Sai phạm tại ĐH Đông Đô: Loạn bằng cấp chứng chỉ, nhiều người cả gan làm liều?

Diễn đànThứ Ba, 01/12/2020 07:11:53 +07:00
(VTC News) -

Trong khi các chứng chỉ IELTS, TOEIC, hay Vstep thời hạn 2 năm, thì bằng cử nhân tiếng Anh lại giá trị vô thời hạn, nên nhiều người cố “sắm” cho được tấm bằng.

Những sai phạm trong đào tạo “chui” của Đại học (ĐH) Đông Đô gây xôn xao dư luận những ngày gần đây. Theo kết luận của cơ quan điều tra, ĐH Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo văn bằng 2, nhưng từ năm 2015, trường đã tự tuyển sinh, đồng thời Bộ GD-ĐT cũng đã đăng tải đề án tuyển sinh của trường lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, trong đó có cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Cơ quan điều tra cũng thông tin, phát hiện một số trường hợp không qua thi tuyển, không học, nhưng vẫn được hô biến để sở hữu tấm bằng cử nhân tiếng Anh của ĐH Đông Đô. 

Sai phạm tại ĐH Đông Đô: Loạn bằng cấp chứng chỉ, nhiều người cả gan làm liều? - 1

ĐH Đông Đô bị phát hiện sai phạm trong đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh.

Thực tế hiện nay, chứng chỉ tiếng Anh, tin học là điều kiện cần của các cuộc tuyển dụng viên chức, công chức, thi nâng hạng, nâng lương hiện nay. Cũng bởi vậy, nhiều người chạy đua để có được bằng tiếng Anh cho đủ hồ sơ, chứng chỉ.

NGND, PGS.TS Đỗ Văn Xê, nguyên Hiệu trưởng ĐH Hùng Vương (TP.HCM) cho rằng, nhiều chứng chỉ hiện nay vẫn mang tính hình thức, chưa thực chất, nhưng không có lại không được. Với những chứng chỉ ngoại như như TOEIC, IELTS hay Vstep cũng chỉ có thời hạn trong 2 năm. Do đó, nhiều người bằng mọi cách để “sắm cho được” tấm bằng cử nhân ngoại ngữ vô thời hạn.

“Khi có cầu, ắt sẽ có kẻ lách luật để cung. Đào tạo tiến sĩ nhiều khi mất 7-8 năm, nhưng chứng chỉ ngoại ngữ lại chỉ có thời hạn 2 năm. Nhiều người vì vậy mà tìm mọi cách để chạy văn bằng 2”, PGS.TS Đỗ Văn Xê nói.

PGS.TS Đỗ Văn Xê chia sẻ bản thân từng có 4 năm làm việc tại Philippines, 4 năm học tại Mỹ, nhưng về Việt Nam làm giảng viên cao cấp, ông vẫn phải thi lại chứng chỉ tiếng Anh. Những quy định vô lý, nhiều văn bằng chứng chỉ chưa thực chất, mới chỉ mang tính hình thức đã và đang là mầm mống nảy sinh nhiều tiêu cực như mua bằng, bán điểm, gian lận thi cử.

Bộ GD-ĐT không thể vô can

Về trường hợp ĐH Đông Đô, PGS.TS Đỗ Văn Xê cho rằng, cần làm rõ khái niệm bằng giả, tức người học không tham gia học, không tham gia vào quá trình tuyển sinh đến thi cử, toàn bộ do một tay nhà trường tự “chế biến” để có phôi bằng, làm giả dấu.

“Nếu nói toàn bộ bằng văn bằng 2 tiếng Anh của ĐH Đông Đô là bằng giả thì chưa hợp lý cho lắm. Nếu làm giả như góc độ tôi vừa nói ở trên, thì người học là người có tội, nhưng trường hợp này không hoàn toàn do người học.

