Rơi giàn giáo ở đường Lê Văn Lương, một người chết: Ai chịu trách nhiệm?

Pháp luậtThứ Sáu, 28/09/2018 15:10:00 +07:00

Luật sư cho rằng, trách nhiệm đầu tiên trong vụ việc rơi giàn giáo ở Lê Văn Lương thuộc về nhà thầu thi công xây dựng công trình, người trực tiếp phụ trách an toàn lao động công trình có thể bị xử lý hình sự.

Liên quan đến vụ việc thanh sắt công trình xây dựng rơi trúng người đi đường khiến người phụ nữ thiệt mạng, một người đàn ông khác bị thương, ngày 28/9, trả lời PV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà thầu thi công xây dựng công trình.

Trước khi khởi công xây dựng công trình, nhà thầu tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động. Kế hoạch này được xem xét định kỳ hoặc đột xuất để điều chỉnh phù hợp với thực tế thi công trên công trường.

Nhà thầu phải tổ chức lập biện pháp thi công riêng, chi tiết đối với những công việc đặc thù, có nguy cơ mất an toàn lao động cao được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng công trình.

Theo luật sư Thơm, sự cố thanh sắt công trình xây dựng rơi là do lỗi của người trực tiếp phụ trách an toàn lao động công trình đã không thực hiện đúng quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công, dẫn tới hậu quả làm 1 người đi xe máy dưới đường thiệt mạng.

1

 Hiện trường xảy ra sự việc khiến người phụ nữ đi đường chết tại chỗ.

Hành vi của người trực tiếp phụ trách an toàn lao động công trình đã vi phạm Điều 6 Thông tư 04/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng, khiến 1 người chết đã có dấu hiệu phạm tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người.

Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 295 Bộ Luật hình sự 2015. Lỗi của người của người trực tiếp phụ trách an toàn lao động công trình trong vụ việc này là lỗi vô ý được quy định tại khoản 2 điều 11 BLHS 2015 "Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

"Như vậy, trong vụ việc này nếu bị xử lý, người trực tiếp phụ trách an toàn lao động công trình có thể bị xử lý hình sự, mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Nhà thầu thi công của người trực tiếp phụ trách an toàn lao động công trình sẽ phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người bị nạn theo quy định tại các điều 591 Bộ luật dân sự", ông Thơm nói.

Nhận định thêm về vụ việc này, ông Thơm cho rằng, vụ việc một lần nữa báo động tình trạng mất an toàn lao động nghiêm trọng tại các công trình xây dựng nhà cao tầng tại Thủ đô Hà Nội nói riêng cũng như tại các tỉnh thành trên cả nước nói chung.

Phần lớn nguyên nhân dẫn đến các sự cố trong thời gian qua do sự chủ quan, thiếu cẩn trọng, không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, không bao che các lan can công trình, lắp đặt biển báo biển cấm, lưới chống vật rơi ở những nơi nhiều người qua lại.

42734934_752881851549238_6304933122043543552_n 7

 Toà nhà đang xây dựng, nơi xảy ra sự việc thương tâm.

Trước đó, sự việc xảy ra vào khoảng 18h ngày 27/9 tại một toà nhà đang thi công trên phố Lê Văn Lương (Hà Nội).

Thông tin ban đầu, chị Dương Thị Hằng (SN 1987, Bắc Ninh) đi xe máy mang BKS: 99R1 6439 đi qua phố Lê Văn Lương, bị vật liệu xây dựng từ tầng cao rơi trúng, thiệt mạng tại chỗ.

Ngoài chị Hằng, ông Nguyễn Hùng Cường (SN 1956, 147 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng bị thương nặng do vật liệu rơi trúng.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, lực lượng chức năng nhanh chóng có mặt tại hiện trường để xử lý vụ việc, phân luồng, điều tiết giao thông.

Tối 27/9, công an quận Thanh Xuân đã cử tổ công tác vào cuộc điều tra, xử lý vụ việc. Hiện chủ đầu tư và đơn vị thi công đã được công an gọi lên trụ sở để phục vụ công tác điều tra.

Xuân Trường - Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn