Quyết không nhường đường xe cứu thương: Có thể bị tù đến 15 năm

Pháp luậtThứ Năm, 22/01/2015 11:42:00 +07:00

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người có hành vi cản trở xe cứu thương sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

(VTC News) – Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người có hành vi cản trở xe cứu thương sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

* Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc điều hành công ty Luật TNHH Inteco:

Luật sư Hà Huy Phong. Giám đốc điều hành công ty Luật TNHH Inteco 
- Luật pháp Việt Nam quy định xử phạt như thế nào đối với trường hợp không nhường đường, cản trở các xe ưu tiên, trong đó có xe cứu thương, thưa ông?

Tại các Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Nghị định 171, năm 2013 của Chính phủ (Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) có quy định rất cụ thể về mức xử phạt hành chính đối với các trường hợp có hành vi “Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ”. Xe ưu tiên là các xe dẫn đoàn, xe chữa cháy, xe cứu thương…

Theo đó, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô mắc sai phạm nói trên sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng.

Đối với người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Mức xử phạt lỗi này với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng là từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng.

- Thực tế chúng ta đã xử phạt được những hành vi này hay chưa? 

Thực tế thì có rất nhiều hành vi vi phạm chẳng bị xử phạt bao giờ. Không chỉ việc không nhường đường cho xe ưu tiên, mà theo quy định đối với cả các xe thông thường với nhau, nếu xe phía sau báo xin vượt mà mình không cho vượt cũng bị xử phạt. Nhưng thực tế thì tôi chưa thấy ai bị xử phạt lỗi này bao giờ. 

Có rất nhiều lý do, trong đó, có thể ở nước ta do có quá nhiều hành vi vi phạm nên lực lượng chức năng không thể phạt xuể được. Ở nước ngoài thì những hành vi như vậy họ xử phạt rất nghiêm.

- Ngoài việc xử phạt hành chính, hiện luật pháp chúng ta có quy định nào về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cản trở, không nhường đường cho xe cứu thương hay không?

Nếu như người nào có hành vi cản trở xe ưu tiên, trong đó có xe cứu thương mà gây hậu quả nghiêm trọng, như gây ra chết người thì vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Trong trường hợp này, có thể áp dụng Điều 202 Bộ Luật hình sự quy định về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Khung hình phạt cao nhất đối với người vi phạm điều luật này là phạt tù đến 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

- Trên thực tế, có trường hợp người bệnh đáng ra được cứu sống, nhưng chỉ vì một số người không chịu nhường đường dẫn tới việc xe cứu thương tới chậm và nạn nhân tử vong. Có ý kiến cho rằng, trong trường hợp này, cần truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi Giết người?

Trên tực tế, trường hợp như vậy là có thể xảy ra. Nhưng chúng ta không thể áp dụng tội Giết người đối với người có hành vi cản trở xe cứu thương đang lưu thông trên đường được. 
Ảnh Đại Đoàn Kết 
Trường hợp này có dấu hiệu vi phạm về quy định giao thông đường bộ, dẫn tới người bệnh không được đưa đi cấp cứu kịp thời và tử vong. Như vậy là người có hành vi cản trở xe cứu thương trong trường hợp này đã gây hậu quả nghiêm trọng. Ở đây vẫn phải áp dụng Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Nhưng như tôi đã nói, luật pháp thì quy định như vậy. Nhưng trên thực tế, trong 15 năm làm nghề luật sư, tôi chưa thấy trường hợp nào bị xử phạt hành chính về lỗi cản trở xe cấp cứu, trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự lại càng không. 

- Vậy phải chăng việc xử phạt hành vi này của cơ quan chức năng là chưa nghiêm?

Ở đây là có quy định xử phạt và có hành vi vi phạm, nhưng chưa bị xử lý. Như vậy, nói đúng hơn là những hành vi này chưa bị xử lý chứ không phải là xử lý mà chưa nghiêm. Nếu mà những hành vi này bị xử lý rồi mà chưa nghiêm thì là một câu chuyện khác. Tất nhiên, nếu có trường hợp nào bị xử lý mà cơ quan chức năng không công bố thì tôi không nắm được.

- Phải làm gì để nâng cao ý thức nhường đường cho xe ưu tiên với người tham gia giao thông ở nước ta hiện nay, thưa ông?

 

Trên thực tế, trong 15 năm làm nghề luật sư, tôi chưa thấy trường hợp nào bị xử phạt hành chính về lỗi cản trở xe cấp cứu, trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự lại càng không.
Luật sư Hà Huy Phong
 
Với tư cách là một người lái ô tô trên đường, tôi vô cùng phẫn nộ với ý thức kém của một số người tham gia giao thông hiện nay. Mới đây, tôi đang đi trên đường theo đúng quy định thì có một chiếc xe máy ở đâu lao tới đâp móp cả xe của tôi.

Có thể nói, ý thức tham gia giao thông của một số người dân, đặc biệt là người điều khiển xe máy là vô cùng kém. Xe máy tạt đầu, lần đường, lấn làn, rồi va chạm xảy ra là vô cùng phổ biến… Nhiều khi ra đường, tôi thấy rất kinh khủng.

Đường xá chúng ta bây giờ tốt hơn trước rất nhiều, nhưng vấn đề thực thi luật pháp có những lỗ hổng nhất định. Theo tôi, cần phải tăng mức xử phạt đối với người cố ý thực hiện hành vi vi phạm. Các cơ quan chức năng phải ra quân, kiên quyết xử lý một cách triệt để các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải tuyên truyền để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, chứ không phải chỉ xử phạt thôi là đủ.

Tôi cũng xin lưu ý rằng, trong một số trường hợp, người không nhường đường cho xe ưu tiên là vì lý do bất khả kháng. Chẳng hạn khi gặp tắc đường, người ta muốn tránh đường thì cũng không có chỗ mà tránh.

Trường hợp này thì không thể xử phạt họ được. Nhưng cần phải xử lý thật nghiêm với những trường hợp cố tình vi phạm, có điều kiện tránh đường cho xe ưu tiên nhưng lại không tránh. 

* Luật sư Nguyễn Hữu Thực – Công ty Luật Song Thanh

- Tại sao hiện nay hành vi cản trở xe ưu tiên, trong đó có xe cứu thương hầu như không bị xử phạt, thưa ông?

Theo quy định là tất cả các phương tiện, khi thấy xe ưu tiền thì phải đi chậm lại, tránh về phía bên phải để nhường đường… Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn vi phạm.

Họ không nhường đường, cứ lượn lờ phía trước, không cho các loại xe ưu tiên vượt lên. Nhưng hành vi này rất khó xử lý. Từ trước tới nay, tôi cũng chưa thấy trường hợp nào vi phạm như vậy mà bị xử lý

Có nhiều lý do, nhưng chủ yếu là chúng ta khó chứng minh được hành vi vi phạm. Khi xe cứu thương bị ai đó cản trở, muốn xử phạt hành vi này thì lái xe phải báo lực lượng CSGT. Trong khi đó, lái xe cứu thương thì làm sao mà có thời gian đi báo CSGT. Nếu có báo CSGT thì khi tới hiện trường, người vi phạm cũng chạy mất.

Muốn xử phạt hành vi này thì có lẽ mỗi xe cứu thương phải lắp một camera quan sát. Khi gặp trường hợp cố tình cản trở, không tránh đường thì ghi lại hình ảnh, sau đó thì gửi hình ảnh đó cho CSGT phạt nguội.

Bên cạnh đó, nhiều khi tắc đường, các phương tiện dù muốn tránh, muốn nhường đường cho xe ưu tiên nhưng cũng không thể nhường được. Trường hợp này thì không thể xử phạt được họ.

- Liệu chăng, tính nghiêm minh trong việc xử phạt đối với người vi phạm luật giao thông ở nước ta so với các nước phát triển 'có vấn đề'?

Việc xử phạt người không có ý thức nhường đường cho xe ưu tiên hiện nay dường như chỉ được thực hiện tốt các nước phát triển, đặc biệt là ở châu Âu. Tại các nước này, họ không cần phải bố trí nhiều cảnh sát trên đường nhưng người dân vẫn chấp hành giao thông rất tốt.

Trên các tuyến đường, họ bố trí hệ thống camera quan sát ở khắp nơi. Bất cứ ai vi phạm, camera sẽ ghi lại hình ảnh rồi cơ quan chức năng sẽ gửi phiếu phạt tới tận nhà.

Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay, chúng ta vẫn phải bố trí rất nhiều CSGT chốt chặn tại các ngã ba ngã tư, tuần tra trên đường. Khi gặp trường hợp vi phạm, CSGT phải lập biên bản xử phạt.

Sau đó, người vi phạm lại phải cầm biên bản tới cơ quan thuế để nộp phạt… Điều này cho thấy cách xử lý, thủ tục xử phạt hành chính của ta còn rườm rà. 

Ở các nước phát triển, họ xử phạt rất nghiêm minh. Trong khi, ở Việt Nam thì có khi CSGT vì nể nang mà tha cho người vi phạm. Cũng có trường hợp, người vi phạm “nộp phạt tại chỗ” cho người thi hành công vụ rồi lại được đi.
* Ông Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội:

Những người có hành vi cản trở xe ưu tiên dẫn tới hậu quả nghiêm trọng vẫn có thể bị áp dụng một số tội danh khác được quy định tại Bộ Luật hình sự. Điều 202 quy định về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là một ví dụ. 

Theo tôi, việc cố tình cản trở xe cứu thương là hành vi có thể ảnh hưởng tới tính mạng con người. Vì vậy, các cơ quan chức năng phải xử phạt thật nghiêm những hành vi này.

Video: Người Đức nhường đường xe cấp cứu 

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn