Quảng Nam, Quảng Ngãi 'làm ngơ' trước khó khăn của nông dân: Lãnh đạo tỉnh phản pháo

Thời sựThứ Ba, 14/04/2015 07:33:00 +07:00

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi lên tiếng trước thông tin các cơ quan này phớt lờ việc hỗ trợ người trồng dưa trong giai đoạn khó khăn.

(VTC News) - Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi lên tiếng trước thông tin các cơ quan này phớt lờ việc hỗ trợ người trồng dưa trong giai đoạn khó khăn.

Chính quyền giấu diếm số lượng dưa bị tồn đọng?

Từ 2 tuần trước, việc dưa hấu bị ùn ứ ở cửa khẩu, xuất khẩu nhỏ giọt sang Trung Quốc đã khiến bà con nông dân trồng dưa tại một số tỉnh miền Trung lâm vào cảnh điêu đứng.

Dưa chín đầy đồng ruộng nhưng bà con không thể thu hoạch vì không biết bán cho ai. Một số tiểu thương lợi dụng tình hình này để ép giá dưa giá vài trăm đồng một kg.

Nhằm giúp bà con nông dân thoát khỏi một vụ mùa tay trắng, khoảng đầu tháng 4 trở lại đây, nhiều cá nhân, tổ chức đã bỏ ra cả tỷ đồng để thu mua, nói đúng hơn là bán giúp dưa cho nông dân.

Người trồng dưa đáng dần thoát khỏi một vụ mùa trắng tay nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng

Trong khi nhiều cá nhân sẵn sàng bỏ tiền túi ra để bao tiêu sản phẩm cho bà con thì có ý kiến cho rằng, chính quyền địa phương dường như không có bất cứ động thái nào nhằm giúp nông dân trên địa bàn tiêu thụ dưa trong thời điểm khó khăn này.

Liên quan đến vấn đề trên, phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với anh Đặng Như Quỳnh - người đứng đầu một nhóm tiêu thụ dưa hấu giúp bà con nông dân những ngày qua.

Anh Quỳnh cho biết, anh bắt đầu vào thu mua dưa giúp bà còn nông dân Quảng Nam từ 6 ngày trước. Trong thời gian này, nhóm của anh không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía chính quyền địa phương, cụ thể là UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương...

“Trong quá trình chúng tôi thu mua dưa, chỉ có UBND cấp xã là quan tâm tới việc tiêu thụ dưa cho bà con. Họ cử người tới giúp chúng tôi và nông dân phân loại, kiểm tra chất lượng, vận chuyển lên xe... Trong khi đó, cấp huyện và tỉnh không có hỗ trợ gì, thậm chí còn không cung cấp số liệu thực tế về tình trạng dưa của bà con bị tồn đọng.

Nếu ngay từ đầu, các cơ quan chức năng, cụ thể là UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn... huy động phương tiện giúp bà con vận chuyển dưa sáng các huyện, tỉnh khác để tiêu thụ, hoặc liên hệ với các doanh nghiệp, công ty bao tiêu hàng hóa cho bà con... thì lượng dưa bị tồn đọng không lớn như bây giờ và bà con cũng không đến mức phải điêu đứng như vậy”, anh Quỳnh cho hay.

Các tình nguyện viên tham gia phân loại, bốc xếp dưa

Theo anh Quỳnh, khi biết dưa hấu của bà con tỉnh Quảng Nam bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, anh đã tới gặp lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để hỏi tình hình và đặt vấn đề bao tiêu dưa hấu giúp bà con nông dân. Nhưng cơ quan này cho biết là dưa của người dân trồng trên địa bàn không bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Tuy nhiên, khi anh Quỳnh đi khảo sát trên thực tế thì nhận thấy có khoảng 185 tấn dưa của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bị ảnh hưởng bởi mưa lũ và người trồng chưa biết tiêu thụ ra sao.

“Nhiều tiểu thương đã lợi dụng tình hình này để ép bà con bán với giá chỉ khoảng 600đ/kg. Để bà con có lợi hết mức có thể, chúng tôi đã mua lại toàn bộ 185 tấn dưa nói trên với giá 3.000đ/kg”, anh Quỳnh nói.

 

Khi tôi hỏi bên tỉnh thì cơ quan này cho biết số lượng dưa tồn đọng trên địa bàn là không đáng kể, chỉ có vài chục tấn. Tuy nhiên, khi tôi làm việc với một xã đầu tiên thì số lượng dưa tồn đọng đã lên tới gần 200 tấn.
Anh Đặng Như Quỳnh
 
Được biết, song song với việc vào Quảng Nam nhập dưa, anh Quỳnh đã thực hiện chiến dịch truyền thông kêu gọi mọi người mua dưa ủng hộ bà con miền Trung. Chính vì vậy, chưa đến 1 tuần, toàn bộ 185 tấn dưa nói trên đã được nhóm anh Quỳnh vận chuyển ra Hà Nội và tiêu thụ hết.


Cũng theo anh Đặng Như Quỳnh, hiện số dưa tồn đọng của bà con tỉnh Quảng Nam về cơ bản đã được tiêu thụ hết. Kể từ hôm nay, nhóm của anh Quỳnh sẽ bắt đầu tiến hành thu mua dưa cho bà con ở tỉnh Quảng Ngãi.

Khi nói về vai trò của chính quyền tỉnh Quảng Ngãi trong việc tiêu thụ dưa giúp nông an, anh Quỳnh cũng tỏ ra ngán ngẩm:

“Khi tôi hỏi bên tỉnh thì cơ quan này cho biết số lượng dưa tồn đọng trên địa bàn là không đáng kể, chỉ có vài chục tấn. Tuy nhiên, khi tôi làm việc với một xã đầu tiên thì số lượng dưa tồn đọng đã lên tới gần 200 tấn.

Qua khảo sát sơ bộ của tôi thì trên toàn địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang có khoảng 700 tấn dưa như vậy. Hiện nay, các tiểu thương đang ép giá để người dân bán với giá chỉ 200đ/kg. Vì mức giá quá rẻ mạt này mà bà con không muốn bán. Nhiều người đã đập dưa cho trâu, bò ăn”.


Blogger Truyền thông Xã hội Nguyễn Ngọc Long – một trong những người bỏ tiền túi để bán dưa giúp nông dân thời gian qua cũng cho biết, anh không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía chính quyền địa phương.

“Tôi chưa thấy chính quyền mua dưa ủng hộ bà con. Chính quyền địa phương cũng không thấy can thiệp gì tới việc tiêu thụ, mua bán dưa của nông dân. Với tôi, việc chính quyền không gây khó khăn gì đã là rất tốt rồi”, anh Long nói.

Hàng trăm tấn dưa đã được các nhóm tình nguyện thu mua giúp bà con nông dân

Anh Nguyễn Ngọc Long cho rằng, việc dưa bị tồn đọng, tình trạng mất mùa được giá, mất giá được mùa... đã diễn ra từ nhiều năm nay. Điều này một phần có lỗi của nông dân khi họ vẫn có thói quen trồng cây theo phong trào. Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại chưa định hướng tốt cho nông dân trong việc trồng trọt.

Anh Nguyễn Ngọc Long cũng thẳng thắn cho rằng, những người tình nguyện mua bán dưa giúp bà con nông dân thời gian này cũng chỉ là biện pháp nhất thời. Cộng đồng xã hội không thể giúp nông dân mãi theo cách như vậy được.

“Theo tôi, các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các Sở Nông nghiệp Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh cần phải giúp bà con nông dân nắm bắt được nhu cầu của thị trường.

Từ đó định hướng cho bà con ở vùng nào nên trồng cây gì, số lượng bao nhiêu thì phù hợp, đồng thời có phương án đảm bảo đầu ra cho hàng hóa mà nông dân sản xuất. Có như vậy thì bà con nông dân mới không phải chịu cảnh điêu đứng vì dưa nhiều mà không bán được như thời gian qua.

Cộng đồng xã hội không thể nằm nào cũng mua dưa cho bà con theo kiểu giúp đỡ như vậy được. Cứ mua giúp như vậy thì có gì đó rất không ổn”, anh Long bày tỏ quan điểm.

Lãnh đạo tỉnh nói gì?

Ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua, báo chí có đưa tin rất nhiều về tình trạng một số tỉnh miền Trung, trong đó có cả Quảng Nam đang có một số lượng lớn dưa hấu của bà con nông dân bị tồn đọng, không thể tiêu thụ. Ông Thu khẳng định, thông tin này là không chính xác.

“Tôi mong báo chí xác minh lại thông tin và đính chính giúp tỉnh Quảng Nam. Trên địa bàn tỉnh hiện không có dưa hấu bị ảnh hưởng bởi mưa lũ và tồn đọng. Khoảng nửa tháng trước, trên địa bàn có mưa. Hậu quả là một số diện tích dưa đã bị ngập.

Khi đó dưa vẫn chưa chín hẳn nhưng bà con nông dân đành phải hái dưa bán non, bán với giá rẻ hơn thông thường vì sợ dưa bị hỏng. Tuy nhiên, đó là câu chuyện từ nửa tháng trước rồi. Hiện nay mùa dưa tại Quảng Nam đã đi qua”, ông Thu khẳng định.

Trong khi đó, ông Phạm Trường Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, dưa hấu là một loại cây trồng ngắn ngày phổ biến trên địa bàn tỉnh. Ngoại trừ mùa đông, người dân Quảng Ngãi gần như trồng dưa quanh năm trên tổng diện tích khoảng 1000ha.

Năng suất dưa trung bình tại Quảng Ngãi là khoảng 30 tấn/ha. Có mùa thì dưa trúng giá, có mùa thì mất giá. Cuối tháng 3 vừa qua, trên địa bàn tỉnh có mưa lớn làm ngập khoảng 70 ha dưa của bà con trồng ven các sông trên địa bàn tỉnh. Toàn bộ số dưa trên diện tích này sắp đã bị mất trắng.

Video: Chiến dịch giúp nông dân Quảng Ngãi tiêu thụ dưa hấu


Theo ông Thọ, trong một vài tháng tới, trên địa bàn tỉnh còn vài trăm ha dưa nữa sẽ lần lượt chín, tới mùa thu hoạch. Nói về tình trạng dưa bị tồn đọng, không thể tiêu thụ được trong thời gian gần đây, ông Thọ nói:

"Trong giai đoạn hiện tại thì có 81ha dưa đang trong mùa thu hoạch. Tuy nhiên, mấy ngày qua tình hình tiêu thụ rất khó khăn nên bà con chưa thu hoạch được. Vài ngày trước, một số người có tới trả bà con nông dân với giá khoảng 2.000đ/kg, có nơi 4.000 - 5.000đ/kg nhưng thực tế họ chỉ trả giá như vậy chứ không thu mua vì không có thị trường bán. Hôm nay thì một số đơn vị tình nguyện, trong đó có tỉnh đoàn Quảng Ngãi, một siêu thị lớn trên địa bàn đã bắt đầu thu mua dưa của bà con.


 

Điều này là rất khó. Đã là hàng hóa thì phải có thị trường tiêu thụ. Nếu chúng tôi huy động phương tiện chở dưa đi thì biết chở đi đâu, có ai mua hay không?
Ông Phạm Trường Thọ
 
Chúng tôi cũng đang vận động Hội phụ nữ tỉnh vào cuộc thu mua dưa giúp người dân. Chúng tôi kêu gọi mọi người mua dưa ủng hộ nông dân, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ cộng đồng trong lúc khó khăn.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn xác định là phương thức này chỉ giúp tiêu thụ một phần nhỏ số lượng dưa của bà con, hướng chủ đạo vẫn là phải xuất khẩu được dưa sang Trung Quốc."


Về việc một số nhóm tình nguyện phản ánh không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Thọ cho hay, ông chưa nhận được đề nghị nào từ các đơn vị tình nguyện.

"Quảng Ngãi có 14 thành phố, huyện và hầu như nơi nào bà con cũng trồng nhiều dưa. Vì vậy, tôi không biết là các đoàn tình nguyện đó đã đi tới những đâu mua dưa. Nếu họ cần sự hỗ trợ gì trong việc thu mua dưa giúp bà con thì có thể liên hệ với chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ trong phạm vi quyền hạn của mình", ông Thọ khẳng định.

Trước câu hỏi tại sao UBND tỉnh không huy động phương tiện giúp bà con vận chuyển dưa đi các tỉnh, thành phố khác tiêu thụ trong khi chờ thủ tục xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh được thông thoáng, ông Thọ giải thích:

"Điều này là rất khó. Đã là hàng hóa thì phải có thị trường tiêu thụ. Nếu chúng tôi huy động phương tiện chở dưa đi thì biết chở đi đâu, có ai mua hay không? Trong khi đó, dưa hấu là mặt hàng đặc thù, chỉ một thời gian ngắn sau khi thu hoạch, nếu không tiêu thụ được là dưa sẽ bị hỏng ngay.

Như tôi đã nói, việc các tổ chức, cá nhân tình nguyện mua dưa giúp bà con là rất cần thiết, cần khuyến khích và đáng trân trọng.

Tuy nhiên, số lượng dưa tiêu thụ theo hình thức này chắc chắn là không được nhiều, hướng chủ đạo vẫn là xuất khẩu. Tín hiệu mừng là hiện nay cửa khẩu Tân Thanh đã thông, thủ tục xuất khẩu dưa đã nhanh hơn rất nhiều. Chắc chắn trong những ngày tới, giá thu mua dưa của bà con nông dân sẽ dần dần tăng lên."

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn