Quê hương nhìn từ bên kia bán cầu

Tổng hợpThứ Bảy, 04/09/2010 11:54:00 +07:00

Với tôi, chuyến đi nào cũng có những điều đáng nhớ, không ít thì nhiều. Như lần này, điều đáng nhớ đầu tiên xảy ra ngay khi vừa đặt chân xuống phi trường.

Nhận nhiệm vụ từ lãnh đạo Đài, chúng tôi sang Mỹ để tham dự Triển lãm công nghệ truyền hình Nab Show 2010 diễn ra tại Las Vegas và tìm hiểu về mạng phát thanh truyền hình internet www.vtc.com.vn Với tôi, chuyến đi nào cũng có những điều đáng nhớ, không ít thì nhiều. Chẳng hạn như lần này, điều đáng nhớ đầu tiên xảy ra ngay khi vừa đặt chân xuống phi trường Los Angeles.

 

Cuộc sống của những người Việt xa xứ

 

Phi trường Los Angeles là một thế giới hoàn toàn khác so với những gì mà tôi đã tưởng tượng. Hiện đại, to lớn và rộng khủng khiếp. Sử dụng bất cứ thứ gì cũng phải mất tiền, ví dụ như  việc muốn lấy xe đẩy chở hàng tại sân bay bạn phải chi 4 đô la Mỹ. Điều này thật khác biệt với sân bay ở Việt Nam chúng ta có thể thoải mái lấy xe đẩy chở hàng miễn phí.

Đón chúng tôi tại phi trường Los Angeles là anh Phúc một Việt kiều sống tại Cali hơn 20 năm (nhân viên của công ty EASTWEST chuyên sản xuất băng đĩa  tại Cali). Trên đường chở chúng tôi về khách sạn nằm trên đường Bolsa anh kể: người Việt mình khi mới bắt đầu bước chân đến Mỹ thường gặp nhiều khó khăn, chật vật trong việc hòa nhập với văn hóa Mỹ. Ở Mỹ một người có thể phải làm hai, ba việc mới đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Ngoài một số người Việt có học vấn cao đã thành danh trong một số ngành như bác sĩ, kỹ sư, kinh doanh thì họ có thu nhập cao, ổn định. Còn lại, phần đông người Việt quanh năm tất bật với cuộc sống mưu sinh kiếm tiền bằng các nghề như: phục vụ nhà hàng, giúp việc… “Dù vất vả, lăn lộn quanh năm, nhưng rất nhiều người trong số họ vẫn không thể nào có đủ tiền mua vé máy bay về thăm quê” - anh Phúc trầm ngâm nói.

Trong khi đang say sưa giới thiệu cho chúng tôi về nước Mỹ bỗng… Rầm. Mọi người ngả nghiêng, dúi dụi vào ghế mặt mày tái mét vì sợ. Xe anh Phúc chở chúng tôi đã đâm bẹp đuôi xe của một chiếc xe Mercedes chạy phía trước.

Tôi thầm nghĩ để giải quyết vụ này chắc cả đoàn chúng tôi phải đến đêm mới về  được đến khách sạn. Nhưng thật bất ngờ, cô gái lái chiếc xe bị anh Phúc “tông” vào không tỏ thái độ bực tức mà còn cười tươi bước xuống đưa giấy tờ của mình cho anh Phúc. Hai người trao đổi giấy tờ với nhau, không một lời to tiếng! Chỉ mấy phút sau, xe chở đoàn tiếp tục lại lăn bánh. Trên xe tôi có trêu anh Phúc: anh đi như vậy ở Việt Nam là oán

 
h nhau to rồi đó. Anh Phúc bật cười: Ở Mỹ khi hai xe đụng nhau sẽ được giải quyết rất nhanh bằng bảo hiểm, do vậy hầu như không bao giờ có hiện tượng to tiếng. Nhưng tiền sửa xe cũng mắc lắm, cỡ phải tốn hơn 1.000 đôla Mỹ cho những lỗi như thế này.

Thấy thời gian vẫn còn sớm, anh Phúc tranh thủ đưa chúng tôi ghé thăm chợ người Việt tại Bolsa. Ở đây khá đầy đủ các mặt hàng mang hương vị quê nhà: cửa hàng trái cây bà Tư với đủ loại trái cây ba miền như: mít tố nữ, chuối, măng cọp… các cửa hàng ăn như: bún bò Huế, Phở, cơm tấm, thậm chí tại cửa hàng Thái Sơn lúc nào cũng rất đông khách bởi đặc biệt có món bánh cuốn Thanh Trì một đặc sản nổi tiếng của Hà Nội.

Tôi bắt chuyện với một nhân viên nữ tại cửa hàng bánh mỳ. Chị đã sang Mỹ hơn 20 năm nay nhưng cuộc sống vẫn còn tạm bợ. Ở Mỹ lâu nhưng vốn tiếng Anh của chị rất ít bởi công việc của chị chủ yếu chỉ tiếp xúc với bà con Việt kiều. Chị chia sẻ: “Hết giờ làm việc là tôi về nhà. Tiếng Anh của tôi không được tốt lắm cho nên tôi thường vào mạng, vào các trang báo điện tử của Việt Nam để đọc tin tức. Tôi thấy Việt Nam mình ngày một phát triển, người dân mình không nghèo như xưa nữa. Bà con Việt kiều thường xem các chương trình truyền hình qua trang web: www.vtc.com.vn. Chứng kiến Việt Nam đang đổi thay hàng ngày, chúng tôi mừng lắm. Cứ mỗi lần xem chương trình về Việt Nam, tôi lại thấy nhớ quê chảy nước mắt, nơi đó còn rất nhiều người thân yêu của tôi đang sinh sống...”

 

Mạng phát thanh truyền hình internet VTC với kiều bào Mỹ

 

Những ngày ở Cali chúng tôi đã có dịp đến thăm nhiều gia đình Việt kiều cư trú, học tập và làm ăn tại Mỹ. Hiện có khoảng gần 4 triệu Việt kiều sinh sống, làm ăn khắp nơi trên thế giới, trong đó số Việt kiều định cư tại Hoa Kỳ chiếm ½. Bang California là bang có số Việt kiều sinh sống đông nhất tại Mỹ.

Thời tiết tại California khá đẹp. Do được thiên nhiên ưu đãi nên khí hậu ở California khá giống với Việt Nam. Và có lẽ cũng vì vậy mà nhiều người dân Việt kiều chọn nơi đây làm nơi sinh kế. Chúng tôi đến thăm gia đình bà Đỗ Thị Trúc - một Việt kiều thế hệ đầu tiên tại Mỹ. Là người hoài cổ bà Trúc đã bày biện, trang trí cho ngôi nhà của mình sao cho luôn có được không khí, dư vị của quê nhà. Hàng ngày, khi con cháu đi làm hết, chỉ còn lại một mình, ngoài việc chăm tỉa mấy cây cảnh cất công đem từ Việt Nam sang bà đều dành thời gian để truy cập trang web: www. vtc.com.vn để vơi đi nỗi nhớ quê hương. Bà tâm sự: những lúc như thế này mới thấy hết được giá trị và sự cần thiết của việc liên hệ thông tin giữa cộng đồng Việt kiều với nước nhà. Với bà Trúc, dường như sau những giờ phút cập nhật thông tin trong nước, tình cảm dành cho quê hương như được nhân lên gấp bội. Gặp đoàn phóng viên từ Việt Nam sang bà mừng lắm. Bà hăng hái đưa chúng tôi đến thăm mấy gia đình Việt kiều khác. 74 tuổi nhưng trông bà trẻ hơn nhiều so với tuổi của mình, đích thân bà lái xe đưa chúng tôi đi thăm Cali. Bước lên, mọi người trong đoàn liếc nhìn nhau có vẻ hơi “cam-mơ-run” vì không tin vào tay lái của cụ bà 74 tuổi. Nhưng chỉ sau vài phút, mọi người đều thở phào vì bà vẫn điều khiển xe rất “lụa” chả kém gì thanh niên. Theo bà Trúc, ở bên Mỹ mà không tự lái xe được thì như người bị cụt chân.

Đi với bà, chúng tôi được gặp gỡ với anh Nông Văn Phong - một gia đình trẻ thuộc thế hệ Việt kiều thứ 2 và thứ 3 tại Mỹ.  Định cư tại đây đã gần 20 năm, nhu cầu tìm hiểu thông tin từ trong nước và dạy tiếng Việt cho các con được anh rất quan tâm. Anh Phong tâm sự: mặc dù về nhà lúc nào vợ chồng anh cũng nói tiếng Việt, song những rắc rối bắt đầu khi các con anh dần khôn lớn, mỗi ngày hơn 8 giờ liên tục chúng học ở trường, hoàn toàn sử dụng tiếng Anh.  Xác định rõ, việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái cũng quan trọng như việc định hướng cho các con hiểu về văn hoá Việt, về ý thức truyền thống, phong tục tập quán, về nguồn gốc tổ tiên… vợ chồng anh đã tìm mọi cách để dạy các con nói thạo tiếng Việt. Họ khuyến khích các con xem, nghe và tìm hiểu văn hoá Việt trên các trang mạng phát thanh truyền hình internet  như www.vtc.com.vn. và qua những chương trình học tiếng Việt trên truyền hình của VTC.

Tại California, ngoài số Việt kiều làm nhân viên, công tác tại các nhà máy, cửa hàng, cũng có khá nhiều trí thức, nhà khoa học làm việc trong các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm khoa học kỹ thuật. Một số ít thành lập công ty làm ăn buôn bán riêng. Qua sự giới thiệu của hội Việt kiều nơi đây, chúng tôi đến thăm một công ty chuyên kinh doanh dịch vụ viễn thông khá thành đạt. Công ty VNN tại Brookhurst. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, trong khuôn viên nhỏ gọn, ấm cúng, chúng tôi đã thực sự ngạc nhiên khi thấy được sự hiện diện khá phổ biến của mạng phát thanh truyền hình Internet Việt Nam. Hầu như người Việt nào tại công ty này cũng biết và thường xuyên truy cập trang web: www.vtc.com.vn. Tận mắt chứng kiến, chúng tôi càng thấy được vai trò và sự cần thiết của truyền hình internet với những người Việt Nam xa quê. Bà Jennifer Huỳnh – nhân viên Công ty VNN cho chúng tôi biết: Chỉ cần một máy tính nối mạng internet, VTC đã cho bà cơ hội được sống gần quê hương dù xa cách nửa vòng trái đất.


Tháng 11/2003, Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC trở thành đơn vị đầu tiên triển khai thành công mạng phát thanh, truyền hình trực tuyến qua internet. Kể từ thời điểm này, kết nối thông tin đã không còn khoảng cách. Dù ở bất cứ nơi đâu trên trái đất, chỉ cần có chiếc máy tính nối mạng, vào địa chỉ www. vtc.com.vn, bà con kiều bào Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài đều có thể truy cập trực tuyến nhanh chóng nắm bắt thông tin bằng hình ảnh sống động về mọi diễn biến hàng ngày trên quê hương, đất nước, qua đó hiểu rõ và đúng hơn về sự nghiệp phát triển, đổi mới chung của đất nước đồng thời giúp bè bạn quốc tế có thêm điều kiện hiểu biết hơn về đất nước, con người Việt Nam.

Với đường truyền băng thông rộng mạng phát thanh truyền hình internet Việt Nam www.vtc.com.vn hiện đang phát  trực tuyến hơn 10 kênh truyền hình Việt Nam (Các kênh sóng của Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC như: VTC1, VTC2, VTC8, VTC9, VTC10, VTC16  hệ thống kênh phát sóng của Đài truyền hình Việt Nam từ kênh VTV1 đến kênh VTV4, Đài truyền hình Hà Nội, Đài truyền hình TP. HCM như: HTV7, HTV9 và 4 kênh phát thanh  của Đài tiếng nói VIệt Nam : VOV1, VOV2, VOV3, VOV5). Các Bản tin thời sự của Đài VTC và VTV : Vietnam Online, Bản tin thời sự VTC1, Bản tin thời sự VTV đều được cập nhật hàng ngày trên website: www.vtc.com.vn.

 Nhà báo Hoài Thu

Phó Giám đốc Kênh VTC1

Bình luận
vtcnews.vn