Quốc hội đề nghị không bãi bỏ các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu

Đầu TưThứ Tư, 24/05/2023 10:43:00 +07:00
(VTC News) -

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bãi bỏ các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu được áp dụng ổn định trong thời gian qua để tránh các xáo trộn.

Sáng 24/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Ông Lê Quang Mạnh nêu rõ, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 99 điều (giữ nguyên số chương, tăng thêm 1 điều). Trong đó, bỏ 5 điều và thêm 6 điều, giữ nguyên 21 điều, sửa đổi nội dung 48 điều, chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản 20 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Quốc hội đề nghị không bãi bỏ các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh. (Ảnh: Quochoi.vn)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bãi bỏ các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu đã được áp dụng ổn định trong thời gian qua để tránh các xáo trộn không cần thiết.

Ngoài ra, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Điều 23 quy định về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu; bổ sung quy định rõ, cụ thể hơn về nguyên tắc áp dụng và các trường hợp đặc biệt tại Điều 29 của dự thảo Luật.

Đồng thời, chỉ đạo cơ quan thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về các trường hợp, điều kiện tổ chức đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất cũng như cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư… để bảo đảm tính khả thi, thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Đại biểu Trần Văn Tiến  - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, cần đánh giá tác động trường hợp doanh nghiệp nắm giữ 50% vốn điều lệ.

Ông Tiến cho biết, còn khoảng 19 điều khoản giao cho Chính phủ và một số bộ, ngành quy định hoặc hướng dẫn cụ thể nhưng đến nay chưa thấy dự thảo nghị định và hướng dẫn kèm theo. Đại biểu đề nghị cần bổ sung để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa luật và các văn bản dưới luật để các đại biểu nghiên cứu, cho ý kiến.

Quốc hội đề nghị không bãi bỏ các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu - 2

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến. (Ảnh Quochoi.vn)

Về phạm vi điều chỉnh, Điều 1 dự thảo quy định luật này quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu, thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu, hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh. Đại biểu đặt câu hỏi, hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu và hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh có thuộc hoạt động đấu thầu không? Nếu thuộc hoạt động đấu thầu thì không cần phải nhắc lại tại điều này. Khi đó, Điều 1 được thể hiện lại như sau: Luật này quy định về hoạt động đấu thầu, quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu, thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu.

Tại Điểm b quy định gói thầu trang thiết bị, cơ sở vật chất…cho doanh nghiệp nhà nước, nhưng nếu áp dụng theo phương án 2, thì với doanh nghiệp nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống sẽ do doanh nghiệp quyết định theo Luật Doanh nghiệp, khi đó vốn nhà nước trong doanh nghiệp có thể nắm giữ đến 50% vốn điều lệ nhưng không kiểm soát được. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đánh giá tác động đối với những trường hợp doanh nghiệp có vốn nhà nước nắm giữ đến 50% vốn điều lệ.

Mặt khác, khi doanh nghiệp liên doanh, liên kết với doanh nghiệp khác nhưng tỷ trọng vốn của doanh nghiệp nhà nước thực hiện gói thầu, dự án chưa đến 50% thì được xử lý như thế nào? Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ.

Đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) nêu ý kiến: Về các hành vi bị cấm, cần làm rõ hơn các hành vi bị cấm như “thông thầu, dàn xếp, thỏa thuận”, “cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu”.

Quốc hội đề nghị không bãi bỏ các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu - 3

Đại biểu Lê Thị Song An. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu này cho rằng, hiện nay hành vi gian lận trong đấu thầu rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó nhận biết do chưa có quy định cụ thể. Việc có quy định cụ thể về các hành vi bị cấm sẽ giúp công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu được thi hành công khai, chặt chẽ và minh bạch hơn.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn