Sách giáo khoa Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa

Thế giớiThứ Ba, 03/06/2014 02:00:00 +07:00

(VTC News) - Chuyên gia Hán Nôm uy tín nói ông có trong tay bức ảnh chụp sách giáo khoa Trung Quốc đầu thế kỷ 20 không có Hoàng Sa, Trường Sa.

(VTC News) - Chuyên gia Hán Nôm uy tín nói ông có trong tay bức ảnh chụp sách giáo khoa Trung Quốc đầu thế kỷ 20 không có Hoàng Sa, Trường Sa.

Giáo sư Trịnh Khắc Mạnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm cho biết, ông có trong tay bức ảnh chụp sách giáo khoa của Trung Hoa dân quốc năm 1912 ghi rõ cực nam nước này chỉ đến đảo Hải Nam.
Giáo sư Trịnh Khắc Mạnh - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm đang giới thiệu về các tấm bản đồ cổ khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam 

“Sách giáo khoa Trung Quốc khi đó cũng không hề nhắc tới Hoàng Sa, Trường Sa trong khi sử liệu Việt Nam và cả Trung Quốc đều nói hai quần đảo này thuộc chủ quyền Việt Nam”, giáo sư Mạnh nói với VTC News.
Một trong những ví dụ sinh động về vấn đề này là việc cuốn Đại Nam thực lục của Việt Nam thời Nguyễn còn ghi chép nội dung như sau: “Tàu buôn của Ma Cao, Trung Quốc khi có được bản đồ Hoàng Sa đã dâng trình cho vua Gia Long của nước Đại Nam”.
Điều này được Giáo sư Mạnh lý giải rằng “trong tâm thức của người Trung Quốc khi ấy, Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.
Trong cuộc họp báo giới thiệu những tài liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa hôm nay, 3/6, đại diện Viện Hàn lâm khoa học xã hội cũng giới thiệu cuốn ‘Khải đồng thuyết ước’ – một trong những sách giáo khoa cổ nhất Việt Nam.
Bản đồ trong cuốn Khải đồng thuyết ước thời Nguyễn 

‘Khải đồng thuyết ước’ do Phạm Vọng (tức Phạm Phục Trai), Ngô Thế Vinh viết. Đây là sách giáo khoa dạy các kiến thức về xã hội, địa lý, v.v… trong sách có bản đồ ghi Hoàng Sa thuộc Việt Nam. 
Theo Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cuốn ‘Khải đồng thuyết ước’ được giới khoa học đánh giá là bản sách viết tay sớm nhất triều Nguyễn.
Cuốn sách này cũng có bản vẽ bản đồ Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là quanh hai điểm này còn có thêm những chấm tròn nhỏ, thể hiện những đảo nhỏ xung quanh. Dưới phần ghi Hoàng Sa và Trường Sa có ghi hai chữ là quốc nội, nghĩa là thuộc về Việt Nam.
Công bố tư liệu gốc chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam lần đầu tiên công bố những tài liệu Hán Nôm gốc chứng minh chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Sáng 3/6, Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam giới thiệu cuốn sách ‘Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông’.
Đây là những tư liệu rất có giá trị khoa học, trong đó có nhiều tài liệu gốc lần đầu tiên công bố, sẽ là căn cứ lịch sử và pháp lý sinh động, khẳng định chủ quyền cũng như cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông.
Cuốn “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông” do Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện và nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành, nằm trong chương trình nghiên cứu chung về Biển Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trong nhiều năm qua.

Phương Mai
Bình luận
vtcnews.vn