Rào càn lớn nhất của tái cấu trúc là… lợi ích nhóm!

Tổng hợpThứ Hai, 09/04/2012 03:28:00 +07:00

Bàn về vấn đề Tái cấu trúc các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước, Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng đó là một nhu cầu tất yếu.

    Bàn về vấn đề Tái cấu trúc các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước, Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng đó là một nhu cầu tất yếu, một việc làm cấp thiết của Chính phủ. Tuy nhiên, việc thực hiện tái cấu trúc ở khu vực kinh tế này sẽ vấp phải rất nhiều rào cản khó khăn, mà theo ông rào cản lớn  nhất chính là … lợi ích nhóm.

 

Tiến sỹ Kinh tế Lê Đăng Doanh

Xin ông cho biết vì sao các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước cần phải thực hiện tái cấu trúc?

Hiện nay các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước không chỉ hoạt động trong những lĩnh vực, dịch vụ công ích cho nền kinh tế mà còn hoạt động cả trong những khu vực mà các doanh nghiệp tư nhân có thể đảm nhận và làm tốt hơn. Tôi cho rằng điều ấy không cần thiết. Nó sẽ tạo ra sự chèn ép và hạn chế sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Ví dụ như taxi hay nhà hàng khách sạn thì không cần phải có doanh nghiệp nhà nước… Nhiều lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động cần phải được thu hẹp lại để tập trung vào cách ngành chính. Thậm chí các ngành chính đó hiện nay cũng đang trong cơ chế độc quyền, phải chỉnh sửa lại cơ chế độc quyền đó, phải tăng sức cạnh tranh. Điều này tạo ra một nhu cầu bức thiết về việc điều chỉnh và tái cấu trúc lại hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.

Điểm thứ hai quan trọng hơn là phải thực hiện việc công khai minh bạch đối với hoạt động của các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước. Các đơn vị này hoạt động sử dụng tiền vốn của dân, vậy người dân là người chủ sở hữu nguồn vốn đó phải có quyền được biết, được giám sát hoạt động của doanh nghiệp: nguồn vốn đó đã được đầu tư thế nào? Đầu tư vào đâu? Kết quả ra sao… Hiện nay cái gọi là công khai minh bạch rất không rõ ràng. Điển hình như công ty xăng dầu Petrolimex lãi hay lỗ? Ông Thứ trưởng Bộ công thương bảo nó lỗ, ông Bộ trưởng tài chính bảo nó lãi, vậy người dân biết tin ai?  Rồi rất nhiều doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước hiện nay kết quả làm ăn có lãi hay không? Có ai đảm bảo chỉ có duy nhất một “Vinashin” hay còn có bao nhiêu “Vinashin” khác nữa chưa lỗ? Phải đánh giá được đúng thực trạng. Việc tái cấu trúc cũng là điều cần thiết để thực hiện việc công khai minh bạch trong hoạt động của các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước.

Điểm thứ ba nữa là việc tái cấu trúc sẽ nâng cao được tính chuyên nghiệp trong quản lý doanh nghiệp nhà nước. Từ lâu rồi chúng ta có ý định thuê giám đốc người ngước ngoài để quản lý doanh nghiệp nhà nước nhưng không thuê được bởi lý do cơ chế. Do đó phải xây dựng cơ chế để doanh nghiệp để có thể có được những giám đốc chuyên nghiệp thực sự. Không nhất thiết phải là người nước ngoài nhưng phải được tuyển chọn công khai, phải có hội đồng tuyển chọn rõ ràng… Lúc ấy mới có thể đạt được kết quả như mong muốn. Hiện nay giám đốc doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước được bổ nhiệm trên một cơ chế nào đó mà người dân chưa rõ. Tôi đã nói nhiều lần là cơ chế quản lý của doanh nghiệp Việt Nam rất kém, nhưng không phải là không thể khắc phục được.

 

 

Việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước phải tập trung vào những vấn đề gì và phải trải qua những bước nào, thưa ông?

Trước hết phải có sự đánh giá hết sức rõ ràng thực trạng hoạt động của doanh nghiệp hiện nay ra sao? Thứ hai là phải xây dựng được hệ thống quan điểm và hình thành cơ cấu hợp lý của doanh nghiệp nhà nước là như thế nào? Các cơ chế quản lý sẽ ra sao? Rồi yêu cầu về tiêu chí đạt được ở mức độ nào?... Trên cơ sở đó mới xây dựng các phương pháp và có quá trình chuyển đổi cho hợp lý.

Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước  phải bao gồm: thứ nhất là tái cấu trúc về mặt ngành nghề, phạm vi hoạt động, lĩnh vực đầu tư… để hoạt động có hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh; thứ hai là tái cơ cấu về cơ chế quản lý, phải công khai minh bạch, phải có trách nhiệm giải trình, có tính chuyên nghiệp của quản trị doanh nghiệp… Đó là những nội dung chính cần làm mà nếu không thực hiện được thì nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước sẽ không rõ ràng.

Theo ông, việc tái cấu trúc của các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước ở Việt Nam sẽ vấp phải những rào cản nào?

Rào cản lớn nhất của tái cấu trúc doanh nghiệp, tổng công ty  nhà nước chính là điều mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói ra, đó là lợi ích nhóm. Một số người được lợi rất lớn từ doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước: chức vụ, tiền vốn, đất đai… Đây chính là ẩn số mà những người trong lợi ích nhóm ra sức bảo vệ và ngăn cản quá trình thực hiện tái cấu trúc.

Tái cấu trúc doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước được coi là một sự tự “lột xác”, nhưng nếu không có quyết tâm chính trị mạnh mẽ thì không thể nào vượt qua được.

 

 

Với một doanh nghiệp nhà nước, xác định được thời điểm hợp lý để thực hiện tái cấu trúc phải dựa trên những yếu tố nào thưa ông?

Hoạt động của bất cứ một doanh nghiệp nào cũng phải dựa trên nguyên tắc cạnh tranh và hiệu quả. Doanh nghiệp phải tự đánh giá được mình hoạt động có hiệu quả không? Có năng lực cạnh tranh không?... Nếu có hiệu quả, có năng lực cạnh tranh thì giữ. Nếu thấy cần phải thay đổi thì nhất định phải làm thôi. Đó là yêu cầu khác nhau của từng doanh nghiệp.

Ông đánh giá việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước sẽ ảnh hưởng như thế nào tới người lao động? Liệu nó có tạo ra những cơ chế bất lợi cho người lao động không và lúc ấy thì doanh nghiệp phải xử lý như thế nào?

Chắc chắn sau tái cấu trúc sẽ xuất hiện những lao động dôi dư. Nhà nước cần phải có chính sách trợ cấp để tạo cho họ công ăn việc làm mới hợp lý. Nhưng có một điểm tôi lưu ý là các doanh nghiệp tư nhân chính là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất thì hiện nay nó lại rất khó khăn. Số doanh nghiệp mới thành lập ít đi, doanh nghiệp đang hoạt động cũng ngừng hoạt động hoặc phá sản. Những người đang có việc làm giữ được việc đã khó, những người tìm việc làm mới lại càng khó hơn. Đó là điều rất đáng lo ngại và cần đến vai trò của nhà nước để người lao động có thể vượt qua được những khó khăn ấy.

 Với thực trạng hiện nay theo ông làm thế nào để chúng ta có thể thúc đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước?

Phải vượt qua được lợi ích nhóm. Mà muốn vượt qua được lợi ích nhóm thì không có cách nào khác là doanh nghiệp phải công khai minh bạch về hoạt động.

Nhà nước không thể vừa đá bóng, vừa thổi còi, vừa kinh doanh vừa quản lý, vừa sở hữu lại vừa giám sát, vừa ôm đồm những sự vụ vất vả. Nhà nước phải tổ chức tốt chức năng hoạt động nền kinh tế, lái thuyền chứ không thể vừa chèo vừa lái, có khi ham chèo bỏ lái. Quyền lực nhà nước phải được giám sát công khai minh bạch. Chính phủ phải có trách nhiệm giải trình trước dân thì công cuộc tái cấu trúc kinh tế mới đạt được tiến bộ như mong muốn.

 Xin cảm ơn ông!


KT

Bình luận
vtcnews.vn