Quốc hội có bước tiến quan trọng, hết cảnh bê chục kg tài liệu về nghiên cứu

Thời sựThứ Năm, 13/06/2019 11:18:00 +07:00

Việc cung cấp Ipad cho đại biểu Quốc hội ngay từ đầu kỳ họp giúp tiết kiệm chi phí phát tài liệu giấy, tránh được cảnh bê hàng chục kg tài liệu về nghiên cứu.

Bên lề hàng lang Quốc hội, nhiều đại biểu chia sẻ đánh giá chung về kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra. 

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng, một trong các vấn đề được quan tâm nhất tại kỳ họp là các phiên chất vấn. Ở kỳ họp này, các phiên chất vấn có cải cách rõ rệt. Thay vì các các câu hỏi dài trong những kỳ họp trước đây, các phiên chất vấn vừa qua hỏi nhanh, đáp gọn, đi thẳng vào vấn đề.

quoc-hoi 3

 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV. (Ảnh: Duy Thành)

"Hầu hết các trưởng ngành giải đáp được các thắc mắc của các đại biểu. Tuy nhiên cũng có một số người vẫn trả lời loanh quanh, thiếu các thông tin chi tiết, chính xác và thiếu cam kết chắc chắn mà chỉ nói chung chung là sẽ tăng cường, đẩy mạnh, chưa làm cử tri hài lòng", đại biểu Tuấn chia sẻ. 

Cũng theo vị đại biểu đoàn Hà Nội, đây là kỳ họp đầu tiên áp dụng công nghệ 4.0, trong đó có trí tuệ nhân tạo, các phần mềm tiên tiến và tất cả cho thấy hiệu quả.

Ngoài ra, ngay từ đầu kỳ họp, Quốc hội phát cho mỗi đại biểu một chiếc Ipad, trong đó có đầy đủ chương trình kỳ họp đi kèm tài liệu được cập nhật liên tục, giúp cho việc tra cứu trở nên dễ dàng, thuận tiện. 

nguyen quang tuan

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội).

"Đây là một bước tiến quan trọng thay vì phát tài liệu bằng giấy tốn kém. Các kỳ họp trước, chúng tôi phải khiêng về cả chục kg tài liệu, rất khó khăn trong việc đọc và nghiên cứu", ông chia sẻ.

Về vai trò của chủ tọa, vị đại biểu Hà Nội cho rằng, chủ tọa điều hành kỳ họp rất linh hoạt, phù hợp với các tình huống khác nhau.

"Chủ tọa đóng vai trò rất quan trọng cho sự thành công của kỳ họp này", ông  Tuấn nhấn mạnh. 

Cùng quan điểm với ông Tuấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) khẳng định Đoàn Chủ tịch điều hành rất tốt trong suốt kỳ họp, cho thấy sự linh động, nhạy bén, cái tâm, cái tầm trong điều hành. 

"Tôi đánh giá rất cao vai trò của Chủ tịch và các Phó chủ tịch được phân công nhiệm vụ điều hành thông qua nghị quyết, các dự án luật. Một điều đổi mới là Đoàn Chủ tịch rất cương quyết, ngắt những ý kiến phát biểu quá giờ. Điều này sẽ tạo ra tiền đề tốt cho các kỳ họp tới đây", đại biểu Hòa chia sẻ. 

Cũng theo ông Hoà, các đại biểu trong kỳ họp lần này ít vắng mặt hơn so với các kỳ họp trước. Nhiều đại biểu trong các kỳ họp trước rất ít hoặc không phát biểu thì trong lần này đóng góp nhiều hơn. Nhiều ý kiến góp ý vào các dự án luật, nghị quyết rất chất lượng, đáng ghi nhận. 

Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng một vấn đề mà Quốc hội cần nghiên cứu xem xét để chỉnh sửa trong các kỳ họp tới là thời gian thảo luận của các dự luật. 

pham van hoa

Đại biểu Phạm Văn Hòa.  

"Các dự luật liên quan tới nhiều đối tượng thì thời gian thảo luận cần dài hơn như dự thảo luật về Luật lao động sửa đổi, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ công chức, viên chức. Trong khi đó, các luật, dự thảo luật như Luật Xuất nhập cảnh, Luật dự bị động viên vốn... ít đại biểu tham gia ý kiến có thể cắt bớt thời gian", ông đề xuất. 

Về các phiên chất vấn, ông Hòa cho biết điều mà ông quan tâm là lời hứa của các Bộ trưởng sau khi đăng đàn trả lời các thắc mắc của đại biểu. 

"Tôi sẽ giám sát các Bộ trưởng đã trả lời chất vấn để xem họ thực hiện lời hứa với cử tri, đại biểu thế nào. Liệu họ có thực hiện không, thực hiện đến chốn hay nửa vời, thực hiện tổ chức trách nhiệm như thế nào, ra làm sao. Tôi sẽ giám sát vấn đề này", đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn