Quy tắc ứng xử công chức Hà Nội, chuyên gia nói: 'Ăn mặc khiêu gợi, xăm trổ đầy người...để dành cho đi chơi'

Thời sựChủ Nhật, 25/12/2016 08:06:00 +07:00

PGS.TS Nguyễn Quý Đức đã đưa ra những phân tích từ góc độ văn hóa về bộ quy tắc ứng xử dành cho công chức Hà Nội sắp được ban hành đầu năm 2017.

Bộ quy tắc ứng xử dành cho công chức Hà Nội sắp được ban hành đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận.

Để có cái nhìn đa chiều hơn, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Quý Đức - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa & Phát triển.

hai-thanh-keo-go-sua-o-di

PGS.TS Lê Quý Đức - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa & Phát triển 

- Ông đánh giá thế nào về những nội dung trong bộ quy tắc ứng xử dành cho công chức Hà Nội sắp được ban hành?

Về cơ bản là tôi đồng tình. Thường dân thì cứ việc tự do thể hiện, nhưng đã là công chức có nghĩa là bạn đang có một phần trách nhiệm chung của xã hội. Ai cũng có quyền tự do nhưng tự do đôi khi cũng cần trong khuôn khổ nhất định.

Nếu là người dân được phục vụ, tôi cũng thích một nhân viên ăn mặc nghiêm túc chứ không phải phấn son, quần áo lòe loẹt. Đồng phục lịch sự là chính xác, ăn mặc đúng mực cũng khiến người đối diện cảm thấy được tôn trọng.

- Có ý kiến cho rằng, lựa chọn quần áo, xăm mình hay sử dụng mỹ phẩm là quyền tự do tối thiểu của con người. Cũng giống như một vườn hoa phải có nhiều màu hoa mới đẹp. Quan điểm của ông về ý kiến này?

Việc ăn mặc khiêu gợi, xăm trổ đầy người, đánh móng tay chân đủ màu, nước hoa thơm lừng... thì hãy dành cho những buổi đi chơi hoặc làm công việc nghệ thuật. Làm công chức nhà nước là thường xuyên tiếp xúc với ông già bà cả, trẻ em, có cả người nghèo... nên tạo hình ảnh để không quá khác biệt.

thu-tuc-1482507514

 Theo quy định mới, công chức sẽ không được mặc áo không cổ. Ảnh: Châu Anh

Cơ quan nhà nước có quyền yêu cầu công chức của mình chấp nhận điều kiện đó thì vào làm. Ngay đến môi trường các công ty tư nhân cũng có những quy định riêng mà nhân viên phải theo nếu muốn được tuyển dụng vào làm việc. Thậm chí, họ còn sản xuất đồng phục riêng biệt cho từng bộ phận nhân viên.

 
Những quy định tưởng chừng như khắt khe đó lại làm nên thương hiệu, được đánh giá là chuyên nghiệp và được khách hàng, người dân yêu mến.

PGS.TS Lê Quý Đức

Tôi lấy một ví dụ, bạn muốn làm nữ tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines thì phải mặc áo dài, muốn thi vào trường an ninh thì không được xăm hình... Thậm chí, tôi còn biết có một số công ty chuyên kinh doanh vàng bạc đá quý chỉ tuyển nhân viên nữ tóc dài và không được nhuộm màu.

Những quy định tưởng chừng như khắt khe đó lại làm nên thương hiệu, được đánh giá là chuyên nghiệp và được khách hàng, người dân yêu mến.

- Có nhiều bạn trẻ cho rằng, bộ quy tắc này có phần hơi cứng nhắc, khi đưa vào áp dụng sẽ khó thu được kết quả khả quan?

Tôi cho rằng những quy tắc của Hà Nội sắp ban hành là rất chính đáng. Đã là công chức phải có tác phong áo bỏ vào trong quần, đi giày, không cười đùa hoặc xem, chơi game trong giờ làm việc, ăn nói lễ độ, biết tôn trọng người lớn tuổi và lãnh đạo, đi làm đúng giờ giấc và không được bỏ đơn vị để về nhà kinh doanh.

Khi ứng xử với người dân, công chức được yêu cầu không gây căng thẳng, bức xúc, uy hiếp, tấn công người dân. Nếu có va chạm, người liên quan cần nghiêm túc nhận khuyết điểm và chủ động giải quyết với tư cách cá nhân, không ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị, tổ chức.

15681753-10202589970306791-155-7649-9632-1482513966 (1)

Váy ngắn cũng sẽ bị "tuýt còi" khi đến cơ quan nhà nước. Ảnh  Võ Hải 

Tại khu dân cư, công chức không tổ chức các hoạt động liên hoan, cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia, mừng thăng chức... linh đình, phô trương, lãng phí, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư... là điều mà không chỉ công chức Hà Nội mà tôi nghĩ nên tuyên truyền áp dụng rộng rãi trong phạm vi cả nước.

Mọi quy cách ứng xử hàng ngày của bạn đều bắt nguồn từ việc giáo dục. Xin nhắc lại, đây chỉ là một bộ quy tắc ứng xử để giáo dục, nhắc nhở con người phải hoàn thiện bản thân mình hơn chứ không phải là quy định mang tính pháp lý để xử phạt hành chính.

Bởi vậy, tôi mong bộ quy tắc ứng xử được giới truyền thông nhiệt tình định hướng cho dân chúng, làm cho ai ai cũng thấy thích và thực hiện.

- Ông có nghĩ bộ quy tắc này quá coi trọng đến xử lý hình thức mà quên mất nội dung?

Đương nhiên, cùng với quy định về hình thức cũng cần phải riết ráo thay đổi về nội dung, tạo áp lực để công việc trôi chảy và không có vị trí thừa để nhàn cư vi bất thiện.

Chất lượng làm việc và hiệu quả giải quyết công việc mới là vấn đề cốt lõi. Còn những yếu tố còn lại là để làm tăng thêm hình ảnh đẹp của cán bộ, công nhân viên chức trong con mắt người dân.

Tôi nghĩ, tạo được hình ảnh đẹp trong mắt quần chúng chắc chắn sẽ làm tăng thêm hiệu quả cho công việc.

Xin cảm ơn ông!

Thái Hòa
Bình luận
vtcnews.vn