Rắn hổ mang, hổ trâu 'cõng' tiền tỷ về thôn Bạch Xá

Kinh tếThứ Năm, 10/05/2012 01:12:00 +07:00

Cung cấp "đặc sản" rắn hổ mang, rắn hổ trâu... đã mang lại tiền tỷ cho nhiều hộ gia đình ở thôn Bạch Xá xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Từ thôn thuần nông nghèo nhất xã Hoàng Đông (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), đến nay, Bạch Xá đã trở thành địa chỉ hàng đầu nuôi và cung cấp "đặc sản" rắn hổ mang, rắn hổ trâu ở tỉnh này, mang lại tiền tỷ cho không ít hộ gia đình.

Năm 1990 anh Nguyễn Kế Đông, thôn Bạch Xá là người đầu tiên đưa rắn về làng nuôi, đưa làng này trở thành thương hiệu nuôi rắn thương phẩm cũng như rắn con cho nhiều tỉnh thành phía bắc.

Rắn thích nghi với bóng tối nên chuồng nuôi của chúng phải thường xuyên che nắng. Ảnh: Văn Định.  

Đầu tiên, anh thí điểm với 5 chuồng rắn hổ mang và rắn hổ trâu, mỗi chuồng nuôi khoảng 30 đến 40 con trong 3m2.


Nhận thấy rắn hổ mang là loài ăn tạp nên rất dễ nuôi, ít bệnh tật, thức ăn lại dễ kiếm (chủ yếu là vịt con chết, trứng ấp loại, cóc, nhái…) nên anh đã nhân rộng nhanh chóng. Đến nay, gia đình anh sở hữu hàng trăm ô nuôi, mở rộng thành 3 trang trại với hơn 5 nghìn con. Trong đó có hơn 1 nghìn rắn bố mẹ dùng để nhân giống.

Anh Đông cho biết rắn chỉ ăn mạnh vào khoảng tháng 6-7, trung bình hai ngày cho ăn một lần, đến mùa đông thì ngừng. Sau hai năm mỗi con đạt trọng lượng 2,5 - 4 kg, bán ra thị trường khoảng 800 nghìn đến 1 triệu đồng một ký. Trừ vào chi phí mỗi con lời khoảng 400 - 500 nghìn đồng.
Thường cứ cách 1 ngày rắn ăn một lần, còn mùa đông thì chúng không ăn, nên người nuôi cũng nhàn hạ hơn. Ảnh: Văn Định. 

Rắn hổ mang đẻ trứng vào khoảng từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, mỗi lần đẻ từ 20 đến 25 quả và trứng ấp trong khoảng tháng rưỡi là nở. “Tỷ lệ nở trứng rất cao thường từ 95 đến 98%, nhưng phải biết cách. Sau khi rắn đẻ, lấy trứng cho vào thùng xốp sau đó rải cát vừa đủ lên, giữ ấm là rắn tự nở”, ông chủ Đông tiết lộ.

Rắn con vừa nở đã bán được 170 nghìn đồng, trứng rắn cũng có giá, bán khoảng 50 nghìn. Giá cao như vậy nên trừ chi phí chăn nuôi mỗi năm anh Đông thu về hàng tỷ đồng.

Do rắn tiêu thụ dễ dàng, không cần đem đi bán cũng có thương lái vào tận nơi đặt hàng, nên nhiều người dân trong làng học hỏi và nuôi theo. Đến nay, sau hơn 10 năm tại đây đã có hàng trăm hộ nuôi rắn.

Một người dân cho biết, nếu rắn không may bị chết một nửa thì người nuôi cũng không lỗ. Chính vì vậy mà rất nhiều người dân từ các nơi khác như Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình… cũng đến Bạch Xá mua con giống, học hỏi kinh nghiệm, mách nhau làm giàu.

Gia đình anh Nguyễn Khắc Ly từ một hộ nghèo nhất vùng, vay mượn đầu tư nuôi rắn hổ mang, đến nay sau 7 năm cũng có được hơn 1 nghìn rắn thương phẩm. Anh cho biết, nuôi khoảng 2 năm là rắn bắt đầu đẻ trứng nên gia đình bớt được chi phí con giống, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng từ 35 ô nuôi trong nhà.

Theo anh Ly, nuôi rắn chỉ vất vả hai năm đầu khi phải xây chuồng, trại kiên cố, nguồn vốn bỏ ra không lớn mà lãi gấp rất nhiều lần so với làm ruộng, làm nghề phụ khác.

Là người phụ nữ duy nhất trong làng nuôi rắn độc, bà Nguyễn Thị Nền cho biết nghề này cũng giúp gia đình bà đổi đời. Sau khi người chồng bệnh tật qua đời, tận dụng mấy ô chuồng không nuôi lợn, bà xây 10 ô nuôi rắn, mỗi năm bà xuất hơn 300 con. Cuối năm 2011 bà thu về hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi hơn 80 triệu đồng.

Ông Nguyễn Khắc Đừng, trưởng thôn Bạch xá, xã Hoàng Đông cho biết: “Cả xóm có 490 hộ dân nhưng có tới hơn 300 hộ dân nuôi rắn, hộ ít cũng phải đến hàng trăm con. Nhờ rắn mà từ xóm nghèo nhất xã giờ đây thôn Bạch Xá nhiều người có tiền đầu tư như mở rộng trang trại chăn nuôi với số lượng lớn. Làm ruộng không còn là thu nhập chính của địa phương”.

Sau khi bán một mẻ rắn thương phẩm, chị Nguyễn Thị Bán tu sửa lại chuồng để chuẩn bị nuôi lứa mới. Ảnh: Văn Định. 
Nguồn lợi rất lớn, nhưng cũng có trường hợp đã chết vì rắn cắn. “Năm 2007 ông Nguyễn Khắc Hiều, người trong thôn sau khi uống rượu vào chuồng bắt khiến rắn sợ quay lại cắn, ông Hiều chết ngay sau đó. Còn trường hợp bị rắn cắn thì nhiều vô kể. Nhưng chỉ cần biết cách sơ cứu sau đó đưa lên trạm y tế là không việc gì”, ông Đừng cho biết thêm.


Giờ đây, sau hơn 20 năm nuôi rắn, đời sống của người dân thôn Bạch Xá đang thay da, đổi thịt từng ngày, không lúc nào thôn hết tiếng còi xe vào làng. Ở đây có hàng trăm người khởi nghiệp từ nghề nuôi và sống chết với rắn. Với họ, loài bò sát này không còn gây nguy hại nữa mà chính là công cụ kiếm tiền giúp người dân có cuộc sống sung túc hơn.

Văn Định/ VnExpress

Bình luận
vtcnews.vn