Quy trình bắt giữ đại biểu Quốc hội có gì khác biệt?

Thời sựThứ Năm, 08/01/2015 04:40:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga bị bắt, ĐBQH có quyền miễn trừ, không bị bắt giam hay bị khám xét nơi ở và nơi làm việc nếu không có sự đồng ý của QH

(VTC News) - Quy trình bắt giữ đối với đại biểu Quốc hội được thực hiện khác so với trường hợp bắt giữ thông thường.

Tối 7/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt tạm giam bà Châu Thị Thu Nga để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Việc khám xét tại nhà riêng của bà Nga ở tại số 78A9+3 phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội diễn ra từ khoảng hơn 21 giờ đến 22 giờ 45 mới kết thúc.

Tuy nhiên ngoài vai trò một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group), bà Nga còn là một đại biểu Quốc hội nên quy trình bắt giữ đối với bà Nga cũng thực hiện khác so với trường hợp bắt giữ thông thường. Bởi lẽ đại biểu Quốc hội có quyền 'miễn trừ' đặc biệt.

Quy trình bắt giữ Đại biểu Quốc hội có gì khác biệt
Đại biểu Quốc Hội Châu Thị Thu Nga (Đoàn Hà Nội)
trong phiên chất vấn kỳ họp thứ ba, QH khóa XIII - Nguồn ảnh: Báo Đại đoàn kết
 

Điều 58, Luật tổ chức Quốc hội quy định rõ: “Không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội.

Việc đề nghị bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng VKSND tối cao; Trong trường hợp đại biểu Quốc hội bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đó”.


Cũng theo điều luật này, “đại biểu Quốc hội bị Tòa án kết án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật”.

Trả lời PV VTC News, bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban Công tác Đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội mới chỉ bị đình chỉ nhiệm vụ để phục vụ công tác điều tra. Hiện tại, bà Nga vẫn chưa bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội.

“Việc này cứ theo các quy định của pháp luật mà làm thôi”, bà Nương nói.

Theo Luật tổ chức Quốc hội, trong kỳ họp tới, nếu Quốc hội biểu quyết bãi nhiệm thì đại biểu Châu Thị Thu Nga mới mất tư cách đại biểu Quốc hội.

Theo Infonet, trước khi bà Nga bị bắt vài giờ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ký Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị khởi tố bị can của Viện KSND tối cao đối với bà Châu Thị Thu Nga về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Video: Bắt tạm giam ĐBQH Châu Thị Thu Nga


Trước bà Nga, có 2 ĐBQH cũng từng bị bắt và sau đó bị bãi nhiễm.

Trường hợp thứ nhất là ông Mạc Kim Tôn – nguyên là Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình, từng là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XI, bị bắt tạm giam, khám xét nơi ở và làm việc về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ vào ngày 21/7/2006.

Đến ngày 21/10/2006 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Bình đã tổ chức họp phiên bất thường, đề nghị xem xét tư cách ĐBQH đối với ông Tôn. 100% thành viên đã tán thành đề nghị Quốc hội khóa XI bãi nhiệm ông Mạc Kim Tôn.

Hơn 1 tháng sau, Quốc hội đã tiến hành bãi nhiệm tư cách ĐBQH khóa XI với ông Mạc Kim Tôn.

Video: Bà Châu Thị Thu Nga bị bắt, người mua nhà hoang mang


Trường hợp thứ hai là ông Lê Minh Hoàng cũng từng là ĐBQH, giữ cương vị Giám đốc Công ty điện lực TP.HCM và bị bắt do có những sai phạm.

Ngay sau khi ông Hoàng bị bắt, ngày 7/10/2005, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc TP. HCM đã tổ chức bỏ phiếu đề nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu của ông Hoàng với 89/90 ý kiến đồng ý bãi nhiệm.

Hơn 1 tháng sau, ngày 29/11/2005, Quốc hội khóa XI đã tiến hành bỏ phiếu bãi nhiệm tư cách ĐBQH ông Lê Minh Hoàng.

Thuỵ Miên (Tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn