Sản phẩm mới muốn được ứng dụng, tác giả phải biến nó thành công nghệ có bản quyền

Khoa học - Công nghệChủ Nhật, 15/04/2018 16:38:00 +07:00

Ngày 12/4, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) phối hợp với Hội Nữ Trí thức Việt Nam và Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Nữ trí thức và công cụ sở hữu trí tuệ trong đổi mới, sáng tạo”.

Tại buổi tọa đàm này, ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ chia sẻ: Hoạt động đổi mới, sáng tạo để được phát triển cần dựa trên nền tảng của tri thức và nghiên cứu tìm tòi, nhưng cũng cần có một công cụ hỗ trợ đắc lực đó là quyền SHTT.

PGS_TS_ Trâm

PGS.TS.NGND.AHLĐ thời kỳ đổi mới Nguyễn Thị Trâm – Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Muốn sản phẩm mới được ứng dụng, tác giả phải biến nó thành công nghệ có bản quyền.

SHTT ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và nó đã thực sự trở thành mối quan tâm chung của toàn thế giới. Đối với các nước phát triển, có nền kinh tế tri thức cao thì hoạt động SHTT luôn được các tầng lớp trong xã hội tôn vinh, đề cao và được quan tâm, coi trọng. Tuy nhiên, đây lại là lĩnh vực còn khá non trẻ ở một số nước đang hoặc chậm phát triển, trong đó có Việt Nam.

Chủ đề của Ngày SHTT thế giới năm nay được WIPO lựa chọn là “Tiếp sức cho những thay đổi – Phụ nữ với hoạt động đổi mới sáng tạo”. Chiến dịch kỷ niệm Ngày SHTT thế giới năm nay tôn vinh tài năng, sự khéo léo, ham học hỏi và sự can đảm của phụ nữ - những người bằng lao động sáng tạo của mình đang thay đổi thế giới và định hình tương lai chung của chúng ta.

Tại hội thảo, PGS.TS.NGND.AHLĐ thời kỳ đổi mới Nguyễn Thị Trâm – Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm trong đăng ký sở hữu và chuyển giao bản quyền sản phẩm nghiên cứu của mình.

Co chau 3

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam

Năm 2008, bà Nguyễn Thị Trâm gây chấn động giới khoa học Việt Nam khi ký hợp đồng chuyển nhượng giống lúa TH3-3 cho một công ty tư nhân với giá trị kỷ lục 10 tỷ đồng. Đây là giống lúa lai hai dòng hoàn toàn được sản xuất tại Việt Nam do bà và cộng sự nghiên cứu.

Bà Trâm chia sẻ, năm 1999 bà đã lập ra một nhóm nghiên cứu tự nguyện với mục đích tạo ra các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp cho nhiều vụ và vùng trồng lúa phía bắc Việt Nam.

Nhóm tự lập kế hoạch, tự nghiên cứu, tự nuôi nhau và nuôi các hoạt động nghiên cứu phát triển. Việc đó tạo nên áp lực buộc phải tạo ra được nhiều giống mới đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và kết quả giống lúa TH3-3 ra đời.

Năm 2007, bà cùng nhóm nghiên cứu nộp đơn đăng ký cấp bằng sở hữu giống TH3-3, sau đó đi tiếp cận với các công ty giống, mời họ cùng đưa hạt giống đến nhiều địa phương trình diễn. Việc làm này các nhà nghiên cứu khi đó thường rất ngại vì phải "lấy tiền và uy tín cá nhân để bảo lãnh công việc".

Toan canh NTT

Toàn cảnh buổi hội thảo

"Khi mời được doanh nghiệp cùng trình diễn nghĩa là chúng tôi đã tạo cơ hội để họ hiểu nhu cầu thị trường và hiểu giá trị giống mới của chúng tôi đầy đủ hơn. Nhờ vậy, họ sẵn sàng mua bản quyền sớm với giá cao", bà Trâm nói.

Từ thành công của bản thân, bà Trâm cho rằng các nhà nghiên cứu khoa học cần đăng ký sở hữu cho sản phẩm của mình: "Nghiên cứu khoa học là tạo ra sản phẩm khoa học mới. Muốn sản phẩm mới được ứng dụng, tác giả phải biến nó thành công nghệ có bản quyền, có như vậy các khoản vốn đầu tư cho nghiên cứu của nhà nước mới tạo ra hiệu quả kinh tế cao và hiệu quả xã hội tích cực”

Cũng tại hội thảo, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam đã đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục phối hợp với hội để hỗ trợ các nữ trí thức các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, bà cũng khuyến nghị các nữ trí thức cần chủ động trong hoạt động sở hữu trí tuệ, mạnh dạn đăng ký, mời các chuyên gia sở hữu trí tuệ đến báo cáo để nâng cao kiến thức về lĩnh vực này tại đơn vị mình.

Video: Tọa đàm kết nối chuyển giao công nghệ

Nguyễn Hương
Bình luận
vtcnews.vn