Quy định chuyển đổi giấy phép lái xe bị 'tuýt còi': Bộ GTVT phản ứng thế nào?

Thời sựThứ Năm, 01/12/2016 16:55:00 +07:00

Bộ GTVT đã nhận được văn bản từ Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Thông tư số 58 về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và đồng ý sửa đổi thông tư này.

Những ngày qua, dư luận xôn xao về Thông tư 58 của Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ, bắt buộc người dân phải đổi giấy phép lái xe sang giấy phép được làm bằng vật liệu PET.

Hàng trăm người dân vây kín Bưu điện Thị xã Dĩ An, Bình Dương để làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe sang thẻ PET vì sợ phải sát hạch lại lý thuyết (Ảnh: Đăng Lê)

Hàng trăm người dân vây kín Bưu điện Thị xã Dĩ An, Bình Dương để làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe sang thẻ PET vì sợ phải sát hạch lại lý thuyết - Ảnh: Đăng Lê.

Sáng 1/12, trao đổi với PV VTC News, ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường Bộ Việt Nam cho biết: “Tổng cục Đường bộ VN và Bộ GTVT đã làm việc với Bộ Tư Pháp về những vấn đề liên quan tới việc chuyển đổi giấy phép lái xe còn thời hạn từ giấy bìa sang vật liệu PET.

Bộ GTVT cũng đã dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đường cao tốc trong Luật Giao thông đường bộ để nhằm phòng chống bằng giả. Trước đây, chúng tôi cũng đã xin ý kiến của Bộ Tư Pháp và các bộ về những vấn đề này”.

Nói về việc người dân bắt buộc phải đổi giấy phép lái xe, ông Huyện cho rằng: “Bộ GTVT cũng sẽ sửa đổi lại thông tư mới, trong tháng mới 12 thông tư sẽ được Bộ trưởng ký ban hành. Người dân đều phải đổi giấy phép lái xe nhưng sẽ không xử phạt, đối với xe máy sẽ được gia hạn tới năm 2020”.

Đề cập tới ý kiến của Bộ Tư pháp cho rằng, việc bắt buộc người dân đổi giấy phép lái xe là thiếu cơ sở pháp lý, ông Huyện khẳng định: “Việc này không sai quy định của pháp luật, đây chỉ là giải pháp để quản lý, tránh tình trạng sử dụng giấy phép giả.

GPLX cơ giới đường bộ có chất liệu bằng giấy đã được các cơ quan có thẩm quyền phát hành và cấp qua quá trình sử dụng, GPLX bằng giấy đã bộc lộ nhiều bất cập như lạc hậu, mức độ bảo mật không cao, dễ bị làm giả, dễ bị tẩy xóa, sửa đổi, dễ bị hư hỏng không thuận tiện cho công tác quản lý, xử lý khi người lái xe vi phạm...”.

Về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Bộ đã nhận được văn bản từ Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) liên quan đến tính hợp pháp của Thông tư số 58 về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ. Bộ cũng đã dự thảo về những vấn đề trên và đồng ý sửa đổi thông tư 58”.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chính thức tuýt còi quy định bắt buộc đổi giấy phép lái xe bìa giấy sang thẻ PET của Bộ Giao thông vận tải.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chính thức "tuýt còi" quy định bắt buộc đổi giấy phép lái xe bìa giấy sang thẻ PET của Bộ GTVT.

Như VTC News đã đưa tin trước đó, Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa có kết luận kiểm tra Thông tư 58/2015/TT-BGTVT (TT-58) ngày 20/10/2015 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

Theo đó, qua rà soát, đối chiếu với các quy định hiện hành, Cục Kiểm tra văn bản QPPL thấy rằng, quyđịnh tại Điều 57 TT-58 nêu trên không có cơ sở pháp lý, không bảo đảm tính thống nhất và tính hợp pháp.

Quy định này dẫn đến cách hiểu việc chuyển đổi GPLX, kể cả trường hợp không thời hạn hoặc còn thời hạn sử dụng từ giấy sang vật liệu PET là bắt buộc. GPLX không thời hạn hoặc còn thời hạn bằng vật liệu giấy bìa không chuyển đổi sang GPLX mới bằng vật liệu PET theo lộ trình quy định sẽ không còn giá trị sử dụng. Người có giấy phép không chuyển đổi sau 6 tháng theo lộ trình nếu muốn được cấp lại thì phải sát hạch lại lý thuyết. Điều này không phù hợp với pháp luật hiện hành.

Để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp) đã có kiến nghị Bộ GTVT: Tổ chức xem xét, xử lý bãi bỏ nội dung quy định tại Điều 57-TT58; Rà soát quá trình thực hiện TT-58 để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định trái pháp luật gây ra (nếu có); Xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã tham mưu xây dựng, ban hành văn bản theo quy định tại Điều 134 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.

Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ GTVT thông báo kết quả xử lý văn bản cho Cục Kiểm tra văn bản QPPL – Bộ Tư pháp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kết luận này theo quy định của Chính phủ.

VTC News sẽ tiếp tục thông tin.

Video: Hà Nội kiểm tra xe chính chủ bằng thiết bị thông minh

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn