chuyển giao toàn bộ công nghệ sản xuất chip cho Cát Việt từ khâu nghiên cứu, thiết kế cho tới khâu cuối cùng là sản xuất chip. “Nếu tự mò mẫm, chúng tôi sẽ mất 2 đến 3 năm để có thể nắm được quy trình sản xuất chip. Nhưng với sự hỗ trợ, chuyển giao công nghệ của Sigma, Cát Việt sẽ chỉ mất 6 tháng tới một năm để có thể tự mình làm chủ công nghệ sản xuất chip”, ông Chu Tiến Đạt, đại diện VTC cho biết.  Trong tương lai, tham vọng của Cát Việt là chế tạo được DMA (bộ chuyển đổi tín hiệu truyền hình số từ tín hiệu Analog). Như thế, thay vì nhập hoặc đặt doanh nghiệp nước ngoài thiết kế, thì toàn bộ đầu thu kĩ thuật số sẽ được sản xuất tại Việt Nam với mức giá hợp lý.

Có thể nói, hợp tác với Sigma cho ra đời Cát Việt được đánh giá là hướng đi thông minh của VTC. Với việc hợp tác này vấn đề về công nghệ, về đào tạo nhân lực, về hạn chế trong nắm bắt quy trình sản xuất và kinh nghiệm sản xuất chip gần như đã được giải quyết. Ông Nguyễn Hoàng Phong, chủ tịch Cát Việt đánh giá: “Những thiết kế hiện đại, nay đã có thể trực tiếp chuyển tải thẳng từ Trung tâm công nghệ Silicon Valley về Việt Nam, mà không phải đi qua những trạm trung chuyển tại Đài Loan, Hàn Quốc hay Trung Quốc. Hợp tác với Sigma Designs, không chỉ đơn thuần về mặt công nghệ, Cát Việt còn tiếp thu được nhiều kinh nghiệm kinh doanh toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ cao của Sigma Designs”.

Một điểm đặc biệt nữa là Sigma đã cam kết sẵn sàng kết hợp với Đại học VTC Văn Hiến để đào tạo sinh viên về chuyên ngành công nghệ cao, công nghệ chip. Như thế, Việt Nam có thể đặt hi vọng vào một thế hệ kĩ sư tương lai có khả năng tạo dựng nên một ngành công nghiệp thiết kế vi mạch hiện đại, phục vụ cho đất nước.

Đánh giá về sự ra đời của Cát Việt, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng: “Sự ra đời của Cát Việt là một bước đi rất cần thiết và đúng đắn trong chiến lược phát triển của đất nước. Nếu sự hợp tác giữa VTC và Sigma tốt đẹp, chỉ sáu tháng nữa thôi Cát Việt sẽ có sản phẩm Chip đầu tiên hoàn toàn “Made in Việt Nam””.

Tiến Toàn, Ảnh: HTS
Bình luận
vtcnews.vn