Robot vẽ Chipu tuyệt đẹp, đồ án sinh viên nhận 9,7 điểm

Giáo dụcThứ Ba, 21/01/2014 01:30:00 +07:00

Cánh tay robot vẽ Chipu như thật khiến cộng đồng mạng thích thú là đồ án tốt nghiệp của Trần Hữu Tân và Nguyễn Trọng Minh. Đồ án được chấm 9,7 trong thang điểm 10.

Trần Hữu Tân (23 tuổi, quê Kon Tum) và Nguyễn Trọng Minh (24 tuổi, quê Bắc Giang) đều là sinh viên khoa cơ khí máy, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.  
“Mới đầu cả hai chỉ muốn có một clip để dễ giới thiệu với bạn bè về khả năng vẽ tranh của robot. Nhưng sau đó, chúng tôi không ngờ clip lại được cộng đồng mạng thích thú như vậy”, cả hai chia sẻ.

Vui vì thử nghiệm hỏng

Robot cánh tay vẽ tranh hay còn gọi là enter robot được Tân và Minh thực hiện trong hơn ba tháng. Theo đôi bạn, ý tưởng này xuất hiện sau một lần xem clip về robot vẽ tranh do nước ngoài thực hiện.
Cả hai đem ý tưởng thực hiện đồ án chia sẻ với thầy hướng dẫn và được nhận xét hay, khả thi nên bắt tay ngay vào thực hiện đồ án.
sinh viên làm robot vẽ chipu
Tân (bên trái) và Minh xem lại bản thiết kế đồ án.

Tân cho biết: “Trước đó có một công ty ở Hà Nội cũng có một robot vẽ tranh nhưng chỉ vẽ được hình đơn giản như hình vuông, tròn, lá cây... Chúng tôi có tìm hiểu sơ qua về robot đó và đọc rất nhiều tài liệu trên mạng, áp dụng kiến thức để thực hiện đồ án”.

Sau đó, cả hai ra chợ điện tử Nhật Tảo (Q.11) tìm mua linh kiện. Trải qua nhiều lần sai số, giải thuật không đúng, cháy bo mạch… thì sản phầm mới hoàn thành.
Ban đầu, robot của hai chàng sinh viên kỹ thuật chỉ có thể vẽ được tranh đơn giản, sau đó dần hoàn thiện để vẽ tranh chân dung.

“Trong quá trình làm, khó nhất với chúng tôi là xử lý sai số để cho robot vẽ đúng tọa độ, không bị chệch nét. Mỗi lần như vậy cả hai rất đau đầu vì đây là phần quan trọng của đồ án”, Minh chia sẻ.

Tân thường xuyên thức đến 4h sáng để thực hiện đồ án này. Bởi vì: “Chuyện thức đêm làm việc là điều rất bình thường với dân kỹ thuật. Tôi chỉ có cảm hứng, sự tập trung khi làm vào ban đêm”, Tân nói.
Song song với thực hiện robot, hai bạn cũng viết một phần mềm lập trình xử lý hình ảnh. Những bức hình sẽ được phần mềm xử lý thông tin, lưu vào thẻ nhớ và robot sẽ lấy thông tin đã được xử lý để vẽ.
Tùy vào độ khó bức tranh, trung bình mỗi bức được hoàn hoành trong vòng 2 – 3 tiếng.
sinh viên làm robot vẽ chipu
Hai sinh viên xem lại những bức tranh chân dung do robot vẽ.
Ban đầu, Minh và Tân thử vẽ chân dung bạn bè mình và được mọi người khen đẹp, vẽ giống như thật. “Chúng tôi khá hài lòng về sản phẩm này. Vì đối với tôi, trong quá trình làm nhiều lần thử nghiệm hỏng nhưng đều khắc phục được.
Mỗi lần hỏng mà biết sửa là thêm một kinh nghiệm nên thấy vui, nếu hoàn thiện ngay thì bình thường”, Hữu Tân chia sẻ.

Vượt xa mong đợi

Nhận xét về sản phẩm của hai sinh viên mình, PGS.TS Nguyễn Trọng Thịnh, trưởng khoa cơ khí máy cho biết: “Đồ án của hai em vượt xa cả mong đợi của tôi. Ý tưởng của hai em tôi đánh giá là rất hay nhưng ban đầu tôi chỉ nghĩ robot này vẽ được tranh đơn giản thôi. Nhưng không ngờ hai em đã làm được robot vẽ được tranh phức tạp khiến tôi rất bất ngờ”.

Robot cánh tay vẽ tranh hiện đã được trường giữ lại để nhà trường giới thiệu, đầu tư thêm. Theo Tân và Minh, nếu có đủ điều kiện, kinh phí sẽ hoàn thiện robot hơn trong khả năng vẽ tranh.
“Như robot có thể vẽ cùng lúc nhiều bút hơn, vẽ được tranh có màu hay nhiều bức tranh phức tạp hơn cả thể loại chân dung”, Minh nói.

“Việc phát triển robot vẽ được nhiều bút, vẽ tranh có màu hoàn toàn nằm trong khả năng của hai em. Vì các em đã có sẵn nền tảng kỹ thuật của robot. Tuy nhiên về cơ bản đây cũng chỉ là sản phẩm mang tính giải trí nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong ứng dụng vào thực tế đời sống”, PGS.TS Nguyễn Trọng Thịnh cho biết.

Bình luận
vtcnews.vn