Quỹ Innofund: Niềm hy vọng của các dự án đổi mới sáng tạo

Doanh nghiệp - Doanh nhânChủ Nhật, 07/01/2018 10:29:00 +07:00

Hiện nay, tại Việt Nam, hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm chưa được pháp luật cho phép vì tính rủi ro cao nên khó đáp ứng tiêu chí bảo toàn vốn Nhà nước trong từng dự án.

Trong giai đoạn 2014-2018, chính phủ Bỉ đã tài trợ cho Việt Nam 2 triệu Euro để thực hiện Dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (BIPP)”. Trong đó, hợp phần Quỹ Innofund được trích kinh phí 495.000 Euro để tài trợ không hoàn lại cho các cơ sở ươm tạo và các cá nhân, tổ chức đang được ươm tạo tại các vườn ươm.

Hiện nay, Quỹ được chỉnh phủ Bỉ và Việt Nam đánh giá cao về hiệu quả hoạt động cũng như đẩy nhanh quá trình thương mại hóa các kết quả nghiên cứu ra thị trường.

Để hiểu rõ hơn về hoạt động của Quỹ Innofund, phóng viên Báo điện tử VTC News đã có buổi phỏng vấn TS.Trần Đắc Hiến – Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc Gia – Bộ KH&CN, kiêm Giám đốc Quỹ Innofund.

- Thưa TS.Trần Đắc Hiến, Quỹ Innofund được thành lập từ khi nào và mục tiêu hoạt động của Quỹ là gì?

Quỹ Innofund là một hợp phần thuộc Dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (BIPP)” do chính phủ Bỉ tài trợ trong giai đoạn từ năm 2014-2018.

Dự án có 4 hợp phần, hợp phần 3 là thí điểm cơ chế vận hành quỹ Innofund để tài trợ cho các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp. Quỹ InnoFund có tổng kinh phí 495.000 Euro trên tổng số 2 triệu Euro của BIPP dùng để hỗ trợ cho các vườn ươm và các hoạt động ươm tạo Doanh nghiệp Khoa học công nghệ (DN KHCN) tại các vườn ươm này.

Quỹ có hệ thống Sổ tay hướng dẫn vận hành quỹ, trong đó quy định cụ thể đối tượng mà Quỹ sẽ tài trợ, quy trình thủ tục xét duyệt tài trợ. Quỹ InnoFund hiện tài trợ cho 20 dự án, gồm 10 dự án nâng cao năng lực cho các cơ sở ươm tạo và 10 dự án hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang ươm tạo trong vườn ươm.

Đặc biệt, đây là tài trợ không hoàn lại, giúp cho các vườn ươm nâng cao năng lực hoạt động và hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức có ý tưởng, công nghệ khả thi, có thể thương mại hóa được. Mục tiêu lớn hơn nữa của Quỹ đó là hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp KHCN, đẩy nhanh quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu được ươm tạo ra thị trường.

Trung bình mỗi dự án được tài trợ từ 15.000 – 25.000 Euro. Đến nay, 20 dự án do InnoFund tài trợ đều tiến hành theo đúng quy định.

- Thưa ông, tiêu chí đặt ra cho các đối tượng muốn nhận tài trợ của InnoFund là gì?

Đối với các vườn ươm: Các vườn ươm không phân biệt là công lập hay tư nhân, nếu được thành lập theo quy định của Pháp luật, có cơ sở vật chất, nguồn nhân lực… tối thiểu theo quy định thì có thể được đề xuất hỗ trợ từ InnoFund.

Đối với cá nhân có dự án ươm tạo: Cần chứng minh dự án đang được ươm tạo tại một vườn ươm, sau đó gửi thuyết minh lên Quỹ để xin xét duyệt.

Quỹ sẽ tổ chức 04 vòng xét duyệt, chọn ra các dự án tốt nhất để tài trợ.

Đợt 1 (năm 2016) chúng tôi nhận được 80 đề xuất, qua 4 vòng, chúng tôi chỉ chọn được 10 dự án để tài trợ, đến nay 10 dự án này sắp kết thúc.

Đợt 2 (năm 2017) chúng tôi nhận được 50 đề xuất, qua 4 vòng đã chọn được 10 dự án tốt nhất để tài trợ. Đến tháng 7/2018 dự kiến sẽ kết thúc dự án.

- Thưa TS. Trần Đắc Hiến, hiện nay, việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu đang là vấn đề được Bộ KH&CN, các viện, trường cũng như các nhà khoa học rất quan tâm. Vậy đây có phải là tiêu chí đầu tiên trong việc xét chọn các sản phẩm tham gia gọi vốn của Quỹ?

Trong nhiều năm, chúng ta nghiên cứu theo kiểu hàn lâm, ít quan tâm đến đầu ra các kết quả nghiên cứu. Hiện nay, với yêu cầu của thị trường, của việc phát triển khoa học công nghệ, đòi hỏi quan tâm nhiều đến kết quả đầu ra của các nghiên cứu này, làm sao đưa nhanh chúng ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Có nhiều phương thức giúp cho việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Ví dụ hình thành phát triển thị trường KHCN, tổ chức các sàn giao dịch công nghệ, hỗ trợ tư vấn pháp lý, tư vấn về thị trường... Phần lớn các nhà khoa học không có kinh nghiệm về thị trường và ngược lại, doanh nghiệp lại ít kinh nghiệm trong nghiên cứu. Làm sao có cơ chế kết hợp cả hai giới, nhằm đưa nhanh kết quả nghiên cứu ra thị trường, đó là mục tiêu ươm tạo của Quỹ.

- Thưa ông, các lĩnh vực được Quỹ hỗ trợ có đa dạng?

InnoFund tài trợ đa dạng các lĩnh vực, trải rộng từ nông nghiệp đến cơ khí, tự động hóa, vật liệu, y dược, công nghệ sinh học.

Tuy nguồn kinh phí hạn chế nhưng Quỹ cũng cố gắng lựa chọn nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau để có điều kiện đánh giá hiệu quả các dự án ở nhiều góc độ khoa học.

anh Hien

TS.Trần Đắc Hiến (thứ 3 từ trái sang) trong buổi lễ ra mắt Dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (BIPP)” 

- Ông có thể cho biết đặc điểm nổi bật mà Quỹ đã làm được trong thời gian vừa qua?

Trong quá trình tài trợ, chúng tôi thấy có những dự án rất thành công, ví dụ dự án hỗ trợ hoàn thiện, phát triển công nghệ Nano trong sản xuất thực phẩm chức năng Nano Cucurmin hỗ trợ điều trị U bướu. Hay dự án hỗ trợ công ty TNHH Ngân Hà nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất ghế chỉnh hình phòng ngừa các bệnh về cột sống.

Đây là các dự án điển hình về khả năng thương mại hóa tốt trên thị trường. Điều quan trọng hơn của InnoFund là từ thành công của những dự án do Quỹ tài trợ, chúng tôi rút ra bài học về phương thức tài trợ cho các hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KHCN mà hiện nay việc tài trợ từ các Quỹ của nhà nước đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chúng tôi muốn chứng minh rằng với phương thức hoạt động của InnoFund thì có thể giúp các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có thể ươm tạo thành công doanh nghiệp của mình, để trở thành các công nghệ, sản phẩm hàng hóa thương mại tốt trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Hiện nay chúng ta chưa có quỹ đầu tư mạo hiểm từ ngân sách nhà nước vì pháp luật chưa cho phép, nếu làm thất thoát vốn nhà nước sẽ bị vi phạm luật hình sự. Nếu InnoFund thành công sẽ là bài học cho chúng ta hình thành mô hình quỹ như vậy, nhằm huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân đặc biệt là doanh nghiệp để tài trợ cho hoạt động ươm tạo, các dự án có triển vọng thương mại hóa cao.

Điều khác biệt ở đây là InnoFund không có yêu cầu gì đối với các đối tượng được tài trợ và có hiệu quả hoạt động trên thị trường. Nhưng với mô hình quỹ có sự đầu tư từ các cá nhân, tổ chức thì chắc chắn cần phải phân chia lợi ích cho các nhà đầu tư khi có dự án ươm tạo thành công trên thị trường.

Với phương thức tài trợ thông thoáng như InnoFund thì việc hỗ trợ cho các dự án ươm tạo sẽ dễ dàng đi đến thành công, tránh được các thủ tục rườm rà về hành chính.

- Thưa ông, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình hoạt động của Quỹ là gì?

Qua thực tế tài trợ cho 20 dự án, với các chủ thể đã làm quen với các dự án khoa học, họ làm thủ tục rất nhanh chóng, thuận tiện. Đối với một số doanh nghiệp chưa quen với hoạt động khoa học, họ chi tiêu chưa đúng với Sổ tay hướng dẫn, khiến cán bộ của ban quản lý khá vất vả.

Chúng tôi thường cử người đến kiểm tra, hướng dẫn để họ thực hiện đúng chế độ chi tiêu và báo cáo. Nếu họ tiêu chậm, tiêu sai thì ảnh hưởng chung đến tiến độ và chất lượng dự án.

Đến nay, chất lượng các dự án được Quỹ tài trợ đều rất tốt, vì chúng tôi đã lựa chọn qua 4 vòng: nghiên cứu hồ sơ, khảo sát thực địa, chuyên gia độc lập, hội đồng. Từ đó, chúng tôi đã chọn ra được các dự án có chuyên môn, năng lực tốt nhất và khả thi nhất để tài trợ.

- Được biết công trình nghiên cứu phức hệ Nano FGC của TS.Hà Phương Thư – Viện Khoa học Vật liệu – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã được Quỹ InnoFund tài trợ, vậy Quỹ đã tài trợ cho chị Thư ở những giai đoạn nào thưa ông? 

Khi TS. Hà Phương Thư đang trong quá trình sản xuất thử nghiệm phức hệ Nano FGC, chị biết đến dự án và đã làm hồ sơ đề xuất hỗ trợ từ Quỹ. Chúng tôi nhận thấy đây là một dự án có tính khả thi cao, có tiềm năng thị trường tốt, đặc biệt hỗ trợ và điều trị bệnh nhân u bướu, một căn bệnh được coi là thế kỷ.

Chúng tôi đã hỗ trợ cho dự án của TS Hà Phương Thư 22.000 Euro, tương đương hơn 500 triệu VNĐ. Nhờ có khoản tài trợ này, chị đã hoàn thiện việc nghiên cứu, sản xuất, giúp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm lên nhiều lần. Hiện nay, chị đã kết hợp với doanh nghiệp để thương mại hóa rất tốt sản phẩm.

Với thành công này của chị, chúng tôi nhận thấy vai trò của InnoFund khá quan trọng, giúp chị Thư hoàn thiện thêm bước nữa công nghệ của sản phẩm trước khi phối hợp với doanh nghiệp đưa ra thị trường.

- Thưa ông, đến thời điểm hiện nay, chính phủ Bỉ đánh giá như thế nào về hoạt động của Quỹ InnoFund?

Qua báo cáo giữa kỳ vừa rồi, phía Bỉ đánh giá dự án đang tiến triển rất tốt, chúng tôi đang cố gắng hoàn tất các hạng mục của dự án, để tháng 10/2018 dự án sẽ kết thúc các hoạt động.

- Trong thời gian tới, chính phủ Bỉ có tiếp tục đầu tư để Dự án BIPP (Quỹ InnoFund) tiếp tục hoạt động không thưa ông?

Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình, nên chính phủ Bỉ dự kiến sẽ không tiếp tục tài trợ. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng nếu mô hình InnoFund thành công với kết quả đánh giá của 20 chương trình mà quỹ đã tài trợ, chúng tôi sẽ đưa ra những đề xuất để có thể tiếp tục duy trì phương thức quản lý Quỹ thông qua huy động xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Sau đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các dự án khả thi và tài trợ, nếu thành công, sẽ có cơ chế phân chia lợi ích nhất định giữa các bên tham gia.

Vâng, đây mới chỉ là ý tưởng sau khi dự án kết thúc, tuy nhiên từ góc độ báo chí truyền thông, chúng tôi rất tin tưởng vào sự thành công của Quỹ InnoFund cũng như Dự án BIPP tại Việt Nam.

Xin chúc cho ý tưởng của ông sẽ trở thành hiện thực, để các nhà khoa học cũng như các tổ chức KHCN có được một địa chỉ tin cậy, cùng đồng hành trong suốt quá trình hoàn thiện công nghệ, sản phẩm và thương mại hóa thành công trên thị trường.

- Xin cảm ơn TS. Trần Đắc Hiến đã tham gia buổi phỏng vấn của VTC News!

Phú Quốc
Bình luận
vtcnews.vn