Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: ‘Muốn thay đổi vận mệnh quốc gia, Việt Nam cần làm chủ công nghệ cốt lõi’

Kinh tếThứ Ba, 09/10/2018 22:16:00 +07:00

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, trong cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam muốn thay đổi vận mệnh quốc gia cần phải làm chủ được một số công nghệ lõi.

Ngày 9/10, trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong – Nhật Bản lần thứ 10 tại Nhật Bản, Quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thăm và làm việc với lãnh đạo, CBNV FPT tại văn phòng Tokyo, Nhật Bản.

Phát biểu tại sự kiện này, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, khi xảy ra một cuộc cách mạng, cái mới sẽ luôn thay cái cũ với cách làm ngược hoàn toàn cái cũ.

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, trong cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam muốn thay đổi vận mệnh quốc gia, cần phải làm chủ được một số công nghệ lõi, tạo ra được những sản phẩm công nghệ của người Việt phục vụ cho chính người Việt.

Quyen Bo Truong Hung

 Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thăm và làm việc tại FPT Nhật Bản. 

Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đánh giá cao sự phát triển của FPT tại Nhật Bản và giao FPT thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để phụng sự quốc gia, trong đó tập trung vào các thế mạnh của FPT hiện nay như công nghệ trí tuệ nhân tạo, thiết kế vi mạch.

Ông Hùng kỳ vọng, FPT sẽ nhanh chóng đứng trong top đầu các công ty trên thế giới trong các lĩnh vực công nghệ này.

Trước đó, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập FPT, Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh, FPT cần đến một giấc mơ lớn hơn, khát vọng lớn hơn. Đây sẽ là lý do tồn tại, phát triển cho FPT trong chặng đường phía trước.

“30  năm FPT cũng là 30 năm đổi mới của đất nước. Sự nghiệp đổi mới của đất nước đã sinh ra FPT và FPT đã đóng góp phần mình vào sự nghiệp ấy. Việt Nam đặt ra mục tiêu khoảng 30 năm nữa, vào năm 2045, khi đất nước 100 năm độc lập, Việt Nam sẽ là nước phát triển. Khát vọng mới của đất nước sẽ tái sinh FPT. FPT hãy nhận về mình những thách thức lớn hơn, hãy giải những bài toán khó của đất nước, là tấm gương cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam”, ông Hùng chia sẻ.

Năm 2005, FPT đã tiên phong thành lập doanh nghiệp CNTT Việt Nam đầu tiên tại Nhật Bản, mở đường cho các doanh nghiệp CNTT khác của Việt Nam bước chân vào thị trường này.

Trong 13 năm qua, FPT đã không ngừng nỗ lực khẳng định năng lực đưa Nhật Bản trở thành thị trường quan trọng hàng đầu của tập đoàn và góp phần đưa Việt Nam trở thành đối tác ủy thác dịch vụ phần mềm được ưa chuộng thứ hai của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Trong nhiều năm qua, doanh thu từ thị trường Nhật Bản của FPT luôn tăng trưởng cao, trung bình khoảng 25-30%/năm. Năm 2016, sau 11 năm có mặt tại thị trường Nhật Bản, FPT cán mốc doanh thu 100 triệu USD.

Năm 2018, dự kiến doanh thu tại thị trường Nhật Bản đạt 200 triệu USD, tăng khoảng 25% so với năm 2017. Trong 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu từ thị trường Nhật Bản của FPT đạt khoảng 150 triệu USD tăng khoảng 30% so với cùng kỳ.

Hiện FPT là công ty công nghệ thông tin nước ngoài có quy mô nhân sự lớn nhất tại Nhật Bản với hơn 1.200 nhân sự làm việc trực tiếp tại 7 văn phòng, chi nhánh ở Tokyo, Yokohama, Shizuoka, Nagoya, Osaka, Fukuoka và Okinawa. Bên cạnh đó, FPT có 8.000 nhân sự tại Việt Nam làm việc trong các dự án với thị trường Nhật Bản. FPT có kế hoạch mở thêm 3 chi nhánh mới tại Nhật Bản trong quý 4 năm 2018. 

FPT kỳ vọng trong vòng 2-3 năm tới đơn vị này sẽ trở thành một trong 20 doanh nghiệp công nghệ lớn nhất Nhật Bản với doanh số từ thị trường này đạt 500 triệu USD và 3.000 nhân sự làm việc trực tiếp tại Nhật.

Bên cạnh các dịch vụ công nghệ thông tin truyền thống, FPT sẽ tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công nghệ tổng thể với giá trị cao hơn và toàn diện hơn cho khách hàng, từ khâu tư vấn chiến lược, thiết kế đến triển khai, bảo hành bảo trì, đặc biệt trong các dự án chuyển đổi số.

Hiện FPT là đối tác quan trọng về chuyển đổi số cho các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản như ISE Foods, Toppan, Hitachi, Fujitsu… và cung cấp cấp các dịch vụ công nghệ thông tin cho khoảng 300 khách hàng là các tập đoàn lớn của Nhật Bản.

THÁI BÌNH
Chuyên đề: Tin nóng trong ngày
Bình luận
vtcnews.vn