Quý I/2017: Kinh tế tăng chậm một cách bất thường

Kinh tếThứ Ba, 11/04/2017 06:44:00 +07:00

Quý I/2017, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm một cách bất thường, chỉ đạt 5,1%, là mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Tại buổi tọa đàm “Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý I/2017” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức vào chiều 10/4 tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế đều có chung dự báo năm 2017 sẽ là một năm kinh tế khó khăn và nhiều biến động do những tác động có tính phức tạp từ tình hình bên ngoài.

Hinh anh

Tọa đàm Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý I/2017 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR khẳng định: Kết thúc quý I/2017, giá cả năng lượng thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi sau khi các cam kết cắt giảm sản lượng dầu mỏ có hiệu lực.

Tại Mỹ, FED tiếp tục tăng lãi suất cơ bản theo lộ trình đã thông báo hồi cuối năm trước.

Trong khi đó tại Anh, Thủ tướng Theresa May công bố thời điểm kích hoạt Điều khoản 50 vào cuối quý.

Trong nước, dù khu vực nông, lâm, ngư nghiệp đã phục hồi so với năm 2016, nhưng sự suy giảm tăng trưởng của cả khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo và khai khoáng đã khiến tăng trưởng kinh tế quý I chỉ đạt 5,1%, thấp nhất trong vòng ba năm trở lại đây.

Hinh anh

TS Nguyễn Đức Thành cho rằng tăng trưởng kinh tế trong năm nay khó đạt được chỉ tiêu như đã đề ra.

Lạm phát giảm nhẹ do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa giảm nhẹ trong quý I. Các chỉ báo khác cũng cho thấy kinh tế Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức về ổn định kinh tế vĩ mô lớn tới cuối năm.

Cụ thể, sau hai quý phục hồi, kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng ở mức 5,1% trong quý́ 1/2017, thấp nhất trông vòng ba năm trở lại đây (quý I/2015: 6,12%; quý 1/2016: 5,48%).

Đáng chú ý, suy giảm tăng trưởng quý I đến từ hầu hết các nhóm ngành công nghiệp. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng 8,3%, thấp hơn mức 9,7% và 8,94% trong hai năm 2015 - 2016. Công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm mạnh.

Tính chung lại, ngành công nghiệp chỉ tăng trưởng 3,85%, thấp nhất kể từ 2011 trở lại đây. Các chỉ báo sản xuất công nghiệp (IPI) cho thấy rõ bức tranh ảm đạm của công nghiệp Việt Nam trong quý I. Chỉ số sản xuất công nghiệp và tiêu thụ suy giảm mạnh trong khi tồn kho tăng đáng kể trông hai tháng đầu năm. IPI ba tháng đầu năm chỉ tăng 0,7% - 2,4% - 4,1%, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Hinh anh  3

Các chuyên gia kinh tế cho biết, việc Việt Nam cần làm lúc này là phải tăng cường sức mạnh của kinh tế nội địa, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế.

Thêm nữa, Báo cáo của Quỹ Di sản cho thấy, Việt Nam hiện nằm trong nhóm nước có mức độ tự do kinh tế thấp, lần lượt xếp hạng 148-131-147 trong ba năm 2015 - 2017.

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những nước có mức tăng nhanh nhất về chỉ số tự do kinh tế.

Đặc biệt, chỉ tiêu về Quyền tài sản của Việt Nam có mức tăng vượt bậc từ 15 điểm lên 49,7 điểm trong năm 2017.

Các chỉ tiêu về Hiệu quả quản lý (tự do kinh doanh, chính sách tiền tệ linh hoạt và tự do lao động) và Quy mô Chính phủ (gánh nặng thuế, chi tiêu chính phủ) đã tăng đáng kể trong những năm gần đây luôn đạt mức trung bình so với các nước trên thế giới.

Về mức độ mở cửa thị trường, Việt Nam đã liên tục mở cửa thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, thị trường vốn và tài chính vẫn chưa thực sự đi cùng với quá trình này.

Trong năm 2017, chỉ tiêu tự do thương mại của Việt Nam đạt 83,1 điểm trong khi hai chỉ tiêu về tự do đầu tư và tự do tài chính chỉ đạt lần lượt 25 và 40 điểm.

Chỉ số hoạt động kinh tế VEPI (Viet Nam Economic Performance Indêx) được VEPR thử nghiệm tính toán và tổng hợp dựa trên số liệu về sản lượng điện thương phẩm, kim ngạch xuất nhập khẩu, vận tải hàng hóa nội địa, tăng trưởng tín dụng và PMI sản xuất.

Chỉ số VEPI cũng cho thấy sự suy giảm trong tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, khác với tăng trưởng kinh tế, chỉ số VEPI vẫn đạt mức 5,8%, cao hơn cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu tăng mạnh kết hợp với tăng trưởng tín dụng cao từ những quý trước đã giúp chỉ số VEPI vẫn được đánh giá tích cực trong quý I.

Suy giảm tăng trưởng lao động đến từ cả ba khối doanh nghiệp (DN) nhà nước, DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, số lao động khu vực ngoài nhà nước thậm chí giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, tình hình đăng ký doanh nghiệp vẫn tương đối ổn định trong quý I. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt 26.478 doanh nghiệp, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Lạm phát chững lại trong quý I, cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng sau khi tăng 5,22% cuối tháng 1/2017 đã giảm xuống mức 4,65% cuối quý.

Tuy nhiên, lạm phát thấp chủ yếu do yếu tố giá cơ bản. Điều này phản ánh đúng xu hướng chững lại trong việc tiêu dùng hàng hóa trong Quý I.

Trong khi đó, khoảng cách giữa lạm phát và lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao cho thấy giá cả nhóm các mặt hàng do nhà nước quản lý vẫn đang tăng mạnh. “Chúng tôi cho rằng áp lực lên lạm phát trong nước vẫn còn lớn, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu Quốc hội đặt ra” – TS Thành nhấn mạnh.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia kinh tế gồm có: ông Trương Đình Tuyển, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương Mại; ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; bà Phạm Chi Lan, ông Lê Đăng Doanh cũng đều bày tỏ lo ngại trước sự suy giảm của ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng như suy giảm của xuất khẩu và gia tăng nhập siêu, nhất là sức ép cạnh tranh từ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Điều mà Việt Nam cần làm ngay lúc này là tăng cường sức mạnh của kinh tế nội địa, củng cố năng lực cạnh tranh và có những chính sách điều hành tỷ giá đúng đắn, tái cơ cấu kinh tế trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.

Video: Kinh doanh ven Hồ Tây thất thu vì cá chết

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn