Quốc hội cho Hải Phòng được hưởng cơ chế đặc thù về tài chính ngân sách

Thời sựThứ Hai, 15/05/2017 20:12:00 +07:00

Chiều 15/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với TP Hải Phòng theo tinh thần Nghị quyết 32, Kết luận 72 của Bộ Chính trị.

Lo ngại tỉnh nào cũng xin "cơ chế đặc thù"

Trước đó, ngày 15/02/2017, Chính phủ có tờ trình trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách của thành phố Hải Phòng.

Tờ trình nêu rõ, Hải Phòng hiện là trung tâm, động lực phát triển kinh tế của cả vùng. Việc xây dựng cơ chế chính sách tài chính đặc thù đối với Hải Phòng là phù hợp, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Hinh anh

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho biết, sau khi được hưởng cơ chế đặc thù về tài chính ngân sách, Hải Phòng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.

Cơ chế đặc thù này nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của thành phố; tạo điều kiện để thành phố phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại, trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao; là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước; trung tâm giáo dục – đào tạo, y tế và khoa học - công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của khu vực phía Bắc và hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.

Qua đó, Hải Phòng sẽ làm đầu tàu kéo theo sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng, khu vực và cả nước nói chung.

Hinh anh

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho Hải Phòng hưởng cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách.

Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét mức dư nợ vay của ngân sách thành phố không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp (theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, thành phố Hải Phòng được vay không quá 30%); đề nghị xem xét bổ sung có mục tiêu cho thành phố 70% số tăng thu so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% bao gồm cả thuế giá trị gia tăng hàng hóa nhập khẩu.

Chiều nay, sau khi nghe trình bày tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính – Ngân sách, các ý kiến phát biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với tờ trình của Chính phủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận, cần phải ban hành Nghị định quy định một số cơ chế chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng để tạo điều kiện cho thành phố đột phá và phát triển kinh tế xã hội.

Theo đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho phép thành phố huy động vốn đầu tư ở mức không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân sách nhà nước hằng năm.

Nhất trí hằng năm ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho thành phố Hải Phòng 70% số tăng thu so với dự toán thu được giao từ khoản thu phân chia dưới ngân sách Trung ương và các địa phương, và khoản thu ngân sách Trung ương được hưởng 100% nhưng không vượt quá số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện năm trước.

Dù vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nhấn mạnh, Nghị định phải lưu ý không dùng một số từ ngữ như “ưu tiên”, “hỗ trợ lãi suất”. Ngoài ra, vấn đề đặc thù ở đây rất trọng tâm, đó là chỉ tập trung cho các thành phố trực thuộc Trung ương chứ không tràn lan.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội bày tỏ băn khoăn: “Theo Điều 74 của Luật Ngân sách Nhà nước thì Tờ trình của Hải Phòng lên Quốc hội xin cơ chế tài chính ngân sách đặc thù là không sai, hoàn toàn đúng luật.

Đúng luật thì tất nhiên ít ai là không đồng ý. Tuy nhiên, tôi vẫn có chút băn khoăn. Tôi xin được hỏi Chủ nhiệm Uỷ ban Ngân sách Quốc hội rằng nếu như tất cả các tỉnh đều xin cơ chế tài chính ngân sách đặc thù cả thì sao? Bởi tỉnh nào cũng có đặc thù của tỉnh mình cả. Bây giờ mà vài chục tỉnh cũng xin như thế thì sẽ như thế nào?”.

Chỉ có 5 thành phố được hưởng "cơ chế đặc thù"

Trước sự băn khoăn của bà Nga, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng giải thích: “Thực tế thì Bộ Chính trị chỉ có Nghị quyết về 5 thành phố trực thuộc Trung ương đó là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Riêng Hà Nội còn có Luật Thủ đô. Và 5 thành phố này được quy định rõ ràng, chỉ có 5 thành phố này thôi, chứ không có nhóm tỉnh nào nữa.

Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng có kết luận cho một tỉnh rất đặc biệt đó là Nghệ An. Chỉ có thế chứ không thêm tỉnh nào nữa. Những thành phố đặc thù này cũng vì lợi ích chung cho sự phát triển đất nước chứ không phải riêng địa phương”.

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu Võ Trọng Việt, Lê Thị Nga... đã có ý kiến về vấn đề này. “Xuất phát từ ba nội dung trên tôi cho rằng, cần ban hành Nghị quyết để có chính sách đặc thù cho thành phố Hải Phòng, để thành phố có điều kiện phát triển”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ quan điểm.

Phát biểu tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho biết, trong 2016, Hải Phòng thu ngân sách đạt 62.000 tỷ đồng, nộp trung ương 50.000 tỷ đồng. Thu nội địa chỉ có khoảng hơn 20.000 tỷ, địa phương giữ lại hơn 10.000 tỷ đồng cho ngân sách.

Tuy nhiên, Hải Phòng chi cho hoạt động thường xuyên chiếm khá nhiều trong khi nguồn lực để lại cho địa phương rất ít, hạ tầng giao thông kém, cần phải đầu tư nâng cấp, xây mới...

Như vậy, sau thành phố Đà Nẵng (tháng 7/2016), thành phố Hải Phòng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý nới khung đặc thù về tài chính, ngân sách để thành phố này có nhiều nguồn lực hơn cho đầu tư, xây dựng và phát triển.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn