Quốc hội đặt mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu 2022

Chính trịThứ Ba, 27/07/2021 18:47:16 +07:00
(VTC News) -

Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 vừa được thông qua đặt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu 2022.

Chiều 27/7, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 với 475/477 đại biểu có mặt tán thành.

"Quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo phương châm bốn tại chỗ với tinh thần chủ động, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo; ứng dụng mạnh mẽ, hiệu quả công nghệ; khẩn trương triển khai chiến lược vaccine toàn diện, hiệu quả, tổ chức chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 cho Nhân dân, phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022", nghị quyết nêu rõ. 

Quốc hội đặt mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu 2022 - 1

Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 với đại đa số đại biểu tán thành. 

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong 5 năm tới, Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Nghị quyết cũng lưu ý cần căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của Nhân dân và an sinh xã hội. 

Quốc hội xác định, trong thời gian tới cần bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. 

Cần đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư, ưu tiên thu hút các nguồn lực phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng, các đô thị lớn, các ngành mũi nhọn, các công trình trọng điểm quốc gia. Phấn đấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP. Lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực ngoài nhà nước, nhất là đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư của mọi thành phần kinh tế còn tồn đọng, kéo dài để sớm đưa vào khai thác, sử dụng, tạo nguồn lực cho phát triển.

Thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài theo hướng ưu tiên các dự án có công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường, giá trị gia tăng cao, có mô hình quản trị hiện đại, có chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng lan tỏa phát triển và kết nối chặt chẽ với khu vực kinh tế trong nước. Tăng cường liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi mang tính cạnh tranh quốc tế đối với các dự án lớn, quan trọng để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn