Nga thử thành công động cơ 1.000 km/s, cơ hội tới hệ mặt trời cách 40 năm ánh sáng mới phát hiện?

Thế giớiChủ Nhật, 19/03/2017 09:16:00 +07:00

Một nhà khoa học Nga tuyên bố thử thành công động cơ lượng tử phản trọng lực, mở ra cơ hội cho loài người tiếp cận với những hành tinh xa xôi có khoảng cách đo bằng năm ánh sáng.

Các động cơ đẩy hiện nay đều hoạt động dựa trên nguyên lý phản lực. Lực đẩy vật thể về phía trước luôn kèm với sự phóng ra một khối lượng vật chất tương ứng về phía sau.

Chuyển động cơ học cũng cần có các cơ cấu truyền động, trên nguyên tắc sử dụng phản lực để di chuyển. Tuy nhiên với động cơ lượng tử, phản trọng lực thì hoàn toàn khác.

xe tang

 Mô phỏng xe tăng lắp động cơ lượng tử.

Động cơ lượng tử

Động cơ lượng tử được các nhà khoa học Nga thử nghiệm thành công năm 2009. Đến năm 2014, người Nga đã thử nghiệm thành công động cơ có trọng lượng 54kg nhưng tạo ra lực đẩy theo phương thẳng đứng với xung lực có cường độ 500-700kg lực với năng lượng điện tiêu thụ chỉ bằng 1kw.

Với động cơ này, các nhà khoa học Nga đã chế tạo thành công khí tài bay chuyển động với gia tốc lớn gấp 10-12 gia tốc trọng trường (chuyển động rơi tự do), nghĩa là lớn gấp 10-12 lần tốc độ rơi tự do của các vật thể trên bề mặt Trái Đất.

tien sy nga

 Tiến sĩ Vladimir Leonov đang nghiên cứu động cơ phản trọng lực.

Đây là nghiên cứu của nhà khoa học Vladimir Leonov, người từng đạt Giải thưởng Nhà nước Liên bang Nga, cũng là tác giả của nhiều nghiên cứu về lý thuyết siêu hợp nhất (superunification).

Theo ông Lebanov, động cơ tên lửa thông thường có trọng lượng 100 tấn chỉ chở được tải trọng có ích khoảng 5 tấn (hiệu suất 5%), còn động cơ lượng tử trọng lượng 100 tấn có thể chở được 90 tấn hàng (hiệu suất 90%).

Tốc độ tối đa của thiết bị gắn động cơ phản vật chất có thể lên tới 1.000 km/s, nghĩa là tàu vũ trụ có thể bay tới sao Hỏa trong vòng 42 giờ, và tới Mặt Trăng chỉ mất 3,6 giờ. Thời gian di chuyển bằng máy bay có lắp động cơ phản trọng lực giữa Matxcơva và New York sẽ giảm từ 10 giờ xuống còn một giờ.

Thăm dò ý kiến: Theo bạn, việc áp dụng động cơ lượng tử này có khả thi không?

Cơ hội tới hệ mặt trời mới

Ngày 23/2 vừa qua, các nhà khoa học NASA tuyên bố phát hiện ra hệ Mặt trời mới, có 7 hành tinh, trong đó có 3 hành tinh có thể tồn tại sự sống.

Hệ ngoại hành tinh (exoplanet) này được đặt tên là Trappist-1, cách Trái đất khoảng 40 năm ánh sáng, đa số tồn tại ở dạng rắn chứ không phải khí và đủ điều kiện có nước dạng lỏng trên bề mặt.

Trong đó, năm ánh sáng là đơn vị đo khoảng cách, được sử dụng phổ biến trong khoa học vũ trụ. Năm ánh sáng là khoảng cách có thể đi được trong 1 năm với vận tốc ánh sáng, quy đổi tương đương 9.460 tỷ km.

Video: Hệ mặt trời mới, cách Trái đất 40 năm ánh sáng

Giả sử, động cơ lượng tử được nghiên cứu thành công và lắp đặt vào các tàu vũ trụ tương lai với vận tốc đạt 1.000 km/s tức mỗi giờ đi được 3.600.000 km. Nếu duy trì vận tốc này, con người sẽ đến Trappist-1 sau 105.111.111 giờ, số thời gian này tương đương 12.000 năm.

Trong khi đó, hiện nay, tàu thăm dò ghi giữ kỷ lục về tốc độ của loài người là Juno với vận tốc 265.000 km/h khi bay ngang sao Mộc do tác động của lực hấp dẫn của hành tinh này.

Giả sử, nếu tàu này duy trì liên tục được vận tốc đó, thì để đi từ Trái đất tới Trappist-1, con người cần 1.427.924.528 giờ, tương đương 163.000 năm.

So với 163.000 năm của tàu Juno, 12.000 năm của động cơ lượng tử là con số bé hơn rất nhiều, tuy nhiên, tính khả thi để con người có thể đến được Trappist-1, nơi có các hành tinh tương tự Trái đất và nhiều khả năng duy trì được sự sống vẫn chưa rõ ràng.

Tùng Đinh (Tổng hợp)
Chuyên đề: Tin tức Nga
Bình luận
vtcnews.vn