Quốc gia EU đầu tiên ngừng mua khí đốt từ Nga

Thời sự quốc tếChủ Nhật, 03/04/2022 18:43:24 +07:00
(VTC News) -

Chính phủ Litva ngày 2/4 cho biết họ đã ngừng mọi hoạt động mua khí đốt từ Nga, sau tối hậu thư của Tổng thống Putin.

Theo RT, động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu tất cả các quốc gia “không thân thiện” phải trả tiền mua khí đốt bằng đồng rúp, trong bối cảnh Moskva đang phải hứng chịu biện pháp trừng phạt nặng nề của Mỹ và châu Âu liên quan đến cuộc xung đột Ukraine.

“Trong trường hợp này, yêu cầu của Nga về thanh toán khí đốt bằng đồng rúp là vô nghĩa vì Litva không còn đặt hàng mua khí đốt của Nga và không có kế hoạch sử dụng đồng rúp để thanh toán hợp đồng mua khí đốt”, Bộ Năng lượng Litva cho biết trong một tuyên bố.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Litva Dainius Kreivys, nước này là quốc gia đầu tiên trong khối Liên minh châu Âu (EU) cắt giảm hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt từ Nga.

“Đây là kết quả của chính sách năng lượng chặt chẽ, rõ ràng và những quyết định kịp thời về cơ sở hạ tầng”, ông Kreivys nhấn mạnh.

Quốc gia EU đầu tiên ngừng mua khí đốt từ Nga - 1

Litva quyết định ngừng mua khí đốt từ Nga và nhập khí đốt từ nguồn cung khác thông qua cảng Klaipeda. (Ảnh: polandatsea)

Cũng theo Bộ Năng lượng Litva, hệ thống phân phối khí đốt của Litva vẫn hoạt động mà không cần bất cứ nguồn cung nào từ Nga kể từ ngày 1/4, thời hạn chót mà ông Putin đặt ra cho việc thanh toán khí đốt bằng đồng rúp. Theo tuyên bố của Bộ trưởng Kreivys động thái nói trên được đưa ra nhằm đáp trả “hành vi tống tiền năng lượng của Nga” và cuộc xung đột tại Ukraine.

Trước đó Tổng thống Putin yêu cầu các khách hàng của nước này phải mở tài khoản bằng đồng rúp tại các ngân hàng Nga để thanh toán tiền khí đốt của họ.

“Nếu các khoản thanh toán như vậy không được thực hiện, chúng tôi sẽ coi đây là sự vi phạm hợp đồng của đối tác trong việc tuân thủ các nghĩa vụ của mình”, ông Putin trong một cuộc họp báo vào hôm 31/3.

Đáp lại, Đức và Áo đã kích hoạt các kế hoạch khẩn cấp về việc phân chia lại các nguồn cung khí đốt hiện có.

Tất cả nguồn cung cấp khí đốt của Litva hiện nay đều thông qua cảng nhập khẩu khí đốt tự nhiên (LNG) Klaipeda giáp bờ biển Baltic. Bộ Năng lượng Litva cho biết, cảng Klaipeda LNG sẽ tiếp nhận 3 chuyến hàng lớn mỗi tháng. Ngoài ra khí đốt cũng có thể được cung cấp qua các tuyến liên kết với Latvia và Ba Lan trong trường hợp cần thiết, nhưng họ không tiết lộ nguồn cung khí đốt có được từ đâu.

Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt nhập khẩu của các quốc gia EU và khoảng 1/3 sản lượng dầu mỏ. Trước đó, Tổng thống Litva Gitanas Nauseda đã kêu gọi các thành viên EU cắt giảm cả khí đốt và dầu nhập khẩu từ Nga.

"Châu Âu phải ngừng mua khí đốt và dầu của Nga bởi vì điện Kremlin đang sử dụng số tiền này cho các hoạt động quân sự ở Ukraine", ông Nauseda phát biểu với báo chí ngày 31/3.

Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết hôm 1/4 rằng một số quốc gia, bao gồm cả nước ông sẽ không thể thay thế nguồn cung cấp khí đốt từ Nga. Còn Chủ tịch Liên đoàn các ngành công nghiệp Đức Siegfried Russwurm cho biết hôm 31/3 rằng ngành công nghiệp Đức sẽ "sụp đổ" nếu mất đi nguồn cung khí đốt của Nga.

Trà Khánh(Nguồn: RT)
Bình luận
vtcnews.vn