Quy định phải có 100% đất ở khi làm dự án gây khó doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu báo cáo

Bất động sảnThứ Sáu, 23/11/2018 16:31:00 +07:00

Nhận thấy quy định phải có 100% đất ở khi làm dự án gây cản trở các dự án phát triển khu đô thị, khu dân cư và khu dân cư nông thôn, Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu Bộ TN&MT báo cáo vụ việc.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), yêu cầu Bộ này báo cáo về quy định doanh nghiệp bất động sản (BĐS) phải có 100% đất ở mới được cấp phép đầu tư dự án.

Theo Văn phòng Chính phủ, quy định phải có 100% đất ở khi làm dự án gây cản trở các dự án phát triển khu đô thị, khu dân cư và khu dân cư nông thôn...

Bởi thực tế hiện nay các dự án đều sử dụng quỹ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chuyên dùng. Các doanh nghiệp phải bỏ ra nguồn vốn rất lớn để giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầu tư, nhiều doanh nghiệp lâm vào khó khăn.

Trước thực trạng này, Văn phòng Chính phủ cho rằng cần sớm có hướng dẫn với các trường hợp doanh nghiệp đã bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại thì được chỉ định chủ đầu tư. Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ TN&MT báo cáo vụ việc trên.

IMG_8986 copy

Quy định phải có 100% đất ở khi làm dự án đang gây cản trở các dự án phát triển khu đô thị, khu dân cư và khu dân cư nông thôn. (Ảnh: Tuệ Lâm). 

Trước đó, tại cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM với doanh nghiệp BĐS được tổ chức ngày 7/11, hàng loạt doanh nghiệp tại TP.HCM đã đồng loạt "kêu khó" việc đang gặp vướng mắc về chữ “đất ở” tại khoản 4 điều 23 Luật Nhà ở, quy định này đang gây ách tắc trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

Các doanh nghiệp cho biết, từ năm 2017 tới nay, các dự án liên quan đến quỹ đất công mà các doanh nghiệp cổ phần hóa bán lại đều bị TP.HCM dừng triển khai, cấp phép để kiểm tra. Nhiều doanh nghiệp, vì thế, rơi vào thế kẹt.

Ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hưng Thịnh Corp phản ánh: “Yêu cầu phải có 100% đất ở là hoàn toàn không phù hợp với thực tế và mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng... và không thể có quỹ đất nào đảm bảo được diện tích, quy mô, tính chất đáp ứng được quy định 100% đất ở để xin thủ tục đầu tư”.

Là cầu nối giữ các doanh nghiệp BĐS và Chính phủ, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có công văn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

HoREA cho rằng, việc cơ quan nhà nước không giải quyết chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các trường hợp doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất bao gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án bất động sản đang là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm nguồn cung dự án, sụt giảm sản phẩm nhà ở. 

Nhiều doanh nghiệp đang lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn, bị đọng vốn kéo dài, chịu lãi vay cao, bị rơi vào nhóm nợ xấu, thậm chí có nguy cơ phá sản.

Tuệ Lâm
Bình luận
vtcnews.vn