Rap Việt: Kiếm củi ba năm, đốt một giờ

Ca NhạcThứ Sáu, 22/01/2021 14:58:45 +07:00
(VTC News) -

Trong mấy tháng, 2 gameshow về rap đã khai thác sạch trơn các gương mặt cũ và mới ở lĩnh vực này, dẫn đến mối lo khán giả hết hứng thú nếu Rap Việt ra mắt mùa thứ 2.

Trở thành hot trend sau 2 gameshow đình đám trên truyền hình, Rap Việt đang ở thế thượng phong trong làng nhạc Việt.. Nhưng đỉnh cao ấy cũng báo hiệu cuộc thăng hoa có thể dừng lại bất kỳ lúc nào. Nhìn lại lịch sử nhạc Việt, chưa bao giờ nhạc rap lại được săn đón nhiều đến thế. Và cũng chưa bao giờ, thể loại âm nhạc của giới underground lại có được nhiều vinh quang đến vậy.  

Hào quang bất ngờ

Trong giải thưởng Âm nhạc Cống hiến lần thứ 16 được trao mới đây, rap Việt chứng tỏ sự trỗi dậy của mình với các đề cử Chuỗi chương trình của năm, Nhà sản xuất của năm, MV của năm, Nghệ sĩ mới của năm. Trong đó, hạng mục Nhà sản xuất của năm đã gọi tên Hoàng Touliver - giám đốc âm nhạc Rap Việt. Chương trình này cũng thắng giải Chuỗi chương trình của năm. Và Dế Choắt - quán quân Rap Việt - cũng rinh cúp Nghệ sĩ mới của năm.

Rap Việt: Kiếm củi ba năm, đốt một giờ - 1

"Rap Việt" đại thắng trong giải Âm nhạc Cống hiến.

Điều đáng chú ý là, Dế Choắt mang hình ảnh “dị nhân” giữa đời thường với hình xăm gần kín mặt cho thấy một lối tư duy mở của truyền thông và công chúng, bắt đầu tiếp nhận cái lạ, sự khác biệt bề ngoài cùng với tài năng của họ.

Giải thích cho việc giải này không ăn theo trào lưu, nhạc sỹ Hữu Trịnh, thành viên BTC cho hay: “Giải Cống hiến năm nay ghi nhận 2 chương trình Rap và một số gương mặt rapper cho thấy giải thưởng Âm nhạc Cống hiến ghi nhận những tìm tòi sáng tạo, những đóng góp cho sự phát triển và làm phong phú cho đời sống âm nhạc Việt. Những chương trình rap vừa qua đã tạo ra những chương trình truyền hình rất phong phú và hấp dẫn với mọi người. Giải âm nhạc Cống hiến đã phản ánh được đời sống của xã hội nên việc tôn vinh rap là điều cần thiết”

Công bằng mà nói, sự trỗi dậy của rap Việt và giới underground đã góp phần xây dựng lại hệ giá trị, kiến tạo nên chân dung đầy đủ của nhạc Việt với nhiều góc cạnh hơn. Trong một phóng sự truyền hình, người ta chứng minh rap và hip hop Việt thực sự có chỗ đứng trong lòng công chúng khi các lyric của một số ca khúc đã trở thành hot trend, trào lưu cửa miệng của nhiều người, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, như “Lan Quế phường giờ là tầm thường, ở đây mới thực là thiên đường” chẳng hạn.

Một số ý kiến mạnh dạn cho rằng, rap Việt không thua kém gì khu vực và thế giới, sóng đôi với các thể loại âm nhạc thịnh hành khác, trong khi trước đây khi rap chỉ là thứ gia vị đi kèm những bản nhạc của các ngôi sao, để phần trình diễn trở nên đa dạng và màu sắc hơn.

Rap Việt: Kiếm củi ba năm, đốt một giờ - 2

Sự thành công của Dế Choắt cho thấy công chúng đã bắt đầu chấp nhận những cái lạ, mới mẻ.

Để có bước tiến này, phải đồng ý với nhau rằng, rap Việt may mắn có điểm rơi hoàn hảo. Giữa sự bình lặng và cũ kỹ của làng nhạc Việt, các nghệ sỹ tài năng ít có tác phẩm mới. Xu hướng nghe nhạc miễn phí trên mạng khiến các nghệ sỹ chán việc đầu tư sản phẩm. Và vì thế, rap Việt cùng sự lạ lẫm của nó khiến người ta thích thú. Các rapper vì thế cũng ngang nhiên trở thành những ngôi sao đình đám, có mức cát-sê khủng mà ngay bản thân họ còn bất ngờ, không tin nổi.

Ăn theo trào lưu, một số nhãn hàng cũng "mượn" rap để phục vụ các chiến dịch quảng bá sản phẩm và thương hiệu của mình. Nhan nhản các clip quảng bá sản phẩm Tết có sự góp mặt của Binz, Karik, Suboi, Justatee. Một số rapper từng lui về "ở ẩn" nhiều năm bỗng nhiên trở lại, lịch diễn dày đặc, mà Young Uno, Mr T là ví dụ. 

Nhạc sỹ Rhymastic từng cho rằng: “Cả hai show rap đã đưa rap đến với khán giả đại chúng vì một diện mạo thân thiện, gần gũi và dễ chấp nhận hơn là rap của giới underground. Có lẽ nó làm thay đổi nhiều định kiến đã có từ lâu trong lòng khán giả đại chúng về rap”. Thật vậy, qua hai chương trình truyền hình về rap Việt, có thể thấy, các nghệ sỹ rap - cùng với sức ép về nội dung của nhà đài và gợi ý về chủ đề từ BTC, nhà sản xuất - đã khôn ngoan hơn nhiều trong việc tìm cách tiếp cận công chúng.  

Ngoài các chủ đề thể hiện cảm xúc phong phú, rap Việt đã kết hợp với âm nhạc truyền thống như chèo, chầu văn, cải lương, khai thác các tác phẩm văn học nổi tiếng... Điều này giúp thay đổi những định kiến ban đầu về nguồn gốc của rap, làm cho rap có thể rũ bỏ quá khứ buồn tủi, hiên ngang đứng lên như một thể loại âm nhạc đầy tính nhân văn. Một số tác phẩm như Bắc kim thang, Tiền nhiều để làm gì, Mượn rượu tỏ tình, Phiêu lưu ký có lượng nghe "khủng" trên mạng xã hội khi tạo ra diện mạo mới mẻ, dễ nghe, dễ thuộc.  

Khai thác sạch trơn trong vài tháng

Tuy nhiên, cuộc trỗi dậy của rap Việt chỉ trong thời gian ngắn cũng báo hiệu sự thoái trào của chính trào lưu này. Trong vòng mấy tháng, hai phiên bản gameshow về rap trên truyền hình đã khai thác sạch trơn các gương mặt cũ và mới trong lĩnh vực này. Người ta e ngại, sẽ chẳng còn hứng thú trong việc nếu Rap Việt có ra mắt mùa thứ 2, vì tài năng lấy đâu mà nhiều thế.

Các chiêu trò của phiên bản truyền hình thực tế này cũng khó tạo nên những drama mới để hút công chúng. Trả lời phỏng vấn gần đây, Hà Lê và Wowy cũng ngầm cảnh báo lớp đàn em về một tương lai không mấy tốt đẹp nếu không thực sự nỗ lực và tài năng.  

Cũng trong trào lưu bùng nổ nhạc rap và sự kiếm tìm định dạng gameshow âm nhạc hấp dẫn sau hàng loạt phiên bản cũ kỹ như Nhí tài năng, The Voice, nhà đài ép mình trong kế hoạch sản xuất phiên bản Rap Việt dành cho trẻ em.

Rap Việt: Kiếm củi ba năm, đốt một giờ - 3

Rap Kids vấp phải sự phản đối khi trình diện vì bị cho là ăn theo xu hướng.

Rap Kids đang thực hiện kế hoạch sản xuất và lập tức vấp phải sự chỉ trích. Khán giả có vẻ đồng lòng khi cho rằng, rap không phải là cuộc thi hát thông thường, không phải cứ đọc vài chữ là thành rapper.

 “Muốn thi rap, các em phải tự viết lời, sáng tạo flow chứ không phải cover. Trẻ em lấy đâu ra kinh nghiệm sống để tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh, độ tuổi như vậy là quá nhỏ để tiếp xúc với thể loại nhạc cũng như văn hoá hip-hop quá đặc thù. Con nít có biết cách gieo vần, đi flow, sản xuất âm nhạc ra làm sao, viết lyrics (lời nhạc) thế nào. Chúng còn bé, để chúng vui chơi đi. O ép vào cái này là quá sức”, một khán giả bày tỏ sự băn khoăn của mình.  

Đứng bên ngoài quan sát, từ trào lưu của người lớn lẫn sự khai thác quá đà của các nhà sản xuất, cả giới nhạc và khán giả lo lắng và liên tưởng đến câu thành ngữ "Kiếm củi ba năm, đốt một giờ". Nhiều ý kiến cho rằng các nhà sản xuất không nên tạo giấc mơ ảo, hào quang ảo cho giới trẻ. Làm nghệ thuật khó, và trở thành ngôi sao càng khó, không có nhiều những cuộc đổi đời nhanh chóng, nếu chỉ qua những cuộc thi!

Đào Gia Long
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp