Radio trực canh - mang Tiếng nói Việt Nam đến với ngư dân

Thời sựThứ Bảy, 15/07/2017 15:18:00 +07:00

Dự án Radio trực canh, radio chuyên dụng của Đài Tiếng nói Việt Nam đã và đang trở thành hiện thực góp phần khẳng định vị thế của nhà Đài – vừa hoàn thành tốt chức năng thông tin, tuyên truyền, vừa là người đồng hành thân thiết của khán thính giả và bạn đọc trên cả nước.

Ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN đã trả lời phỏng vấn về vấn đề này.

- Thưa Ông, báo chí chính thống hiện đang đối mặt với nguy cơ chia sẻ thị phần và có thể bị mất dần công chúng truyền thống, nhưng với chất lượng thông tin và bản sắc riêng, Đài TNVN hoàn toàn có thể lạc quan về tương lai của một thương hiệu truyền thông lớn?

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Trong xu hướng số hóa, hội tụ công nghệ và đa phương tiện, Đài Tiếng nói Việt Nam từ duy nhất một loại hình phát thanh truyền thống đã nối dài cánh sóng bằng những loại hình khác như truyền hình, báo in, báo điện tử. Hiện là cơ quan báo chí duy nhất hội tụ đủ 4 loại hình báo chí, Đài không ngừng phát triển vừa hiện đại hóa vừa chuyên biệt hóa, phục vụ nhu cầu đa dạng của công chúng.

Tuy nhiên, trong những năm qua, có những lúc phát thanh có vẻ như không được đánh giá đúng hết vai trò và vị trí, thậm chí có sự xao nhãng. Muốn mua một cái radio tương đối tốt cũng khó, thậm chí radio hỏng thì không biết đem sửa ở đâu.

sepky_mney

Ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN. (Ảnh: Nguyễn Mỹ Trà)

Trong khi, ngay cả các nước phát triển, rất phát triển như Thụy Điển, phát thanh vẫn chiếm một vị trí quan trọng. Hoặc như ở Mỹ hiện nay, theo cùng với sự phát triển của mạng xã hội, thị phần radio cao hơn truyền hình.

Đó cũng là viễn cảnh mà chúng ta có thể nhìn thấy trước ở Việt Nam, khi phát thanh sẽ bắt nhịp với sự phát triển của xã hội, người ta có thể nghe tất cả các kênh Giao thông, Âm nhạc, Thời sự, Chính trị, Khoa giáo, Phát thanh đối ngoại Kênh Tiếng Anh 24/7, khi đang di chuyển bằng phương tiện cá nhân hay công cộng.

- Được biết, Dự án “Radio không cần rà sóng, chỉ cần ấn nút” của Đài TNVN đã và đang trở thành hiện thực. Ông có thể cho bạn đọc và bạn nghe Đài rõ hơn về dự án lớn này ?

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Radio trực canh, radio chuyên dụng phù hợp với phát thanh của Việt Nam là hai sản  phẩm mới mà Đài Tiếng nói Việt Nam đang tiến hành thực hiện. Mặc dù hiện nay, Đài TNVN hướng tới phát thanh số nhưng vùng nông thôn, miền núi, vùng ven biển vẫn phải là phát thanh truyền thống. Dĩ nhiên, để chất lượng phát thanh truyền thống được nâng cao thì chúng ta cần phải nâng cao nội dung chất lượng, kỹ thuật các máy phát sóng, mở thêm điểm phát sóng để phủ sóng Đài TNVN trong nước cũng như nước ngoài.

Để phục vụ đối tượng là bà con nông thôn miền núi hải đảo… Đài giao cho anh em kỹ thuật thiết kế lắp đặt 2 loại máy radio. Đó là radio trực canh và radio dành cho đồng bào dân tộc. Tính năng chung của radio này là không cần dò tần số mà ấn nút. Khi cần nghe chương trình VOV1 thì nhấn nút VOV1, nghe VOV2 thì nhấn nút VOV2… Dò sóng bao giờ cũng là chuyện “bối rối” với bạn nghe đài. Ngay cả với người thành phố sóng FM 100 hay 89 nhiều khi cũng khó mà dò ra,  không biết VOV1 tần số bao nhiêu…  

ca4ttxvn_fkmn

Ảnh: TTXVN 

Với bà con ngư dân trên biển radio có chức năng trực canh. Khi bà con đang ngủ mà đất liền có thông tin về gió/bão/thời tiết bất thường/ sự cố trên biển…  thì máy tự động mở, bắt tín hiệu và phát lên. Hoặc dù họ đang nghe chương trình khác thì những cảnh báo đó cũng tự “nhảy” vào sóng. Như vậy là 24/7, bà con không bao giờ bị nhỡ mạch thông tin với đất liền, chủ động ứng phó với tình hình thời tiết xấu hay thiên tai trên biển.

Bà con ngư dân hiện có khoảng 14-15 triệu người làm ăn trên biển và ven biển. Bà con ra biển thì rất khó mang báo ra, nếu có cũng chỉ mang được số ít, biển rập rờn khó đọc lắm. Cũng khó mà xem được truyền hình. Tàu lớn có chảo thu vệ tinh thì còn có thể xem được, thuyền đánh cá thì không thể. Bà con cũng không thể vào mạng internet. Chiếc radio gần như là phương tiện thông tin duy nhất giúp bà con gắn bó với đất liền. Với chức năng trực canh thì nó sẽ trở thành trợ thủ đắc lực cho bà con.

Hai loại máy này hiện anh em thuộc Trung tâm kỹ thuật phát thanh của Đài TNVN đã thiết kế xong chuẩn bị đi vào sản xuất. Khi sản xuất xong thì sẽ phối hợp với Ủy ban dân tộc của Chính phủ, kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ bà con miền núi, miền biển, góp một ít tiền mua tặng cho bà con. Một cái máy giá tiền không nhiều nhưng đối với bà con rất quý. Bà con có thể nghe các chương trình của đài. Từ những vấn đề thời sự của đất nước/địa phương/quốc tế, các kiến thức trong đời sống, canh tác, chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe, vệ sinh môi trường, bảo vệ rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, sạt lở núi/đất, những vấn đề về phát huy văn hóa dân tộc thiểu số…

Chiếc radio chắc chắn thiết thân với bà con, như một người bạn của bà con. Bà con có thể nghe bên bếp lửa trong ngôi nhà của mình, khi đi làm rẫy lại mang theo, treo lên cành cây để nghe. Làm được thế thì sẽ đưa phát thanh đến tận từng gia đình, từng người dân.

daivova_njcc 3

Ảnh minh họa. Ảnh: Nguyễn Mỹ Trà 

- Và họ sẽ được nghe Đài bằng chính thứ tiếng của dân tộc mình, thưa ông ?

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Đúng rồi. Ngoài tiếng Việt, Đài TNVN còn có 12 thứ tiếng dân tộc thiểu số là Mông, Thái, Dao, Ê đê, Ba na, Gia rai, K’ho, M’nông, Xơ đăng, Chăm, K’mer, Cơ Tu với thời lượng phát sóng gần 30 giờ hàng ngày. Ngày 27 tháng 5 năm 2017, Đài đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Định hướng phát triển tiếng dân tộc trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam”. Rất nhiều năm rồi Đài mới tổ chức một cuộc như vậy.

Chúng tôi muốn qua đó hỏi ý kiến các nhà quản lý, các chuyên gia ngôn ngữ học/ dân tộc học nên thêm thứ tiếng nào nữa ? Với các thứ tiếng đã có sẵn thì nên định hướng phát triển như thế nào. Chương trình của Đài đã ổn chưa, có điểm nào cần khắc phục ? Khâu biên tập cho bà con có cần lưu ý thêm điều gì?

Dĩ nhiên với bà con thì bài viết, bản tin cần ngắn gọn dễ hiểu, không dùng thuật ngữ khó hiểu. Phát thanh viên khi đọc cũng cần chú ý, sử dụng tối đa vốn từ của các dân tộc thiểu số, không vay mượn, lạm dụng tiếng Việt.

Từ Hội thảo này, các đại biểu đã cho ý kiến về xây dựng Kênh phát thanh chuyên biệt phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, đầu tư cho truyền thanh cơ sở... Các ý kiến đóng góp sẽ được Đài TNVN tiếp thu, áp dụng một cách hiệu quả, thiết thực trong quá trình phát triển mô hình tổ chức sản xuất và nội dung phát thanh tiếng dân tộc trên sóng phát thanh quốc gia.

- Để một ý tưởng tuyệt vời, một dự án lớn như vậy thành công trong thực tế, hẳn là còn có rất nhiều công việc cần phải làm tiếp theo, thưa ông ?

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Cùng với máy thu chúng tôi cũng nâng cao năng lực phát sóng của Đài. Hiện nay các vùng trên biển chúng ta cũng có phát sóng: sóng trung, sóng ngắn. Về cơ bản nghe được những kênh quan trọng của Đài.

Trong năm nay Đài lập dự án (đang được phê duyệt) một Đài phát sóng ở vùng ven biển Nam Trung bộ, khả năng đặt tại Ninh Thuận. Đó là địa điểm lý tưởng phủ sóng toàn bộ Biển Đông trong đó có Hoàng Sa Trường Sa. Hiện có sóng nhưng sóng chưa tốt, đang còn phải mở trạm thu sóng phát sóng trên các đảo nhưng phải có một đài rất lớn trên bờ. Đài phát sóng này không chỉ phục vụ cho bà con mà còn góp phần quan trọng khẳng định chủ quyền của đất nước. Bởi vậy nên ý nghĩa rất lớn.

Ông Vũ Hải Quang- Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam:

Trung tâm Kỹ thuật phát thanh được Lãnh đạo Đài giao thực hiện đề tài: Sản xuất máy radio trực canh/radio chuyên dụng phù hợp với phát thanh của Việt Nam. Chúng tôi đã làm việc với Cục tần số - Bộ Thông tin truyền thông. Hiện việc quy hoạch, điều chỉnh sóng trên phạm vi cả nước được 70%. Dự kiến 2018 sẽ hoàn thành trong phạm vi cả nước.

vu hai quang 5

Ông Vũ Hải Quang. Ảnh: Mỹ Trà  

Từ chuyện điều chỉnh quy hoạch đó, ra được cái máy thu, giải quyết được bài toán là không cần nhớ tần số chỉ cần bấm chữ VOV1, VOV2, VOV3… là ra. Trên radio có từng núm, đề rõ VOV1,2,3… ngoài ra còn có kênh địa phương. Ngoài sóng của Đài Trung ương còn có sóng đài tỉnh đài huyện, radio cấp phát đến đâu anh em kỹ thuật của Đài sẽ nạp đúng tần số của khu vực đó. Bật lên là nghe được ngay, không cần dò nữa. Loại radio này Trung tâm Kỹ thuật phát thanh của Đài phải tự thiết kế, sản xuất bởi vì nó không có trên thị trường.

Sản phẩm radio phát cho đồng bào dân tộc hình thức phải to hơn loại thông thường, chịu được va đập, quăng quật, độ bền cơ học tốt… để bà con có thể mang theo lên rẫy, lên nương, vào rừng …  Nguồn pin cũng phải được lâu dài. Pin đại, pin con thỏ đều phù hợp. Ở những nơi có điện, có thể cắm trực tiếp vào nguồn điện. Có sẵn pin nạp để những lúc không có điện hay không có pin vẫn nghe được.  

Rất nhiều hình thức như vậy để tạo điều kiện thuận lợi nghe đài. Chúng tôi cũng sẽ làm việc với Ủy ban dân tộc của Chính phủ. Đảm bảo những nơi được cấp phát radio phải có sóng và sóng phải tốt. Bởi nếu bà con không nghe được thì phản tác dụng.

Với radio dành cho bà con miền biển thì quan trọng nhất là 3 yếu tố: trực canh, công suất- ra biển sóng gió ầm ầm nếu công suất không đủ sẽ không nghe được, nguồn năng lượng - cần đa dạng: pin mặt trời, máy nổ trên tàu, thậm chí là thiết bị quay thuần cơ học bằng tay. Tuy nhiên vẫn phải tích hợp chức năng ấn nút nghe được ngay.

(Nguồn: vovworld.vn)
Bình luận
vtcnews.vn