Rợn người với "dị nhân" 14 năm ăn xác động vật nhặt từ bãi rác

Phóng sựThứ Ba, 15/03/2016 06:53:00 +07:00

“Có hôm tôi lôi lên từ đống rác con chó chết ước chừng 15kg. Mang nó về nhà, tôi làm lông sạch sẽ, thui vàng ươm rồi chế biến đủ các món, thơm nức mũi”.

“Có hôm tôi lôi lên từ đống rác con chó chết ước chừng 15kg. Mang nó về nhà, tôi làm lông sạch sẽ, thui vàng ươm rồi chế biến đủ các món, thơm nức mũi”, ông Tĩnh kể. 


Nổi tiếng với biệt danh Tĩnh “chó”

Hơn chục năm nay, ông Nguyễn Văn Tĩnh (Phố Chấu, xã Bắc Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội) thường lôi từ bãi rác xác những con chó, con mèo về… “đánh chén”. Ông được người dân nơi đây gọi bằng những biệt danh khôi hài là “dị nhân bãi rác”, ông Tĩnh “chó”.

Trong ngôi nhà hai tầng khang trang nằm giữa trung tâm Phố Chấu, khó ai có thể tưởng tượng được, 14 năm qua chủ nhân của ngôi nhà này chỉ ăn những món ăn chế biến từ động vật chết, được thu gom từ bãi rác. Ông Tĩnh cho biết: “Tôi bắt đầu công việc thu gom phế liệu ở bãi rác Nam Sơn từ năm 2001, tính đến nay đã được 14 năm. Từ ngày xây dựng bãi rác thải, nhiều người trong xã tôi đổ xô đi nhặt phế liệu. Nhiều người giàu lên nhờ nghề nhặt rác, có người được lộc “trời cho” nhặt được tiền, điện thoại rồi chục cây vàng cũng có. Riêng tôi chẳng may mắn như thế. Lần tôi nhặt được nhiều nhất là 120.000 đồng, nhưng bù lại, chó mèo chết thì tôi nhặt được nhiều vô kể”.

Ngôi nhà hai tầng giữa Phố Chấu của gia đình ông Tĩnh
Ngôi nhà hai tầng giữa Phố Chấu của gia đình ông Tĩnh 

Chia sẻ lý do nhặt xác động vật về ăn, ông Tĩnh cười: “Quả thực tôi thấy con chó, con mèo chết bỏ đi thì phí của. Với ngày trước nhà tôi nghèo lắm, lại đông con nên làm gì có tiền mua thịt, mua thức ăn. Thế là tôi nhặt xác chó, mèo về để cải thiện bữa ăn. Sau có tiền rồi thì tôi lại muốn tiết kiệm tiền xây nhà. Giờ con cái lấy vợ gả chồng cả rồi, cuộc sống khấm khá hơn thì tôi lại đâm “nghiện”, khó bỏ được những món ăn khoái khẩu ấy”. 

Khẽ nhấp chén nước chè, ông Tĩnh kể, trước đây hoàn cảnh gia đình ông thuộc diện khó khăn trong khu phố. Vợ ông hằng ngày vất vả với gần mẫu ruộng, còn ông ngày nắng cũng như ngày mưa, bán mặt ngoài bãi rác thải. Hai vợ chồng làm lụng vất vả mà vẫn không lo được đủ ăn, đủ mặc cho 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Chính cái đói đã dẫn ông đến một quyết định lỳ quặc, thậm chí có phần ghê rợn và phản khoa học, đó là nhặt xác động vật chết ngoài bãi rác về để cải thiện bữa ăn. 

Ông kể về lần đầu chế biến món ăn từ xác động vật ở bãi rác: “Hôm đó đang bới rác thì tôi kéo lên được một chú chó tầm 7kg. Thấy con chó vẫn còn tươi, nghĩ tiếc của nên tôi mang nó về nhà làm lông rồi thui vàng, mổ bụng, chế biến món ăn. Bữa trưa hôm đó, mặc dù cả nhà tôi không có gì ăn nhưng không ai dám đụng đũa vì sợ. Tôi lấy mình làm “chuột bạch” ăn thử. Ăn xong tôi cứ chờ xem bụng dạ có làm sao không, nhưng thấy bụng dạ tôi vẫn bình thường, không có chuyện gì xấu xảy ra. Từ những bữa sau, vợ con tôi cũng liều ăn. Sau này, do ăn nhiều thành quen nên cả nhà tôi không còn cảm giác ghê sợ khi ăn nữa. Cứ như vậy, nhiều năm rồi xác động vật chết ngoài bãi rác trở thành nguồn cung cấp thức ăn miễn phí cho gia đình tôi”. 

Nghèo đói và… liều

Được biết, ngoài chó thì xác loại động vật mà “dị nhân” yêu thích nhất là mèo. Ông nói: “Nhiều bữa, tôi nhặt được cả con mèo nặng tới 4 kg. Chế biến bộ lòng của nó là nhất, cũng bởi vậy mà mấy bợm nhậu vẫn có câu “nhất lòng mèo, nhì phèo ngựa”.

Khi chúng tôi thắc mắc về những vi khuẩn rồi mầm bệnh có thể ẩn chứa trong những xác động vật chết, ông Tĩnh chỉ lắc đầu: “Qủa thực vì túng thiếu, nghèo đói quá mà tôi làm liều. Chứ lần đầu tiên tôi cũng sợ lắm, vừa ăn vừa run. Nhưng bao năm nay tôi và người trong gia đình vẫn khỏe mạnh, có ốm đau gì đâu. Những xác động vật mang về nhà, tôi chế biến cẩn thận lắm. Tôi cứ cho muối nấu lên là ngon hết. Có muối là tiệt trùng, vi khuẩn chết cả rồi”.

Dị nhân Nguyễn Văn Tĩnh
"Dị nhân" Nguyễn Văn Tĩnh 

Những món ăn được chế biến từ xác chó, xác mèo nhặt ngoài bãi rác, ông Tĩnh có thể ăn được từ bữa này qua bữa khác mà không biết ngán. Thậm chí, có khi mấy hôm ốm không ra bãi rác được, không được động đũa miếng thịt chó, thịt mèo ông còn thấy thèm.

Về sau, việc ông Tĩnh “chó” gần như sống bằng xác động vật ngoài bãi rác được lan truyền khắp xã. Nhiều người hàng xóm lựa lời khuyên bảo, sợ ông cùng gia đình ăn động vật chết mang bệnh vào người, nhưng ông Tĩnh không nghe. 

“Dị nhân” chia sẻ, ngoài việc đi nhặt xác động vật về ăn, ông còn nhận mua chó, mèo… từ những người đi nhặt rác ngoài bãi. “Thường những con vật này đã chết, họ bán lại cho mình rẻ lắm chỉ 5.000- 20.000 đồng/con thôi. Nhiều khi ăn không hết, tôi chế biến rồi để vào tủ lạnh ăn dần”. Theo ông Tĩnh, có những khi bệnh dịch chó chết hàng loạt, mọi người đi nhặt rác sẽ thu gom, bán lại cho thương lái, chủ quán chế biến cho mèo. Giá thành chó, mèo chết rất rẻ nên có bao nhiêu là thương lái khuân hết bấy nhiêu. Còn những con chó mèo chết đó họ đưa đi đâu về đâu thì không ai rõ và quan tâm.

Ông Tĩnh cho biết, hầu như ngày nào ra ngoài bãi rác ông cũng nhặt được xác động vật. Là người có thâm niên trong “nghề”, ông rút ra được kinh nghiệm: “Cứ vào tầm tháng 8 đổ đi tới hết năm thì xác chó, mèo… nhiều vô kể. Chắc do lạnh, sức đề kháng kém nên động vật chết nhiều lắm. Nhất là vào mùa đông, xác động vật càng lâu phân hủy nên mang về nhà chế biến thịt càng ngon”.

Điều đáng nói, hiện tại dù kinh tế gia đình ông Tĩnh đã khá giả hơn, nhưng “dị nhân” vẫn giữ thói quen ăn uống không giống ai này. “Giờ ông ấy nhà cao cửa rộng, con cái đi làm công ty cả rồi, mỗi tháng đưa về cả chục triệu đồng. Thế mà ông ấy có bỏ được món xác động vật ngoài bãi rác đâu. Chỉ là thời gian này vướng trông hai đứa cháu nên ông ấy ít đi thôi”, ông Hà hàng xóm chia sẻ.

Ông Tĩnh thì bày tỏ: “Từ ngày tôi mang xác động vật về ăn, tôi bỗng nhiên trở thành người nổi tiếng bất đắc dĩ. Việc tôi ăn xác động vật ngoài bãi rác thải giờ đã trở thành thói quen khó bỏ”.

Ông Nguyễn Minh Chiến, trưởng khu Phố Chấu
Ông Nguyễn Minh Chiến, trưởng khu Phố Chấu 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Chiến, trưởng khu Phố Chấu cho biết: “Chuyện ông Tĩnh ăn xác động vật ngoài bãi rác là có thật. Cũng bởi vậy mà ông ấy có biệt danh Tĩnh “chó”. Những năm gần đây, không chỉ ông Tĩnh mà một số hộ dân cũng mang xác động vật về ăn. Tôi cùng chính quyền trong thôn phải thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con không nhặt xác động vật về chế biến thức ăn để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra”. 

Lương y Vũ Quốc Trung, phòng khám chùa Cảm Ứng (Hà Nội) cảnh báo, việc ăn xác động vật lấy từ bãi rác như ông Tĩnh là cực kỳ nguy hại. Bởi thông thường động vật chết (dù chưa biết có phải do dịch bệnh không) thì những vi khuẩn bên trong sẽ phát sinh. Người ăn phải thịt động vật chết có thể bị ngộ độc thực phẩm: nôn mửa, tiêu chảy, ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa… Động vật chết vứt ngoài bãi rác lại càng nguy hiểm, bởi đa phần đó là những động vật chết do dịch bệnh, ăn phải bả độc, thuốc chuột… Những chất độc này ngấm vào cơ thể động vật, trong quá trình nấu nướng, dù có chế biến cẩn thận tới đâu cũng không loại hết chất độc. Con người ăn phải thịt những con vật có độc, có thể bị những hậu quả khôn lường. Lương y khuyến cáo, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, mọi người chỉ nên ăn thịt động vật khỏe mạnh, tươi sống.


Nguồn: Tuổi trẻ và đời sống
Bình luận
vtcnews.vn