Quyền con người là tự nhiên, vốn có, không do ai ban phát

Tin nhanh 24hThứ Hai, 14/12/2020 09:05:00 +07:00
(VTC News) -

Ở Việt Nam, quyền con người luôn được đề cao và ngày một hoàn thiện để người dân được thụ hưởng trọn vẹn nhất.

Theo định nghĩa, quyền con người là những quyền tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế.

Có thể hiểu, quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người. Những quyền bẩm sinh, vốn có của con người mà nếu không được hưởng thì chúng ta sẽ không thể sống như một con người.

Như vậy, quyền con người là tự nhiên, vốn có, không do chủ thể nào ban phát; được áp dụng bình đẳng với tất cả mọi người thuộc mọi dân tộc, trong mọi hoàn cảnh, không thay đổi theo thời gian và không phụ thuộc vào biên giới quốc gia, lãnh thổ hay tư cách cá nhân, môi trường sống của họ.

Quyền con người được thể hiện và bảo đảm bằng các quy định của pháp luật, dưới các hình thức điều ước quốc tế, tập quán quốc tế, nguyên tắc pháp luật chung và các nguồn khác của luật quốc tế.

Ở Việt Nam, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Tuyên ngôn Độc lập là một tác phẩm đỉnh cao, tiêu biểu, phản ánh đầy đủ nhất, sâu sắc nhất quan điểm triết học, quan điểm chính trị và cả quan điểm nhân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó chứa đựng cả những giá trị của văn minh nhân loại, những “lẽ phải không ai chối cãi được” về quyền con người, quyền dân tộc.     

Từ việc đề cập đến quyền của con người như một sự tất yếu của tạo hóa, không ai có thể xâm phạm được, là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng trí tuệ mẫn tiệp, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam, đã khéo léo phát triển sáng tạo, đưa ra một luận đề không thể bác bỏ về quyền của các dân tộc.     

Người đã đi từ khái niệm con người sang khái niệm dân tộc một cách tổng quát và đầy thuyết phục, khẳng định quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người và ngược lại thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc.     

Có thể nói Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 không chỉ là tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam mà còn là tuyên ngôn về quyền con người, quyền của các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc.

Việc nâng tầm quyền con người lên thành quyền dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một cống hiến về nguyên lý lý luận của Người vào kho tàng tư tưởng nhân quyền của nhân loại. 

75 năm đã trôi qua, nhưng những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập về quyền con người, quyền dân tộc, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập, tự do, vẫn vẹn nguyên tính thời sự, có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.     

Đặc biệt, những giá trị về quyền con người do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng trong Tuyên ngôn Độc lập là những giá trị bất hủ. Từ đó đến nay, nhân dân Việt Nam đã không ngừng phấn đấu cho quyền con người và đạt được nhiều kết quả tích cực, rất quan trọng.

Sau Tuyên ngôn độc lập, từ Hiến pháp năm 1946 cho đến Hiến pháp năm 2013, quyền con người và quyền công dân luôn được đề cao và ngày một hoàn thiện để mỗi người dân/công dân Việt Nam được thụ hưởng trọn vẹn nhất những giá trị của chữ "quyền", phù hợp với xu thế thời đại.

Đảng và Nhà nước ta cũng thực thi nhiều chính sách bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và tham gia hầu hết các điều ước quốc tế về quyền con người và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, to lớn.

Có thể thấy, quyền con người, quyền công dân, mối quan hệ giữa quyền con người và quyền công dân Hồ Chí Minh đã nêu ra/thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 không chỉ được thực thi tại Việt Nam mà còn ngày càng được điều chỉnh, bổ sung, mở rộng, quy định rõ ràng và hoàn thiện hơn trong các bản Hiến pháp; trong chủ trương, chính sách của Đảng và hệ thống pháp luật của Nhà nước.

Minh Anh
Bình luận
vtcnews.vn