Sabeco: Mang ngàn tỷ đi đầu tư không lãi bằng ôm tiền gửi ngân hàng

Kinh tếThứ Tư, 28/09/2016 07:46:00 +07:00

Hoạt động đầu tư của Sabeco èo uột tới mức ngàn tỷ đổ vào công ty liên kết, liên doanh mang về lợi nhuận ít hơn tiền lãi ngân hàng.

Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là ông lớn trong ngành đồ uống. Ở mảng hoạt động kinh doanh, Sabeco khá mạnh khi nằm trong Top các công ty có thị phần lớn nhất Việt Nam.

Thế nhưng, hoạt động đầu tư và sử dụng dòng tiền của Sabeco lại bộc lộ không ít yếu kém. Mặc dù đổ ngàn tỷ đồng vào nhiều công ty liên doanh, liên kết nhưng lợi nhuận mang về từ hoạt động này lại ít hơn tiền lãi ngân hàng.

Lãi ít hơn tiền gửi ngân hàng

Sabeco là doanh nghiệp đổ rất nhiều tiền vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết. Ở mảng liên doanh, liên kết, có vẻ Sabeco chưa thành công lắm vì Tổng công ty rót rất nhiều vốn cho công ty liên doanh, liên kết nhưng lợi nhuận thu về chưa tương xứng.

sabeco 2

 Sabeco rót nhiều vốn vào công ty liên doanh, liên kết nhưng lợi nhuận thu về không tương xứng.

Theo báo cáo tài chính bán niên 2016, tới thời điểm 30/6/2016, giá trị khoản đầu tư vào 21 công ty liên doanh, liên kết của Sabeco là 1.840 tỷ đồng. Trong đó, có khá nhiều công ty nhận được nguồn vốn lớn từ Sabeco như công ty cổ phần bia Sài Gòn – Bình Tây (298 tỷ đồng), công ty TNHH Crown Sài Gòn (265 tỷ đồng), công ty cổ phần thủy điện Miền Nam (207 tỷ đồng),…

Chi 1.840 tỷ đồng nhưng trong 6 tháng đầu năm 2016, lãi từ liên doanh liên kết của Sabeco chỉ là 133 tỷ đồng. Mặc dù con số này đã tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm 2015 nhưng vẫn rất khiêm tốn so với tiền lãi gửi tiết kiệm.

Trong kỳ, Sabeco “ôm” 9.388 tỷ đồng gửi tiết kiệm với kỳ hạn gốc dưới 3 tháng và nhận lãi suất từ 3,5% tới 5,5%/năm. Như vậy, tiền gửi ngân hàng của Sabeco chiếm tới 99,95% tổng tiền và các khoản tương đương tiền. Sabeco chỉ giữ 4,6 tiền trong quỹ.

Số tiền mà Sabeco mang đi gửi tiết kiệm trong kỳ cao gấp 4 lần lợi nhuận sau thuế và nhiều gấp 1,5 lần vốn góp chủ sở hữu của Sabeco.

Ngoài ra, Sabeco còn nắm giữ 1.254 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn. Đây là những khoản tiền gửi có kỳ hạn từ trên 3 tháng tới dưới 1 năm với lãi suất dao động từ 4,5% tới 7,2%/năm. Bên cạnh đó, Sabeco còn có trái phiếu tại Agribank đến ngày đáo hạn trị giá 150 tỷ đồng.

Nhờ “ôm” quá nhiều tiền gửi ngân hàng nên công ty nhận được khoản lợi nhuận lớn từ lãi vay. Trong 6 tháng đầu năm, lãi từ tiền gửi ngân hàng là 233 tỷ đồng, nhiều gấp 1,8 lần lãi từ đầu tư vào công liên doanh, liên kết và chiếm 84% tổng doanh thu tài chính.

“Treo” trăm tỷ vì đầu tư

Ngoài đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, Sabeco còn có nhiều khoản đầu tư dài hạn khác. Và không ít trong số đó khiến công ty thua lỗ tới mức phải trích lập dự phòng khiến số tiền mà Sabeco phải “treo” lên tới hơn 432 tỷ đồng.

Cụ thể, nhiều năm trước đây, Sabeco đã rót 217 tỷ đồng và 136 tỷ đồng vào ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) và ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank). Do 2 ngân hàng này gặp nhiều khó khăn, thậm chí thua lỗ nên Sabeco phải trích lập dự phòng tại 2 ngân hàng này lần lượt 159 tỷ đồng và 111 tỷ đồng.

Ngoài OCB và DongA Bank - những khoản đầu tư khiến Sabeco phải “treo” nhiều tiền nhất, còn khá nhiều khoản đầu tư mà Sabeco phải trích lập dự phòng khiến tổng trích lập dự phòng tại Sabeco lên tới hơn 432 tỷ đồng.

Công ty cổ phần du lịch dầu khí Phương Đông (21 tỷ đồng), công ty cổ phần chứng khoán Đại Việt (39 tỷ đồng), quỹ đầu tư Việt Nam (22 tỷ đồng), quỹ đầu tư chứng khoán Sài Gòn A2 (34 tỷ đồng), công ty cổ phần đầu tư và phát triển không gian ngầm (1,4 tỷ đồng), công ty cổ phần du lich Sài Gòn – Đông Hà (361 triệu đồng), công ty cổ phần bia Sài Gòn – Đồng Nai (3,4 tỷ đồng) và công ty PVI Sài Gòn (39 tỷ đồng),…

Quỹ đầu tư chứng khoán Sài Gòn A2 đang trong quá trình giải thể. Quỹ đã chuyển trả 15,35 tỷ đồng từ việc thanh lý tài sản của quỹ này cho công ty. Khoản tiền này sẽ được quyết toán và ghi nhận giảm giá trị đầu tư khi này chính thức giải thể. Khoản đầu tư vào quỹ của Sabeco là 51 tỷ đồng.

Thanh Hà
Bình luận
vtcnews.vn