Sai phạm chấn động ở Từ Liêm: Kiến nghị khởi tố vụ án

Bạn đọcThứ Năm, 20/03/2014 07:00:00 +07:00

(VTC News) – Sai phạm ở Từ Liêm, nếu có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan Thanh tra phải có kiến nghị đối với cơ quan điều tra để tiến hành khởi tố, điều tra.

(VTC News) – Sai phạm ở Từ Liêm, nếu có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan Thanh tra phải có kiến nghị đối với cơ quan điều tra để tiến hành khởi tố, điều tra.

Như VTC News đã phản ánh, năm 2012, Thanh tra TP Hà Nội đã tiến hành thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư GPMB trên địa bàn huyện Từ Liêm trong thời gian các năm 2008-2011.

Kết luận thanh tra chỉ rõ những sai phạm của huyện Từ Liêm trong việc làm thất thoát hàng chục tỷ đồng và làm rõ hành vi sai phạm của nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân khi lập hồ sơ, giấy tờ về nguồn gốc đất giả mạo, xác nhận không đúng để được hưởng tiền đền bù, hỗ trợ không đúng quy định.

Thanh tra TP Hà Nội cũng đã kiến nghị UBND TP Hà Nội và UBND huyện Từ Liêm thu hồi tiền thất thoát và kiểm điểm xử lý cán bộ, tuy nhiên đến nay, khi huyện Từ Liêm đang chuẩn bị tách thành hai quận thì những sai phạm đã được chỉ ra vẫn chưa bị xử lý.

PV VTC News đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội về vấn đề này:


- Ông đánh giá thế nào về những sai phạm trong giải phóng mặt bằng ở huyện Từ Liêm đã bị Thanh tra TP Hà Nội "phanh phui"?

Qua những gì mà VTC News đã phản ánh và thực tế xảy ra thì đây là những sai phạm có tính hệ thống, trong một thời gian kéo dài, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân hay nói cách khác là sai phạm một cách có tổ chức dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng gây thất thoát cho ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng và quan trọng hơn là đã xâm phạm đến trật tự quản lý nhà nước trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, gây bức xúc trong dư luận và làm mất niềm tin của nhân dân vào các chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong đầu tư công.

Trụ sở UBND huyện Từ Liêm. 

Theo tôi, đây là một trong những vấn đề rất nóng và được đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây khi mà một số dự án đầu tư công cũng đang “có vấn đề”, việc thất thoát này không những gây ra thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế mà còn gây ra sự hoài nghi lớn trong xã hội vào tính đúng đắn, hiệu quả của các dự án đầu tư bằng tiền thuế do người dân đóng góp.


- Thanh tra TP Hà Nội xác định, hành vi của các tổ chức cá nhân đã gây thất thoát ngân sách nhà nước gần 100 tỷ đồng. Vậy cơ quan cảnh sát điều tra đã cần phải vào cuộc điều tra làm rõ hay chưa?

Theo nội dung mà phóng viên VTC News đã nêu thì những sai phạm trên đã được Thanh tra TP. Hà Nội kết luận và đưa ra hướng khắc phục.

Tại Điều 11, Luật Thanh tra năm 2010 quy định rất rõ về cơ chế phối hợp giữa cơ quan Thanh tra với các đơn vị hữu quan trong việc đấu tranh phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật trong quá trình thanh tra.

“Điều 11. Trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan thực hiện chức năng thanh tra với cơ quan, tổ chức hữu quan

1. Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an, Viện kiểm sát, cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

2. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan Công an, Viện kiểm sát có trách nhiệm xem xét kiến nghị khởi tố vụ án hình sự do cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyển đến và trả lời bằng văn bản về việc xử lý kiến nghị đó.

3. Cơ quan, tổ chức hữu quan khác khi nhận được yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra có trách nhiệm thực hiện và trả lời bằng văn bản về việc thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý đó.”

Như vậy, trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan Thanh tra phải có kiến nghị đối với cơ quan điều tra để tiến hành khởi tố, điều tra theo đúng quy định của pháp luật.

Quốc lộ 32 đoạn đi qua huyện Từ Liêm. 

- Kết luận Thanh tra Hà Nội chỉ rõ nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân ở Từ Liêm đã có hành vi lập hồ sơ, giấy tờ về nguồn gốc đất giả mạo, xác nhận không đúng để được hưởng tiền đền bù, hỗ trợ không đúng quy định. Hành vi trên đã vi phạm pháp luật thế nào?

Để xác định một hành vi đã vi phạm pháp luật hình sự hay chưa cần phải xem xét và thỏa mãn cả 4 yếu tố cấu thành tội phạm bao gồm mặt khách quan, chủ quan, khách thể và chủ thể.

Theo các thông tin mà báo chí đã đưa thì các hành vi trên có các dấu hiệu vi phạm vào một số tội được quy định trong Luật Hình sự Việt Nam như: Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 267); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281); Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285) ….

-  Theo quy định của pháp luật, quá trình giải quyết sai phạm sau thanh tra như thế nào? Trong trường hợp này cơ quan thanh tra có cần thiết phải tiếp tục thanh tra trách nhiệm tổ chức cá nhân về việc thực hiện kết quả thanh tra hay không?


Đối với việc thực hiện kết luận thanh tra, tại Điều 40 và Điều 41 Luật Thanh tra năm 2010 quy định cụ thể như sau:

“Điều 40. Xử lý và chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra

1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết luận thanh tra hoặc nhận được kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp hoặc Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra:

a) Xử lý, yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý sai phạm về kinh tế;

b) Xử lý, yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật;

c) Áp dụng, yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật;

d) Xử lý vấn đề khác thuộc thẩm quyền trong kết luận thanh tra.

Ông Nguyễn Kim Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, người bị Thanh tra xác định có trách nhiệm trực tiếp đến những sai phạm trong GPMB. Ảnh: Đài Từ Liêm

2. Người có trách nhiệm xử lý kết luận thanh tra mà không xử lý hoặc xử lý không đầy đủ thì bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.


Điều 41. Xử lý hành vi không thực hiện yêu cầu, kết luận, quyết định xử lý về thanh tra

1. Trong quá trình thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra mà không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, chính xác, kịp thời theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra hoặc tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”

Do đó, trong trường hợp này không cần thiết phải “tiếp tục thanh tra trách nhiệm tổ chức cá nhân về việc thực hiện kết quả thanh tra” mà việc cần làm bây giờ là chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện kết luận thanh tra, trong trường hợp “không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật” theo đúng quy định của pháp luật.

Xin cảm ơn ông!
VTC News sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Mọi thông tin phản ánh xin gửi về email: [email protected] hoặc liên hệ trực tiếp đến đường dây nóng 01255.911.911.

Nguyễn Dũng
(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn