Rơi máy bay Mi-171: Nghẹn lòng nỗi đau người ở lại

Thời sựThứ Tư, 09/07/2014 12:00:00 +07:00

Đau buồn, lo lắng, chờ đợi và hy vọng may mắn mỉm cười với người thân của mình, là tâm trạng của người nhà của các chiến sĩ bị thương trong vụ Mi-171 rơi.

Đau buồn, lo lắng, chờ đợi và hy vọng may mắn mỉm cười với người thân của mình, là tâm trạng của những người nhà của các chiến sĩ bị thương trong vụ rơi máy bay tại huyện Thạch Thất, Hà Nội ngày 7/7.

Hơn một ngày trôi qua, hai trong số năm nạn nhân sống sót trên chuyến bay định mệnh đã không qua khỏi. Ba người còn lại đang trong tình trạng nguy kịch. Một trong những chiến sĩ đang được cấp cứu là Nguyễn Hoàng Anh, 33 tuổi.

Ông Nguyễn Minh Ngoãn, bố của chiến sĩ Nguyễn Hoàng Anh từ Thái Bình đã lên đến bệnh viện lúc 2g chiều ngày 7/7. Tạo điều kiện cho người nhà bệnh nhân, Viện Bỏng đã bố trí các phòng ở, cơm nước cho gia đình các chiến sĩ. Vì các bệnh nhân được chăm sóc trong điều kiện vô trùng nên ông Ngoãn chưa được vào thăm con. Sáng 8/7, ông được mời đến phòng bệnh, chỉ để nhìn con.


Nói về người con trai thứ đang nằm bất động, người quấn băng trắng xóa, ông Ngoãn nghẹn ngào, cho biết Hoàng Anh đang dự định cuối năm làm ngôi nhà nhỏ. Mơ ước đó giờ sao mong manh quá!

TS Nguyễn Viết Lượng, Chính ủy Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác cho biết, cả năm chiến sĩ đều trong tình trạng bỏng nặng, bỏng sâu từ 40 - 50% diện tích, bỏng hô hấp do hít phải khí nóng, bị đa chấn thương, rạn sọ não, dập phổi. Giai đoạn sốc ba ngày đầu tiên là khó khăn nhất, sau đó là giai đoạn suy đa phủ tạng và nhiễm khuẩn huyết, rất khó tiên lượng.

Sáng 8/7, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tới Viện Bỏng thăm, động viên, tặng quà các chiến sĩ bị thương. Thượng tướng Ngô Xuân Lịch yêu cầu Viện phải tiếp tục làm hết sức mình để cứu chữa ba chiến sĩ bị thương.

Đoàn công tác do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo dẫn đầu cũng vào thăm, động viên các chiến sĩ bị thương cùng gia đình. Tối cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã vào thăm các chiến sĩ bị thương. Sáng nay (9/7), Bộ Y tế sẽ tổ chức hội chẩn liên viện giữa Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai), BV Việt Đức và Viện Bỏng để đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho ba chiến sĩ.


Chiều 8/7, tại trụ sở Tiểu đoàn 18 đặc công của Bộ Tư lệnh Thủ đô, căn phòng lớn sinh hoạt hàng ngày, nay trở thành nơi tập trung các di ảnh của chiến sĩ đã hy sinh.

Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, các cơ quan chức năng đang khẩn trương giải mã dữ liệu của hộp đen máy bay gặp nạn. Công việc này rất khó khăn do bản thân hộp đen cũng có trục trặc về kỹ thuật. Một số thi hài của chiến sĩ bị cháy xém nên việc xét nghiệm ADN mất nhiều thời gian hơn. Các cơ quan chuyên môn đang tích cực xác định nhận dạng danh tính, thi hài của từng chiến sĩ hy sinh.

Đại tá Trần Quang Hòa, Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện cứu hộ đường không, thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết, máy bay gặp sự cố đúng vào thời điểm đang lấy độ cao. Do chưa đạt độ cao cần thiết, học viên đã đeo dù cũng không thể nhảy ra ngoài. Tổ lái đã cố gắng điều khiển máy bay vòng qua bên phải để rơi vào khu đất trống, nơi không có người dân.

Lễ truy điệu các chiến sĩ hy sinh trong vụ máy bay rơi dự kiến diễn ra vào ngày 11/7 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

» Rơi máy bay Mi-171: Vì sao các chiến sĩ không thể nhảy dù thoát thân?
» Tạm ngừng công tác huấn luyện bay trong một tuần
» Cuộc sống đáng mơ ước của người lính dù vừa hy sinh

Theo Báo Phụ nữ
Bình luận
vtcnews.vn