Quyền con người trong dự thảo Hiến pháp

Thời sựThứ Bảy, 02/03/2013 12:20:00 +07:00

Các chuyên gia pháp luật chỉ ra những hạn chế của việc chế định quyền con người, quyền công dân trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Các chuyên gia pháp luật chỉ ra những hạn chế của việc chế định quyền con người, quyền công dân trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Phản ánh đúng bản chất quyền con người, quyền công dân

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thanh Tuấn, Viện Nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, vị trí thứ tự của chế định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp thể hiện nhận thức của Nhà nước về tầm quan trọng của vấn đề này cũng như tầm quan trọng của việc hiến định các quyền đó.

Ảnh minh họa. 
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thanh Tuấn nhận xét cách thức và khuôn khổ các quyền hiến định trong Dự thảo Hiến pháp 1992 có nhiều tiến bộ. Cụ thể là việc chế định quyền con người, quyền công dân được xếp ở chương thứ hai chỉ sau chương thứ nhất chế định về chế độ chính trị.

Cách thức chế định này, xét về hình thức, là phù hợp với cách thức chế định các quyền này của đa số Hiến pháp các nước trên thế giới. Quan trọng hơn, cách chế định này thể hiện bản chất của Hiến pháp là văn bản khế ước gốc giữa Nhà nước và người dân nhằm thiết lập cơ chế kiềm chế quyền lực nhà nước thông qua việc chế định quyền con người, quyền công dân.


Một trong những điểm tiến bộ khác là Dự thảo đã khắc phục được sự nhầm lẫn quyền con người và quyền công dân và cách tiếp cận quyền đã thấm khá sâu vào nội dung, hình thức diễn đạt. Biểu hiện là đã chuyển được cách thức thiết lập quyền từ chỗ quy định dưới dạng nhà nước “quyết định” quyền cho công dân sang việc người dân được hưởng các quyền đó một cách mặc nhiên và Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm các quyền con người và quyền công dân.

Những tiến bộ trên đã có thể đảm bảo nội dung hiến định, phản ánh đúng bản chất của các quyền con người, quyền công dân, đồng thời phòng ngừa sự tùy tiện của Nhà nước trong việc quy định, thu lại, xóa bỏ, giảm bớt hay đặt ra những điều kiện không thích đáng đối với việc hưởng thụ các quyền con người của công dân thông qua Hiến pháp và pháp luật. Đây là cách thức hiến định quyền thể hiện rõ tính chất dân chủ, pháp quyền của thể chế hoặc nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện.

Đặc biệt, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 dành cho quyền con người, quyền công dân một khuôn khổ khá rộng lớn với nhiều quyền cơ bản mà luật nhân quyền quốc tế và nhiều hiến pháp của các nước trên thế giới đã ghi nhận. Bên cạnh đó, dự thảo đã có quy định về giới hạn quyền.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thanh Tuấn cũng chỉ ra những hạn chế của việc chế định về quyền con người, quyền công dân trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Trước hết, dự thảo thiếu một số quyền, như: quyền của người cao tuổi, quyền của người khuyết tật, quyền nghỉ ngơi, quyền được lao động trong môi trường trong lành...

Dự thảo cũng còn thiếu những quy định về thiết chế bảo vệ và thúc đẩy quyền, thiếu việc xác định rõ nhân quyền không thể bị giới hạn; thiếu quy định bảo đảm sự bình đẳng giữa các quyền... Một số quyền đã quy định nhưng nội dung chưa toàn diện.


Khẳng định nguyên tắc nền tảng, quan trọng của quyền con người

Tiến sỹ Hoàng Văn Nghĩa, Viện Nghiên cứu Quyền con người, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh thống kê Dự thảo có 38/124 điều (hơn 30%) liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong đó có 5 điều (với chế định về quyền) hoàn toàn mới so với Hiến pháp 1992 và 33 quyền đều được bổ sung, sửa đổi. Có thể nói đây là một sự phát triển mạnh mẽ trong chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Theo tiến sỹ Hoàng Văn Nghĩa, Dự thảo lần này đã đạt được những bước tiến hết sức rõ rệt trong tư duy lập hiến của Đảng và Nhà nước. Tuy vậy, để thực sự phản ánh đầy đủ ý chí và nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, bản Dự thảo vẫn cần đến sự đóng góp ý kiến sâu rộng hơn nữa của toàn xã hội, đặc biệt là của những nhà lý luận, nhà lập pháp và cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam.

Tuy nhiên,Tiến sỹ Hoàng Văn Nghĩa cho rằng phần chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân của Dự thảo chưa thực sự khẳng định được một số nguyên tắc nền tảng, quan trọng của quyền con người, đó là “nhân phẩm là giá trị cốt lõi của quyền con người” hay “quyền con người xuất phát từ phẩm giá vốn có của mỗi người.” Vì vậy, chương II cần đặc biệt nhấn mạnh đến nhân phẩm và xem đó như là một điều khoản riêng biệt cần được nêu ngay ở phần đầu của chương.

Dự thảo vẫn còn chứa đựng sự không thống nhất trong cách dùng “công dân” và “mọi người” trong cách hiểu về chủ thể của các quyền và tự do cơ bản của công dân. Chẳng hạn Điều 35 của Dự thảo quy định “công dân có quyền an sinh xã hội”, Điều 38 quy định “công dân có quyền làm việc, lựa chọn việc làm, nghề nghiệp và nơi làm việc”, Điều 41 “Công dân có quyền bảo vệ sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh”...

Theo tiến sỹ Hoàng Văn Nghĩa, chủ thể của các quyền này không chỉ dừng lại, bó hẹp ở phẩm chất công dân mà cần mở rộng đối với chủ thể mọi người, thuộc về tất cả mọi người.

Nội hàm của một số quyền còn chưa thật rõ ràng, xúc tích và chưa theo tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Khái niệm nội hàm và cách dùng thuật ngữ cho một số quyền được đưa ra Dự thảo ở đây chưa thực sự bao quát về chuẩn mực.

Chẳng hạn, Điều 15 chế định về “mọi sự giới hạn của quyền con người theo quy định của pháp luật và vì lợi ích chung của xã hội, vì một xã hội dân chủ” hay Điều 32 “Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử” nên bổ sung cụm từ “trong một thời gian thích hợp” theo đúng nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; việc hạn chế quyền và tự do của cá nhân phải do một cơ quan tài phán quyết định chứ không phải tùy tiện.


Dự thảo chưa bao quát hết các chủ thể chính của quyền con người, đặc biệt là các chủ thể quyền của các nhóm dễ bị tổn thương. Chẳng hạn, trong khi ghi nhận về quyền của trẻ em, quyền phụ nữ, Dự thảo lại thiếu người khuyết tật, người cao tuổi (người già), hoặc người đồng tính, song tính và chuyển giới... Một số chế định đã vô hình chung giới hạn các quyền của một nhóm dễ bị tổn thương khác được chỉ dẫn ra.

Chẳng hạn, Điều 27 chế định về “công dân nam, nữ có quyền ngang nhau về... gia đình” cần sửa đổi theo hướng khái quát là “mọi công dân đều có quyền ngang nhau về... gia đình” hoặc theo hướng bổ sung cụm từ “công dân nam, nữ và giới tính khác có quyền ngang nhau về... gia đình.” Vì hiện nay theo thống kê chưa đầy đủ ở Việt Nam có tới 5 đến 7 triệu người thuộc “giới tính thứ ba.”


Hơn nữa, cùng với việc nâng cao các điều kiện sống và mức sống, tuổi thọ trong bình của người Việt Nam cũng ngày càng cao, tỷ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng, ước tính khoảng hơn 30% dân số, họ cũng là nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có tới hơn 7 triệu người khuyết tật. Họ cũng là chủ thể đầy đủ của các quyền con người. Vì vậy, cần bổ sung “quyền của người cao tuổi” và “quyền của người khuyết tật” vào Dự thảo. Chế định riêng biệt hai chủ thể quyền này là nhằm khẳng định nhân đạo và bản chất của chế độ xã hội. Do đó, chế định thành quyền riêng hơn là đưa vào phần chế định về an sinh, xã hội.


Thiết lập cơ chế bảo đảm quyền con người, quyền công dân

Tiến sỹ Đặng Minh Tuấn, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng Dự thảo đã có những tiến bộ khá lớn trong việc bổ sung, hoàn thiện các quyền con người, quyền công dân theo xu hướng tiến bộ chung của Hiến pháp các nước cũng như pháp luật quốc tế.

Sự bổ sung khái niệm “quyền con người” vào tên chương cùng những thay đổi của các quy định cụ thể theo hướng bổ sung, hoàn thiện các quyền con người là những thay đổi rất quan trọng của Dự thảo Hiến pháp. Tuy nhiên, theo tiến sỹ Đặng Minh Tuấn, mặc dù đã bị lược bỏ nhiều, cách quy định đặt các quyền hiến định “... theo quy định của pháp luật” vẫn còn trong Dự thảo.


Ngoài ra, người dân khó có thể thực hiện quyền dân chủ trực tiếp khi Dự thảo Hiến pháp vẫn trao cho Quốc hội quyết định việc trưng cầu dân ý (Điều 30; Điều 75). Trên thực tế, người dân Việt Nam chưa từng bao giờ tham gia quyết định trực tiếp trong bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào. Dự thảo cũng chưa có quy định Hiến pháp phải được thông qua phúc quyết toàn dân nhằm đảm bảo chủ quyền cũng như sự đồng thuận của nhân dân.

Việc quy định các quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp đặt ra nghĩa vụ của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền đó. Do vậy, Hiến pháp một mặt phải ghi nhận đầy đủ các quyền cơ bản, mặt khác phải thiết lập các cơ chế để Nhà nước thực hiện các nghĩa vụ bảo đảm các quyền đó. Thiếu các cơ chế hiệu quả và trách nhiệm, các quyền hiến định chỉ có giá trị hình thức. Tuy nhiên, Dự thảo chưa hướng tới thiết lập hoặc thúc đẩy các cơ chế hiệu quả bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Theo tiến sỹ Đặng Minh Tuấn, Dự thảo Hiến pháp cũng chưa thực sự có những điều chỉnh cơ bản để thúc đẩy các thiết chế hiện có trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân như thúc đẩy nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước, nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội và đảm bảo tính độc lập của tòa án.










Theo Khiếu Tư (TTXVN)
Bình luận
vtcnews.vn