Báo động: 15% học sinh mắc chứng bệnh nguy hiểm này trong mùa thi cử

Sức khỏeThứ Tư, 07/06/2017 11:25:00 +07:00

Áp lực thi cử và điểm số đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng khiến các học trò đau đầu, hoa mắt, chóng mặt… thậm chí mắc các chứng bệnh về tâm thần, đặc biệt là vào thời điểm mỗi khi mùa thi tới.

Nghiên cứu xã hội cho thấy, có 15% học sinh có những biểu hiện về rối loạn cảm xúc. 5% học sinh ở các trường học lớn tại Hà Nội có nguy cơ bị rối loạn cảm xúc, trong đó, 2% học sinh cần phải được điều trị tại các cơ sở y tế. 

Đây là những con số đáng báo động về tình trạng rối loạn cảm xúc và trầm cảm do áp lực thi cử ở tuổi thanh thiếu niên.

Áp lực phải làm một "con ngoan trò giỏi"

Cháu Trương Quang Đ. (16 tuổi, Trần Phú, Bắc Giang) là một học sinh ngoan ngoãn, giỏi giang, được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học, hiện đang theo học tại một trường chuyên của tỉnh.

roi loan tam than

Tình trạng rối loạn cảm xúc ở học sinh không phải là hiếm hoi. (Ảnh: Mai Thanh) 

Thấy con của mình thông minh sáng dạ nên cha mẹ của Đ. đặt hết niềm hy vọng vào con, chỉ mong con luôn học giỏi, dẫn đầu lớp, coi con là tấm gương sáng trong gia đình để những người xung quanh noi theo. 

Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, cháu Đ. bỗng có những biểu hiện khác lạ. Gia đình thấy cháu trở nên xa lánh với mọi người, không muốn giao tiếp với những người xung quanh. Tình trạng học tập cũng trở nên sa sút, cháu bắt đầu sợ học, không muốn đến trường.

Mặc dù được bố mẹ khuyên nhủ và động viên rất nhiều lần nhưng tình trạng của cháu vẫn không có biểu hiện tốt hơn. 

Bên cạnh đó, gia đình thấy cháu có nhiều sự thay đổi rõ rệt như ăn kém, cơ thể gầy đi, giấc ngủ hay có ác mộng, cháu thường giật mình vào ban đêm, lúc tỉnh dậy bàng hoàng như vừa trải qua cơn ác mộng. Cảm xúc cháu cũng thường xuyên thay đổi, hay cáu giận vô cớ.

Ban đầu, cha mẹ nghĩ rằng, đây chỉ là sự thay đổi bình thường của tuổi mới lớn, nhưng đến khi cháu nhất quyết không chịu đến trường thì cha mẹ mới tá hỏa đưa con vào viện.

TS.BSCKII Nguyễn Văn Dũng - Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (SKTT), cháu Trương Quang Đ. bị mắc chứng rối loạn cảm xúc của trẻ em cần phải điều trị. Theo bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các cháu nhỏ vẫn chưa phát triển hoàn thiện về cơ thể cũng như tinh thần, do đó cảm xúc và hành vi rất dễ bị tác động, từ đó gây nên tình trạng stress này.

Với trường hợp của cháu Đ., là con ngoan trò giỏi nên cháu luôn phải chịu rất nhiều áp lực từ sự kỳ vọng của bố mẹ. Để đạt được mong mỏi của bố mẹ, các cháu sẽ phải cố gắng rất nhiều, từ việc học hành chăm chỉ ở trên lớn đến việc nâng cao kiến thức ở bên ngoài, ngày ngày lại phải đối phó với hàng núi những bài tập và hoàn toàn không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi như những bạn bè khác.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, các bác sĩ tại Viện SKTT, BV Bạch Mai cho biết, một số bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc còn do chính bản thân các em đang tự tạp áp lực cho mình. Áp lực phải điểm cao, phải đỗ đạt, áp lực không thua kém bạn bè khiến cho nhiều em tự đẩy mình vào tình trạng rối loạn cảm xúc nặng nề.

Bên cạnh đó, việc sinh hoạt kém khoa học của giới trẻ hiện nay cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Nhiều em không biết cách sắp xếp, phân bổ thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý, không biết cân bằng thời gian giữa học tập và nghỉ ngơi nên sức khỏe giảm sút, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình học tập.

Đó là tình trạng của em Lê Ngọc Q. (20 tuổi, Thanh Hóa). Trò chuyện với các bác sĩ, em Q. cho biết, sau khi học xong phổ thông, em có nguyện vọng đi du học ở nước ngoài. Do mong muốn của em quá mãnh liệt nhưng điều kiện bản thân lại không đáp ứng được nên em đã bị rối loạn lo âu: Sợ hãi việc học, lúc nào cũng lo lắng, bồn chồn, rối loạn giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ, ngủ không ngon giấc, cảm giác mệt mỏi “kiệt sức”, khó tập trung, đầu óc như trống rỗng, tính tình thay đổi, căng cơ, đi học thì xin cô về…

roi loan cam xuc

 Học hành căng thẳng, cộng với việc không biết phân bổ thời gian hợp lý khiến cho nhiều học sinh bị suy nhược cơ thể trầm trọng. 

Rối loạn cảm xúc hoàn toàn có thể chữa khỏi

Theo TS.BSCKII. Nguyễn Văn Dũng, trong những năm gần đây, đặc biệt là vào thời điểm gần mùa thi, số lượng trẻ đến khám và điều trị về các rối loạn cảm xúc do áp lực học và thi có chiều hướng tăng lên.

Chủ yếu, các em phải chịu nhiều áp lực từ việc thi cử, điểm số, thành tích, bố mẹ.. dẫn đến cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, phải gồng mình lên để chống đỡ với áp lực dẫn đến kiệt sức, suy nhược cơ thể...

Do phải chịu đựng áp lực quá nặng nề nên nhiều em học sinh đã có những phản ứng tiêu cực như nản chí, bỏ học, trốn khỏi nhà... Trầm trọng hơn, nhiều em bị rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi, thậm chí muốn tự sát.

Chắc nhiều người vẫn nhớ trường hợp đau xót của nữ sinh Thùy Tr. (THPT Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) đã tự sát để lại 5 lá thư tuyệt mệnh, nguyên nhân tự sát là do em thất vọng, buồn chán với kết quả học tập kém, không đáp ứng được sự mong đợi của người thân.

Để điều trị cho những bệnh nhân này, theo TS.BSCKII Nguyễn Văn Dũng, việc đầu tiên là chúng ta phải tách các em khỏi những áp lực đó, sau đó thiết lập chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Đối với cha mẹ: Trong quá trình nuôi dạy con, các bậc cha mẹ cần chú ý tới việc giáo dục nhân cách và nâng cao bản lĩnh cho các em để vững vàng đối mặt với những khó khăn, áp lực trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần phải nhìn nhận đúng năng lực và sở trường của con em mình, luôn động viên các em cố gắng nhưng không được đặt quá nhiều áp lực lên vai của các em, tránh trường hợp sự mong mỏi các con tốt hơn của cha mẹ lại biến thành áp lực nặng nề tấn công các em.

Video: Áp lực từ kỳ vọng của bố mẹ, nữ sinh tự tử để lại 5 lá thư tuyệt mệnh

Theo các chuyên gia của BV Bạch Mai, điều trị các rối loạn tâm thần liên quan đến áp lực học và thi phải tùy theo mức độ và tùy theo rối loạn mà có phác đồ điều trị phù hợp.

Đối với những trường hợp bệnh nhân bị rối loạn tâm thần nặng, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát không kiểm soát được thì phải cho các em vào điều trị nội trú tại bệnh viện.

Cần kết hợp các liệu pháp tâm lý và liệu pháp hóa dược. Liệu pháp tâm lý được sử dụng là liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), liệu pháp tâm lý nhóm, liệu pháp gia đình, kỹ thuật thư giãn luyện tập….Các thuốc có thể hỗ trợ điều trị như thuốc chống trầm cảm, chống loạn thần…

TS.BSCKII Dũng khuyến cáo, rối loạn cảm xúc do áp lực thi hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu chúng ta phát hiện sớm. Khi thấy con em mình có những biểu hiện bất thường, các bậc cha mẹ cần phải đưa các em đến ngay bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được khám, tư vấn và có hướng điều trị thích hợp. Tránh thái độ kỳ thị và tự ý mua thuốc bên ngoài để uống hoặc cúng bái, tin tưởng vào các đấng siêu nhiên.

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn