Quất cảnh sau Tết: "Tiểu thư" thành "gái đứng đường"

Thời sựThứ Hai, 22/02/2010 02:24:00 +07:00

(VTC News) - Trước Tết, quất được nâng niu như "tiểu thư" trong nhà. Nhưng sau Tết, nàng "tiểu thư" đó bỗng chốc thành... "gái đứng đường"!

(VTC News) - Trước Tết, quất được nâng niu như "tiểu thư" trong nhà. Nhưng sau Tết, nàng "tiểu thư" đó bỗng chốc thành phận... "gái đứng đường".

Trước Tết, quất được coi là “thú chơi” tao sang, nho nhã, có người sành điệu móc hầu bao tới 40 triệu đồng cho một cây quất thế. Thế nhưng sau Tết, quất trở thành một thứ rác thải “vô duyên vô cớ” chềnh ềnh ra giữa đường, cản trở giao thông đi lại của người dân và là nỗi ám ảnh của không ít người quét rác.


 Chậu dù đẹp, quất dù còn sai quả nhưng cũng chịu chung
số phận... “đứng đường” 

Gánh nặng “lao công”

Ngày thường, chiếc xe ba gác của chị Lan chuyên chở rác thải cho khu tập thể Đ ở ngã  tư Vọng chỉ đi một vòng là vừa đủ. Nhưng sau Tết, chị cùng anh chị em trong đội phải tăng thêm ca để “giải quyết” số quất cảnh tồn đọng được trút ra vỉa hè.

Dù đã rất cố gắng nhưng người lao công đành phải chừa lại cây quất dành cho chuyến sau. 

Chị cho biết, hơn 200 hộ trong khu, bình quân mỗi nhà “đẩy” ra đường một cây quất. Mới chỉ tính mỗi cây quất nhỏ đường kính 70cm, nặng nửa tạ, thì số quất của cả khu tập thể này quy ra “rác” sẽ lên đến hàng chục tấn. Nếu chỉ chở “quất rác” không thôi cũng phải mất hàng chục chuyến xe tay. Chưa kể các loại rác thông thường khác cũng tăng đột biến sau Tết. Mỗi sáng nhìn cảnh những cây quất với ụ đất nặng trình trịch nằm chềnh ềnh bên đường, các chị lại lắc đầu ngán ngẩm hình dung ra một ngày làm việc nặng nhọc.

Cứ một đoạn ngắn, lại có một cây quất được vất bên lề đường Trương Định 

Dọc theo những phố Thanh Nhàn, Giải Phóng, Trương Định, Kim Ngưu, Nguyễn An Ninh, Tôn Thất Tùng, Lò Đúc,… chiều tối ngày 21/02/2010, theo quan sát của PV VTC News, đã hình thành những “bãi rác” quất cảnh ven đường. Đặc biệt, dọc đường Trương Định, cứ khoảng 5 – 10m lại “án ngữ” một cây quất to vật dưới lòng đường, cản trở giao thông đi lại.

Quất cản trở đi lại trên đường Thanh Nhàn 

Không chỉ có loại quất quả thông thường, nhiều loại quất thế kiểu dáng khá bắt mắt cũng chịu chung số phận. Sáng nay (ngày mùng 9 Tết), hầu hết các gia chủ, đặc biệt là các hộ kinh doanh bắt đầu mở cửa, cuối ngày hôm qua đã nhanh chóng tìm cách “tống khứ” thật nhanh những món đồ chơi xa xỉ này cho rộng chỗ, để khỏi chật nhà.

Theo các nhân viên môi trường, từ ngày hôm nay trở đi có lẽ số quất bỏ đi sẽ nhiều hơn. Nếu không có sự thu gom dọn dẹp khẩn trương, nhiều con phố Hà Nội sẽ ngập tràn quất rác.

Trong đêm tối, quất cảnh "nằm" đường thế này có thể gây tai nạn giao thông 
 
“Điều đáng nói là không phải ai cũng tuân thủ việc mang quất cảnh ra xe rác theo đúng quy định. Nhiều nhà rình tới đêm tối mang quất ra bỏ vung vãi đầu đường, xó chợ, mất mỹ quan, cản trở giao thông, gây không ít khó khăn cho việc thu gom”. Anh Nguyễn Văn Minh – Nhân viên môi trường tại khu vực Lê Thanh Nghị tâm sự.

Anh Minh cũng giãi bày nỗi khó khăn, vất vả của những người quét rác khi đối phó với những cây quất vứt vội bên lề đường: “Có nhiều cây lớn, chúng tôi phải chặt ra từng khúc nhỏ mới bỏ được vào thùng rác, nhiều cây vẫn còn nguyên ụ đất to, các nữ lao công không thể bê vác nổi, phải mấy người khiêng”.

Mới sáng ra, ngõ 95 Giải Phóng đã lù lù một đống quất rác

Tận dụng giống quí mùa sau

Ngẩn ngơ nhìn cây quất bị bỏ đi, bác Vũ Văn Dũng  (ngõ 93 Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân, Hà Nội) bộc bạch trong tiếc nuối: “Đây là món quà của cậu con trai tặng bác nhân dịp năm mới. Giá 7 triệu đấy, chưa kể tiền xe chở về 200.000 đồng và tiền chậu 600.000 đồng. Hết Tết rồi, nhà không có đất để trồng, đành phải vất bỏ thôi”.

Nỗi buồn của gia đình trong nội thành không có điều kiện lưu giữ quất cảnh lại trở thành niềm vui với nhiều nhà vườn ngoại thành Hà Nội. Theo các hộ trồng quất, năm nay, “ăn theo” giá cả thị trường, giá mua cây giống mới tăng vọt. Giá cả đắt đỏ nên nhiều nhà vườn đã “tận dụng” xin, mua lại cây của các khách hàng mua quất trong dịp Tết vừa rồi.

Vào những ngày đầu năm này, người đi đường thường xuyên gặp những xe tải, xe máy chở những cây quất loại thải trên đường phố. Những cây quất được các xe thồ chở về vườn riêng của mình, ươm và năm sau tiếp tục bán.

Tùy giá trị của cây quất mà các xe thồ sẽ định giá mua cho từng cây. Thông thường, các xe thồ mua quất với giá “bèo”, khoảng 5 – 10% so với giá trị thực lúc bán.

Anh Đỗ Hữu Huân (SDT: 0904900xxx), người chuyên đi thu gom quất cho các hộ trồng quất ở Tây Hồ, mấy ngày nay tất tả đi lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm. Cứ thấy nhà ai có cây quất to đang trưng bày trong nhà, anh dừng xe hỏi. Anh hi vọng: Sau đợt nghỉ Tết dài ngày, quất cũng đã rụng rất nhiều quả, nhiều hộ gia đình sẽ sẵn sàng “biếu không”.

Vừa khệ nệ bê cây “ngũ phúc” từ nhà một người quen, mừng như bắt được vàng, anh Huân cho biết: “Năm nào, tôi cũng tranh thủ vào thời gian này để đi hỏi mua ở các hộ gia đình chơi cây cảnh. Cây này trước Tết trị giá 5 triệu đồng đấy nhưng giờ chỉ 20 nghìn thôi. Đôi khi với một tờ lì xì 10 nghìn đồng, tôi có được một cây rất tuyệt. Mình khéo nắm bắt tâm lý khách, trò chuyện vui vẻ, sẽ mua được với giá rất rẻ, thậm chí là không mất đồng nào mà còn được cảm ơn vì “dọn sạch nhà” giúp họ”.

Không chỉ có những thợ thu gom quất, nhiều người đi đường cũng bỗng nhiên "nhặt" được cây quất đẹp về nhà 

Trong khi các xe thồ có vẻ nhanh tay, nhanh chân mua lại được các cây quất thế, đẹp cho mùa xuống giống năm sau thì các chủ  vườn nổi tiếng “khó tính” trong việc mua lại quất, do không có nhiều đất để ươm trồng.

Gia đình anh Chung, phường Tứ Liên cho biết: Trong số 300 cây đã bán chỉ thu hồi khoảng 3, 4 cây. Đây phải là những cây quất có thế đẹp, lâu năm. Mỗi lần bán những cây có thế đẹp, nhiều tầng, tán, có tuổi thọ mấy chục năm, anh đều ghi tên, địa chỉ, số điện thoại để ra giêng đến tận nhà “xin” lại. Với những người khách quen này, các nhà vườn đều có chế độ ưu đãi, khuyến mãi vào năm sau, gọi là “có đi có lại”. Có thể giảm giá chút ít, tặng thêm cái chậu, hay chi trả thêm tiền xe ôm (xe tải) vận chuyển về tận nhà. Người mua có thể lấy lại cây cũ cho phù hợp với diện tích nhà mình hoặc cũng có thể mua cây mới để thay đổi “mốt”.

Đây cũng là cách thuận lợi, độc đáo để “câu khách”, giữ khách của các chủ nhà vườn, chuẩn bị cho mùa thu hoạch tới.

Bài, ảnh: Tiểu Phương

Bình luận
vtcnews.vn