Rõ ràng ĐH Đông Đô gian lận, những học viên tham gia vào quá trình gian lận này cũng có thể là nạn nhân. Vì nhiều người khi thấy trường thông báo tuyển sinh, sẽ thi tuyển bình thường, như vậy họ không sai. Nhưng trong quá trình đào tạo, họ vẫn có thể nhận ra trường có vấn đề. Tuy nhiên, ở góc độ tâm lý người học, ai cũng muốn có tấm bằng khi đi học, nên cũng sẽ ậm ừ bỏ qua, dạy sao học vậy. Những người mua bán bằng là sai, nhưng cũng có những người học thật là nạn nhân”, PGS.TS Đỗ Văn Xê nói.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Xê, trách nhiệm trước tiên thuộc về ĐH Đông Đô, khi không được phép đào tạo, nhưng vẫn mở lớp đào tạo, cấp bằng “chui”, tiếp đến là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT.

Trong văn bản trả lời về vụ việc của ĐH Đông Đô, Bộ GD-ĐT cho biết, việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học và thông báo xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ GD-ĐT nằm trong quy trình báo cáo và xây dựng kế hoạch nhiệm vụ hằng năm.

Từ năm 2017 trở về trước, Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT) được giao nhiệm vụ rà soát, kiểm tra năng lực đào tạo và thông báo xác nhận tổng chỉ tiêu năng lực tuyển sinh của các trường (gồm tổng chỉ tiêu đào tạo và chỉ tiêu năng lực theo khối ngành và hình thức đào tạo), đảm bảo phù hợp với năng lực đào tạo theo 2 tiêu chí được quy định (đội ngũ cán bộ, diện tích).

Do đây là việc rà soát năng lực đào tạo nên quy định và thông báo không chi tiết đến từng ngành đào tạo. Cụ thể đối với Trường ĐH Đông Đô, Vụ Kế hoạch - Tài chính chưa năm nào thông báo chỉ tiêu của ngành Ngôn ngữ Anh.

Việc công khai đề án tuyển sinh được thực hiện từ năm 2017 theo quy chế tuyển sinh hệ đại học chính quy nhằm thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình công khai, minh bạch của các trường đại học.

Bộ GD-ĐT cho biết, Vụ Giáo dục Đại học hỗ trợ về mặt kỹ thuật giúp các trường đăng tải đề án lên Cổng thông tin tuyển sinh chung tạo điều kiện cho thí sinh toàn quốc dễ dàng truy cập; theo quy chế các trường phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung của đề án.

Về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Văn Xê cho rằng, dù Bộ GD-ĐT có giải thích, song cũng không thể phủ nhận trách nhiệm khi để xảy ra những sai phạm tại ĐH Đông Đô.

“Website của Bộ mang tính pháp lý, nên các đề án, thông tin tuyển sinh đăng tải mang có độ tin cậy cao. Khi Bộ đăng tải đồng nghĩa với việc công nhận những thông tin đó là đúng. Do vậy, không thể nói Bộ không có trách nhiệm”, PGS.TS Đỗ Văn Xê nhấn mạnh.

Nói về công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ GD-ĐT đối với các cơ sở giáo dục đại học, theo nguyên Hiệu trưởng ĐH Hùng Vương TP HCM, thực tế quá trình kiểm tra xưa nay theo kiểu lấy mẫu, kiểm tra, thanh tra khi có dấu hiệu, chứ không thể rà soát 100% các trường. Giống như kiểu khám bệnh, chẳng mấy ai khám định kỳ, chỉ khi thấy có triệu chứng mới bắt đầu kiểm tra.

Trong bối cảnh tự chủ đại học, các trường được giao nhiều quyền, đi liền với trách nhiệm, PGS.TS Đỗ Văn Xê nhấn mạnh, để tránh những vụ việc như ĐH Đông Đô, bên cạnh trách nhiệm quản lý của Bộ GD-ĐT, bản thân các trường cần tự nâng cao chất lượng, xây dựng uy tín cá nhân để cạnh tranh và phát triển.

N.T/VOV.VN
Bình luận
vtcnews.vn