Quốc hội giám sát tối cao về quản lý đất đai đô thị

Thời sựThứ Hai, 27/05/2019 10:32:00 +07:00

Quốc hội dành cả ngày 27/5 để giám sát tối cao tại hội trường việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Đoàn giám sát được thành lập từ tháng 6/2018, có 27 thành viên, do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn.

Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”, Chính phủ hoàn thiện nội dung và báo cáo Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

sai-pham-dat-da-nang-1100364 3

 Lô đất trên đường Bạch Đằng được Đà Nẵng bán không qua đấu giá.

Bên cạnh những việc làm tốt, báo cáo chỉ ra những hạn chế, vướng mắc của chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Một số chủ trương, chính sách của Đảng có tính chất định hướng lâu dài, có tính chiến lược nhưng chưa được thể chế hóa kịp thời do việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đầy đủ, đặc biệt như: Vấn đề kinh tế, tài chính đất đai; Định giá đất theo cơ chế thị trường; Quy hoạch sử dụng đất; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai; Giải quyết các vấn đề phức tạp, có tính lịch sử qua các thời kì như: Đất nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp, đất quốc phòng kết hợp làm kinh tế.

Thực tiễn cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế phát sinh vấn đề mới nhưng cơ chế chính sách hiện hành chưa có quy định đầy đủ để kịp thời điều chỉnh, như: chính sách sử dụng đất cho người nước ngoài, condotel, officetel,…

Một số nội dung quy định trong Luật Đất đai và các pháp luật khác có liên quan có phạm vi điều chỉnh và nội dung chưa thống nhất, thiếu đồng bộ.

Các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật thuộc thẩm quyền ban hành của địa phương còn chưa được ban hành đầy đủ, kịp thời. Văn bản quy phạm pháp luật quy định về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai còn chưa được rà soát, hệ thống hoá thường xuyên và kịp thời. Các quy định về biện pháp, chế tài xử lý vi phạm pháp luật chưa đầy đủ, thiếu quy định về trách nhiệm

thuthiem-2200247-JQOO 4

Sai phạm nghiêm trọng về vấn đề đất đai ở Thủ Thiêm cũng làm nóng dư luận thời gian qua. 

Báo cáo nhấn mạnh đất đai là một vấn đề phức tạp, nhạy cảm, mang tính chất lịch sử, khi giải quyết các vấn đề về đất đai cần xem xét một cách toàn diện, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội vừa phải đảm bảo ổn định chính trị. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng, cùng với việc phát triển khoa học công nghệ, cách mạng Công nghệ 4.0 và biến đổi khí hậu; cùng với điều kiện nước ta là một quốc gia đang phát triển, đất chật, người đông, sự gia tăng dân số và các vấn đề xã hội, quá trình đô thị hóa diễn ra một cách mạnh mẽ gây ra nhiều áp lực đến tài nguyên đất đai. Với dự báo trong khoảng thời gian 20-25 năm tới nước ta bước vào giai đoạn "Đô thị hóa và Phát triển", đặt ra những yêu cầu quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển bền vững các ngành kinh tế - xã hội, đặc biệt ở các đô thị

Từ đó, đoàn giám sát đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và các Luật có liên quan như: Đầu tư, Đầu tư công, Doanh nghiệp, Đấu thầu, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Xây dựng, Quy hoạch đô thị, Xử lý vi phạm hành chính… nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất, đồng bộ; tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, bất cập và phát sinh trong thực tiễn, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí; tạo điều kiện để các luật đi vào cuộc sống, thuận lợi cho công tác tổ chức thi hành; phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia.

Đoàn giám sát cũng đề xuất Chính phủ chủ động rà soát các Nghị định, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của các Bộ, ngành và các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương, trên cơ sở đó, sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh để tạo ra hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, cụ thể, rõ ràng, khắc phục một cách căn bản các tồn tại hiện nay.

Chính phủ cần chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm pháp luật về đất đai, pháp luật về đô thị, chấn chỉnh, khắc phục, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý đất đai đô thị, quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị; Sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Nghị định quy định về Khung giá đất; Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Quy hoạch, Nghị định quy định chi tiết thi hành việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT; Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai; Nghị định quy định về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin,…

Duy Thành
Bình luận
vtcnews.vn