Rượu 'quốc lủi' vẫn bán chạy như tôm tươi

Kinh tếThứ Ba, 22/01/2013 06:25:00 +07:00

(VTC News) - Tại thị trường Hà Nội, các loại rượu không có nguồn gốc, không có nhãn mác vẫn đang được tiêu thụ rất mạnh.

(VTC News) - Tại thị trường Hà Nội, các loại rượu không có nguồn gốc, không có nhãn mác vẫn đang được tiêu thụ rất mạnh, đặc biệt loại này bán rất chạy từ các đại lí lớn đến các cửa hàng nhỏ lẻ, từ các quán cơm bình dân đến các nhà hàng lớn.

Theo khảo sát của PV VTC News tại một số đại lí và cửa hàng tạp hóa, các loại "rượu quê", không  có nguồn gốc xuát xứ (rượu trắng) được bán công khai khắp nơi với giá  từ gần 20.000 đồng/lít đến 50.000 đồng/lít, loại nào cũng có.

Tuy nhiên, theo các chủ quán, loại "rượu quê" giá hơn 10.000 đồng/lít là bán chạy nhất.

Các quán nhậu bình dân hầu như dùng rượu "quốc lủi" 

Theo chủ một cửa hàng tổng hợp nhỏ ở xã Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội, rượu có thương hiệu như rượu Hà Nội, Voka... anh chỉ nhập số lượng ít để bày cho đỡ trống chỗ, còn rượu nấu thủ công anh cứ nhập gần trăm lít về chỉ bán trong vòng 1 tuần đến 10 ngày là hết.

Anh cũng cho biết, ở đây có nhiều công nhân ngoại tỉnh, thu nhập thấp nên họ chỉ mua loại rượu hơn 20.000 đồng/lít về lai rai. Bản thân chủ quán này cũng không rõ rượu trắng được nấu ở đâu, chỉ có số điện thoại, cứ hết gọi điện là có người mang đến.


Tại đại lí Phượng Minh trên đường Ngọc Thụy (quận Long biên, Hà Nội) dù là cửa hàng tự chọn tương đối lớn, nhưng hễ khách hàng hỏi rượu trắng là có ngay, không giới hạn số lượng.

Chủ cửa hàng cho biết, rượu để trong can 20 lít, không thể bày lên kệ được, hơn nữa bày loại không nhãn mác sẽ bị quản lí thị trường hỏi, nên khi nào khách hỏi mới bán. Nhưng số lượng bán rượu trắng còn nhiều hơn gấp mấy lần so với loại rượu chính hãng.


Bản thân các chủ cửa hàng này cũng không biết có Nghị định 94, không biết sẽ phải đăng kí kinh doanh rượu và bán những sản phẩm theo ngành dọc từ nhà phân phối xuống và có hợp đồng với nhà phần phối rượu mới được bán.

Các chủ cửa hàng này cũng cho biết, bán rượu chính hãng của các công ty chỉ lãi vài nghìn đồng/chai, nhưng bán rượu trắng lãi chả chục nghìn đồng mỗi lít. Bởi vậy, chính bản thân họ cũng không mặn mà với việc bán rượu chính hãng.


Tại một quán cơm bình dân trên đường quốc lộ đi qua thị trấn Đông Anh, loại rượu 18.000 đồng/lít đang sống rất khỏe, bất cứ người đàn ông nào vào ăn cơm đều gọi ra một chai rượu 500 ml.

Chủ quán cơm cho biết, do là quán cơm bình dân nên rượu cũng phải bình dân. Từ khi mở quán cơm này đến giờ, chưa bao giờ nhập rượu của các công ty về bán, vì khách hàng không mua thì nhập về rồi lại lỗ.


Quan điểm của chủ quán cơm về các việc phải bán rượu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thì chủ quán cho biết, việc bán được hay không là phụ thuộc vào khách hàng, bản thân chủ quán không thể quyết định việc này. Dù quán cơm có nhập rượu chính hãng về bán, nhưng khách hàng không chọn thì quán cơm vẫn phải phục vụ theo nhu cầu của khách hàng.

Tại nhà hàng Ngỗng 7 món ở thị trấn Yên Viên, rượu của công ty và rượu trắng bày bán song song, trong thực đơn cũng ghi rõ các loại rượu cho khách hàng chọn. Nhưng một nhân viên ở đây cho biết, khách hàng chọn rượu ba kích (là loại rượu trắng ngâm củ ba kích) là phần nhiều, rượu voka xanh, voka Hà Nội không bán chạy bằng.

Bản thân chủ nhà hàng cũng chưa biết đến Nghị định 94, nhưng họ cũng bày tỏ quan điểm là đồng ý với chủ trương của nhà nước, nhưng nếu khách hàng yêu cầu thì họ không thể từ chối và không chỉ họ mà các nhà hàng khác lại tìm cách hợp lí hóa nguồn gốc rượu trắng để bán ra thị trường.

Riêng người dân thì rất ủng hộ Nghị định này của Chính phủ, họ cho rằng, Nghị định này giúp người dân được sử dụng rượu an toàn. Tuy nhiên nếu cơ quan chức năng không làm quyết liệt thì sẽ không những không ngăn chặn được mà rượu kém chất lượng còn bằng mọi cách tuồn ra thị trường.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn