Quỹ tiết kiệm nhà ở: Tự nguyện và không thể mệnh lệnh!

Kinh tếThứ Sáu, 24/12/2010 01:00:00 +07:00

(VTC News) - Bộ Xây dựng vừa đề xuất lập Quỹ tiết kiệm nhà ở, hỗ trợ người nghèo mua nhà bằng cách đóng góp 1 - 2% tổng tiền lương hàng tháng của người lao động

(VTC News) - Trao đổi với phóng viên VTC News, TS  Phạm Sĩ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN - cho rằng: Việc xây dựng quỹ tiết kiệm nhà ở là cần thiết và có khả thi nhưng còn gặp nhiều vướng mắc cần dần dần khắc phục.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, khu vực đô thị trên cả nước hiện vẫn còn khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, mua nhà xã hội với tổng diện tích lên tới 150 triệu m2, tương đương nguồn vốn đầu tư tới 300.000 - 400.000 tỷ đồng.

Với mục đích giải bài toán về chỗ ở cho người lao động, vừa qua, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ cho phép lập Quỹ tiết kiệm nhà ở. Theo đó, Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ được xây dựng giống như hình thức bảo hiểm xã hội với mức đóng góp dự kiến từ 1 - 2% tổng tiền lương hàng tháng của người lao động. Số tiền tích góp được trong quỹ sẽ cho những người thu nhập thấp vay mua nhà với lãi suất chỉ bằng 20-25% so với lãi suất vay của ngân hàng thương mại.


 TS.Phạm Sĩ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN: Quỹ cần thực hiện thí điểm và trên tinh thần tự nguyện, không thể là mệnh lệnh.
Tuy nhiên, theo TS.Phạm Sĩ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN: Thực hiện được đề xuất này không phải là dễ mặc dù bản thân ông rất mong muốn Quỹ này được triển khai và đi vào hoạt động một cách hiệu quả.

Không thể là mệnh lệnh

- Thưa ông, quan điểm của ông về Quỹ tiết kiệm nhà ở do Bộ Xây dựng đề xuất lên Chính phủ vừa qua như thế nào?

Trên thế giới đã có nhiều nước thành lập quỹ này, nổi tiếng nhất có quỹ công tích của Singapore. Theo đó, những người làm công ăn lương (chứ không phải tất cả mọi công dân của cả nước) được quy định đóng góp 10% tổng số tiền lương hàng tháng của mình, thêm nữa, chủ sử dụng lao động cũng nộp ra 10%. Họ đóng góp cho tới khi nào số tiền tích lũy tương đương khoảng 20% giá trị căn hộ thì được quyền rút ra để đi mua nhà. Sau khi nộp một khoản tiền “tạm ứng” như thế, người mua nhà sẽ tiếp tục trả thêm cho đến hết nợ.

Tỉ lệ % số tiền lương đóng góp tùy từng nơi, từng thời chứ không cố định. Nhìn chung, các nước đều đánh giá Quỹ này rất hay, bản thân tôi cũng ủng hộ cho đề xuất này và mong muốn nó sẽ sớm đi vào thực hiện.

- Để Quỹ tiết kiệm nhà ở hoạt động có hiệu quả, theo ông, bước đầu tiên, chúng ta phải thực hiện như thế nào?

Để tránh trường hợp giống như nhà ở thu nhập thấp không làm thí điểm mà triển khai đồng loạt, cuối cùng bán rất chậm. Tôi nghĩ ban đầu, chúng ta phải thực hiện thí điểm, nếu đưa chung cho cả nước thì phải chỉ đạo thực hiện sát sao và cần phải hoàn thiện dần dần.

Khởi đầu nên làm thí điểm ở một số đô thị lớn, nơi có nhiều người và nhiều nhu cầu cần nhà trước mắt như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh... bởi ở đó nhu cầu lớn, người làm công ăn lương đông và bộ máy có năng lực hơn.

Trước đây, Trung Quốc là nước tiên phong học hỏi trong việc thành lập quỹ này, sau đó tới Thượng Hải. Đầu tiên, Trung Quốc triển khai ở từng đô thị và dùng phương pháp tự nguyện chứ không phải chính sách quốc gia mang tính ép buộc. Ai cần có nhà thì tham gia vào quỹ đó, chứ không thể bắt buộc tất cả mọi người làm công ăn lương thực hiện, vì có nhiều người làm công ăn lương đã có nhà rồi, không có nhu cầu mua nhà nữa.

Ở Việt Nam cũng vậy, đây không phải mệnh lệnh được.

Nhà nước pháp quyền phải mạnh

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng: "Quỹ sẽ là cầu nối giúp cho dân nghèo, những người có thu nhập thấp có cơ hội được mua nhà. Những người không có nhu cầu về nhà, khi về hưu, họ được rút toàn bộ số tiền cả gốc lẫn lãi".

Chỉ cần góp 1% số lương mỗi tháng, với hơn 9 triệu người lao động đang hưởng lương, hàng năm quỹ sẽ có không dưới 10.000 tỷ đồng, kịp thời hỗ trợ cho người nghèo mua được nhà sớm hơn. 
- Theo ông, cái khó trong việc xây dựng Quỹ tiết kiệm nhà ở là ở đâu?


Để Quỹ này có hiệu lực và đi vào hoạt động cần phải có điều kiện, chứ không hề dễ dàng. Bởi lẽ, để gửi tiền vào quỹ này có 2 cách: Một là người lao động trực tiếp nộp, hai là chủ sở hữu lao động trừ hẳn vào lương hàng tháng sau khi đã có ý kiến đồng ý của người lao động. Tuy nhiên, việc chuyển công tác, nâng lương, hạ lương, kỉ luật,… những lúc ấy như thế nào phải quy định cho rõ, thực ra cũng khó để thống nhất trong cả nước.

Nhà nước Pháp quyền phải mạnh, những gì đã hứa phải thực hiện bằng được. Một ví dụ đơn giản là: Đóng tiền vào được nhưng khi tôi thất nghiệp hoặc ốm đau thì như thế nào, khi gia đình có nhu cầu sử dụng tiền vào mục đích khác (không phải mua nhà) thì tính sao?

Tuy vậy, nếu chúng ta cứ ngồi đó mà tính trước thì rất khó thực hiện mà phải làm, rồi từ từ rút kinh nghiệm, sẽ sửa đổi dần dần tích lũy kinh nghiệm và hoàn thiện để biến nó thành chủ trương trong toàn quốc.

- Quỹ tiết kiệm nhà ở có sự khác biệt như thế nào so với quỹ phát triển nhà ở trước đây và các chính sách hỗ trợ cho người có thu nhập thấp, thưa ông ?

Đây thuộc chính sách tài chính nhà ở. Hồi trước, nhà thu nhập thấp tạo điều kiện cho bên “cung” tức các nhà kinh doanh bất động sản mà không để ý tạo điều kiện tới bên “cầu”. Do đó, dù Nhà nước tạo điều kiện cho bên “cung” lớn thế nào đi chăng nữa, bên “cầu” cũng khó có thể bỏ ra một lúc số tiền lớn để mua nhà dù giá đã rất giảm.

Trong khi đó, ở các nước khác, họ tập trung tạo điều kiện cho bên có nhu cầu để họ mua và họ trả tiền cho nhà nước.

 Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ được xây dựng giống như hình thức bảo hiểm xã hội với mức đóng góp dự kiến từ 1 - 2% tổng tiền lương hàng tháng của người lao động.

Ngoài ra, tôi mong quỹ này sẽ làm tốt hơn bởi trước đó, Quỹ phát triển nhà ở kém hiệu quả, tích góp tiền không được bao nhiêu vì không minh bạch.

Đối với Quỹ phát triển nhà ở, thứ nhất, tất cả nhà ở mà Nhà nước bán ra, tiền sẽ đưa vào quỹ này, nhưng tiền Nhà nước bán ra lại đem sử dụng vào việc khác. Thứ hai là những gì thu được từ đất đai sẽ có khoảng mấy chục % được đưa vào quỹ này, tuy vậy, vấn đề đặt ra ở đây là: Không ai quy định tiền thu được từ đất đai phải dùng vào quỹ.

Hơn nữa, như tôi được biết, lúc sử dụng, quỹ này chủ yếu nhằm mục đích phát triển nhà công vụ. Quỹ này ở các nước khác đúng ra không phải cho vay mà thay vào đó, Nhà nước dùng để xây nhà cho thuê với giá hạ, giá rẻ, đó mới được gọi là nhà ở xã hội.


- Một số ý kiến cho rằng, việc thành lập Quỹ này có thể sẽ dẫn tới một số tiêu cực trong việc quản lý, tiền có thể chỉ vào túi của một số người, theo ông, những băn khoăn này liệu có cơ sở không?

Gửi tiền vào thì không có gì tiêu cực cả nhưng xuất tiền ra có thể gặp nhiều vấn đề rắc rối. Ví dụ: Anh đã đóng góp đủ chưa mà anh đã xuất tiền hoặc người quản lý xuất tiền quá mức so với số tiền mà người lao động đóng góp. Một số ý kiến cho rằng: Có “cái gì đó” không minh bạch nhưng nếu làm thì cần phải làm chặt chẽ. Và nói chung theo tôi nghĩ, không khó để chúng ta quản lý cho minh bạch.

- Xin cảm ơn ông!

Băn khoăn về tính minh bạch của Quỹ

Theo đánh giá của các nhà kinh doanh BĐS, xây dựng Quỹ tiết kiệm nhà ở là một ý tưởng tốt và có ý nghĩa tích cực, về mặt dư luận xã hội sẽ ủng hộ nhưng “có thuyết phục được tất cả mọi người không, cần lòng tin của người lao động cũng như của tất cả những người tham gia đối với người quản lý quỹ đó”.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty TNHH BĐS và dịch vụ địa chính Hà Nội cho biết: Nếu quỹ sử dụng sai mục đích, bảo là mua nhà cho người thu nhập thấp nhưng thực chất lại mua nhà cho những người không có nhu cầu, mượn danh để mua nhà rồi bán ra thị trường chung với lợi nhuận kếch xù, thì đó chẳng khác nào một cách lợi dụng lòng tin của quần chúng để phục vụ quyền lợi của một số cá nhân có quyền chi phối quyết định, ra quyết định hoặc thực hiện quyết định đó.

Ông Tùng cũng đặt ra những yếu tố phản biện của vấn đề này: Nếu như bảo hiểm xã hội, tất cả người dân được hưởng quyền lợi cho bản thân mình, còn với Quỹ tiết kiệm nhà ở, người lao động bị trừ lương để phục vụ cho người có thu nhập thấp  vay sẽ gây nên băn khoăn cho người không có nhu cầu.

Những người không có nhu cầu mua nhà có thể không sẵn sàng chi trả vì “tôi không mua nhà trong khi tôi lại bị mất 1% kia, mặc dù tiền gửi quỹ không mất đi nhưng phải rất lâu, cho tới khi nghỉ hưu, tôi mới nhận lại số tiền đó”. Trong khi với 1 – 2% số tiền lương hàng tháng, dù không nhiều nhưng một số người có thể tích cóp để đầu tư vào lĩnh vực khác.

Tuy vậy, theo ông Tùng, nếu quỹ quản lý minh bạch và phục vụ cho người có thu nhập thấp một cách thực sự, với tư cách là một doanh nghiệp, ông Tùng cũng hoàn toàn ủng hộ và tin tưởng rằng: Quỹ sẽ thuyết phục được đông đảo người dân bởi lẽ mục đích chính là vì lợi ích chung, lợi ích cộng đồng.

Tiểu Phương

Bình luận
vtcnews.vn