Quy hoạch 200 Uỷ viên Trung ương: Nhân dân là nơi thẩm tra quan trọng nhất

Thời sựThứ Tư, 02/10/2019 06:45:00 +07:00

Ông Nguyễn Túc cho rằng nên công khai danh sách 200 Ủy viên Trung ương để nhân dân giám sát vì nhân dân là nơi thẩm tra quan trọng nhất.

Cuộc họp của Bộ Chính trị tháng 6/2019, diễn ra tại Hà Nội dưới sự điều hành của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đã thống nhất, phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026. 

Trả lời VTC News, ông Nguyễn Túc - nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội, thành viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2019-2024) cho rằng nên công khai 200 Ủy viên Trung ương để nhân dân giám sát, nhưng chỉ nên công khai ở từng địa phương, nơi cán bộ đó sống và công tác.

hoi nghi trung uong 10 3

 Toàn cảnh Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

- Bộ Chính trị đã phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026. Việc này có ý nghĩa thế nào nhằm chuẩn bị nhân sự cấp chiến lược cho nhiệm kỳ mới, thưa ông?

Như chúng ta đã biết, Đại hội XII đã nêu ra một loạt vấn đề về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Sau đó, Bộ Chính trị đã rút ra 6 nội dung trọng tâm, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn ngừa sự suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Đặc biệt, Bộ Chính trị nhấn mạnh việc tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín ngang tầm.

Hiện nay, theo đánh giá chung, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược bị thoái hóa, biến chất khá nhiều.

Tôi nhớ rằng, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Trung ương chỉ phải tử hình một người. Đó là Cục trưởng Cục quân nhu, tham ô quân nhu của quân đội để tổ chức cưới hỏi. Còn trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bác cũng chỉ một lần kí quyết định tử hình đối với một cán bộ, là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp.

Từ giai đoạn đổi mới đến nay, số cán bộ cấp chiến lược bị xử lí kỷ luật rất nhiều. Đặc biệt là từ Đại hội VI (năm 1986), danh sách kỉ luật tăng lên, bao gồm nhiều cán bộ là Ủy viên Trung ương, thậm chí là Ủy viên Bộ Chính trị. Nguyên nhân là do khai báo thông tin không trung thực, do tham ô, nhận hối lộ.

Vì vậy, xây dựng lực lượng cán bộ cấp chiến lược là vấn đề trở nên bức bách trong thời điểm hiện nay.

- Điểm mới trong quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026 là gì, thưa ông?

Báo cáo quy hoạch vừa rồi nhấn mạnh đến vấn đề “giám sát quyền lực” đối với 200 Ủy viên Trung ương khóa XIII. Quá trình thẩm tra vẫn tiếp tục diễn ra, vẫn tiếp tục lấy ý kiến, nhất là sẽ lấy ý kiến từ nhân dân hoặc thông qua tổ chức.

Ví dụ trong quá trình chuẩn bị và sau khi chuẩn bị (quy hoạch), những cán bộ chiến lược này sẽ ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp. Lúc này, 200 uỷ viên sẽ phải công khai lý lịch, danh tính để nhân dân, tập thể nhận xét, giám sát.

Có nhiều cách để làm, nhưng vấn đề quan trọng là phải công khai, minh bạch. Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị nêu rất rõ: “Công tác cán bộ phải công khai, minh bạch”. Trong nội bộ Đảng thì rõ ràng phải “công khai, minh bạch” rồi, nhưng chúng ta muốn công khai cho nhân dân cùng tham gia vào công tác xây dựng, góp ý cho Đảng trong công tác cán bộ.

Điều này phù hợp với Quyết định 218 của Bộ Chính trị (ngày 12/12/2015) về việc Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Như vậy, vấn đề tăng cường quyền tham gia “giám sát quyền lực” của nhân dân là điểm mới của Đại hội lần này.

- Việc lựa chọn cán bộ cấp chiến lược cần chú ý đến những điểm quan trọng nào, thưa ông?

nguyen tuc

nguyen tuc

Việc thẩm tra cán bộ cấp chiến lược quan trọng nhất là thẩm tra từ nhân dân

Ông Nguyễn Túc

Vừa rồi, Trung ương đưa ra một loạt tiêu chí và trải qua rất nhiều đợt khảo sát. Đó là những điều cần thiết, rút kinh nghiệm từ thời gian vừa qua. Nhưng tôi nghĩ rằng, việc thẩm tra cán bộ cấp chiến lược quan trọng nhất là thẩm tra từ nhân dân. Chỗ này chúng ta làm còn yếu.

Hầu hết các vụ trọng án vừa rồi cho chúng ta hai điều cần lưu ý. Thứ nhất, các cán bộ sai phạm, bị kỉ luật vừa rồi là do không thực hiện đầy đủ nguyên tắc “tập trung dân chủ”. Thứ hai là khi đề bạt, thực hiện công tác đã không lấy ý kiến rộng rãi của người dân.

Các vụ án lớn vừa qua đều do người dân phát hiện, sau đó cơ quan báo chí nhảy vào phanh phui vụ việc. Rõ ràng là vấn đề vi phạm nguyên tắc “tập trung dân chủ” đang rất nghiêm trọng.

Quy định số 205 QĐ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ là phải dành thời gian thích đáng để người dân được phát biểu ý kiến. Những vụ án vừa qua cho thấy, vai trò của cấp ủy cơ sở và ý kiến của nhân dân ít được chú ý. Tính dân chủ tại cơ sở Đảng ở địa phương, cơ quan, đơn vị nơi xảy ra vụ án đó đã không được thực thi đầy đủ.

Một vấn đề nữa là hành vi tham ô, nhận hối lộ được che giấu hết sức tinh vi, thông qua nhiều hiện vật (nhà cửa, đất đai) cho người thân của các cán bộ lãnh đạo.

Và rõ ràng, chúng ta cần xem xét lại nội dung được nêu trong Đại hội XII về việc “thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỉ luật kỉ cương”.

Ngoài ra, Đại hội sắp tới cần làm rõ hơn nội dung “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, có đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Có cơ chế chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài”.

- Dư luận cho rằng cần công khai 200 nhân sự Ủy viên Trung ương để nhân dân giám sát và đóng góp ý kiến, thưa ông?

Trong quy hoạch 200 Ủy viên Trung ương khóa XIII lần này, tôi đề nghị nên công khai danh sách để nhân dân phản biện, đóng góp ý kiến. Có thể không công khai toàn bộ, mà công khai danh tính cán bộ cấp chiến lược đó ở địa phương, cơ quan làm việc.

Ví dụ như có cán bộ cấp chiến lược ở quận Đống Đa chẳng hạn, chúng ta công khai danh tính để người dân, cán bộ, đảng viên nhận xét và đóng góp ý kiến. Đó cũng là cách hay để chúng ta tăng tính phản biện và giám sát trong nhân dân.

Tuy nhiên, hình thức công khai cần được xem xét. Không nhất thiết phải công khai trên báo chí toàn bộ danh sách đó. Tôi cho rằng, nên công khai ở từng địa phương, nơi cán bộ đó sinh sống và công tác. Vì chúng ta cần phòng ngừa các thế lực bên ngoài lợi dụng, phá hoại hay có thể nảy sinh việc vu cáo, ghen ăn tức ở, rồi nhiều vấn đề phát sinh khác.

- Tức là chỉ nên công khai ở từng địa bàn, địa phương, thưa ông?

Chúng ta công khai ở từng địa bàn. Nhân dân, cán bộ, đảng viên cơ sở sẽ đánh giá và góp ý kiến cho Đảng, hoàn thiện thêm công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược này. Điều này rất có lợi cho vấn đề xây dựng Đảng.

Sắp tới, chúng ta sẽ kỷ niệm 70 năm công tác dân vận (15/10/1949 -15/10/2019), chúng ta lại nhớ tới lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là trách nhiệm của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Quyền hành là quyền nhân dân cử cán bộ ra lãnh đạo, quyền giám sát, quyền tạo điều kiện hoạt động . Vậy nên, vấn đề dân giám sát cần được chú trọng và quy định rõ hơn.

- Phải chăng vấn đề công khai 200 nhân sự quy hoạch Ủy viên Trung ương là chưa có trong tiền lệ, thưa ông?

Đúng vậy, chưa có trong tiền lệ. Chúng ta chỉ mới công khai khi Ủy viên Trung ương tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội hay Hội đồng nhân dân các cấp. Khó khăn ở đây là từ trước đến nay chưa có quy định cụ thể nào cho vấn đề này.

Ngoài ra, trước đây vấn đề “chạy chức, chạy quyền” không như bây giờ. Thế hệ chúng tôi làm gì có chuyện chạy chức, chạy quyền. Trung ương phân công ở đâu thì chúng tôi nhận nhiệm vụ ở đó thôi.

Thậm chí, có nhiều cán bộ được phân công ở vị trí cao nhưng họ xin rút (vì tự đánh giá mình chưa xứng đáng).

Còn bây giờ, tại sao lại chạy chức? Vì chạy chức để có quyền, vì có quyền mới thu lợi được nhiều cho bản thân và gia đình.

Video: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu chống tham nhũng không được chùng xuống

- Làm sao để nhân dân trong cả nước yên tâm về công tác quy hoạch 200 nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026, thưa ông?

Trong quy định mới ban hành về “kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền”, Bộ Chính trị nêu rõ là phải “pháp luật hóa” vấn đề này.

Cụ thể, Bộ Chính trị giao cho “Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng chính phủ chỉ đạo, rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành các văn bản pháp luật liên quan, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy hoạch này”.

Ngoài ra, “Ủy ban kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với tổ chức Trung ương và các cơ quan tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới khung xử lý các hành vi vi phạm nêu trong quyết định này”. Mặt trận Tổ quốc cũng thực hiện nhiệm vụ phản biện, giám sát công tác cán bộ và việc thực hiện quy định trên.

Nhìn chung, một loạt vấn đề và giải pháp được nêu ra. Đây là vấn đề trong Đảng, nhưng để cho nhân dân, cơ quan, đoàn thể tham gia vào thì phải “pháp luật hóa”. 

- Những cán bộ đã được đưa vào quy hoạch Uỷ viên Trung ương, nếu phát hiện có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn thì sẽ phải xử lý thế nào, thưa ông?

Dứt khoát là phải đưa ra khỏi quy hoạch. Có vào thì tất sẽ có ra. Những Ủy viên Trung ương này nếu phát hiện sai phạm thì phải loại ra khỏi danh sách, theo đúng tinh thần quy định.

Thêm nữa, trong thời gian đó, người dân có thể phát hiện những tài năng mới, thì cần bổ sung vào.

- Trong trường hợp có người bị loại ra, vậy có cơ chế nào để bầu bổ sung quy hoạch Ủy viên Trung ương?

Khi đó Ban Tổ chức Trung ương sẽ nêu vấn đề với Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Sau đó, Bộ Chính Trị, Ban Bí thư trình Trung ương để có kế hoạch bổ sung, vì trong quá trình này còn có nhiều sự thay đổi chứ danh sách không phải là cố định.

Cũng có một số trường hợp cán bộ đã được quy hoạch rồi, nhưng đến sát ngày thì phát hiện ra sai phạm, thì buộc phải loại bỏ thôi.

Từ Đại hội VI đến nay, chúng ta có nhiều lần bổ sung và loại trừ. Đây là việc mà chúng ta đã thực hiện và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Tuấn - Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn