Quảng Nam: Loại càng nhiều dự án thủy điện càng tốt!

Thời sựThứ Năm, 11/10/2012 04:00:00 +07:00

(VTC News) – Ý kiến được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đưa ra tại cuộc họp với các sở ban ngành và địa phương tỉnh về công tác rà soát các dự án thủy điện.

(VTC News) – Ý kiến được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đưa ra tại cuộc họp với các sở ban ngành và địa phương tỉnh về công tác rà soát các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Quảng Nam tại cuộc họp sáng ngày 10/10, toàn tỉnh Quảng Nam có 44 dự án thủy điện đã được phê duyệt với tổng công suất trên 1.586MW; điện lượng trung bình hàng năm trên 6,2 tỉ kWh.

Trong số đó, thủy điện bậc thang hệ thống sông Vu Gia -Thu Bồn có đến 10 dự án, số còn lại là thuỷ điện vừa và nhỏ. Một số công trình thủy điện đã đi vào hoạt động nhưng gây nhiều hệ lụy, như thủy điện Sông Tranh 2 gây động đất, sự cố đập thời gian qua. 
Sau đập thủy điện, các dòng sông đối mặt với nguy cơ bức tử vì khô cạn nước 

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, xây dựng thủy điện có được và mất. Tuy nhiên, hệ lụy gây ra cho dân cư khá nặng nề. Các công trình thủy điện chặn dòng đã làm xuất hiện nhiều đoạn sông “chết”, việc điều tiết xả lũ của thủy điện rất phức tạp và khó khăn, khó kiểm soát, mất rừng, mất cân bằng sinh thái, thiếu nước sản xuất trong mùa hạn… 
Nhiều dự án, chủ đầu tư không thực hiện theo cam kết về tiến độ, thậm chí có dự án không thực hiện xây dựng… đã gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như ảnh hưởng đến đời sống nhân dân địa phương. Bên cạnh đó, do thủy điện xây dựng theo kiểu bậc thang nên vấn đề sự cố đập liên hoàn trong hệ thống thủy điện bậc thang là vấn đề cần xem xét và giám sát.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Quảng Nam chia sẻ: “Bỏ được cái nào quý cái đó. Mất rừng, mất đất, tái định cư đến nay vẫn còn làm khổ dân. Việc điều tiết và theo dõi các công trình thủy điện lớn như: A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 cũng gặp nhiều khó khăn”
Cơ quan chức năng Quảng Nam đang đối mặt với hệ lụy phá rừng, khai thác gỗ... từ các dự án thủy điện trên địa bàn 

Còn theo ông Phạm A, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, hiện nay một số chủ đầu tư dự án thủy điện trên địa bàn huyện đã “bỏ chạy” từ lâu và không thấy trở lại. Trong đó có dự án thủy điện Tr’Hy với công suất 30MW, chủ đầu tư đã đền bù cho người dân nhưng từ tháng 4/1010 đến nay không thấy chủ đầu tư đâu.

Chúng tôi đã nhiều lần gởi thư cho họ nhưng không thấy trả lời. Người dân thấy đất đai bỏ hoang hỏi chúng tôi công ty có làm không để họ sản xuất nhưng chúng tôi không dám trả lời cho họ.
Trước thực trạng của công tác quy hoạch, xây dựng thủy điện trong thời gian qua, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói: “Làm thủy điện, địa phương đã mất nhiều hơn là được. Vì thế, cần loại khỏi quy hoạch các dự án thủy điện đến nay chưa triển khai.

Với 3 dự án thủy điện lớn là Đăk Mi 2, Đăk Mi 3 và Tr’Hy, nếu không thực hiện đúng tiến độ xây dựng, tỉnh buộc phải chấm dứt việc xây dựng. Các dự án đang trong giai đoạn khảo sát, nghiên cứu khả thi nên dừng ngay, đưa ra HĐND xin ý kiến loại khỏi qui hoạch. Loại càng nhiều dự án thủy điện càng tốt”.
Tại cuộc họp, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất dừng triển khai, loại bỏ 19 dự án thủy điện trên toàn tỉnh. Trong đó, 17 dự án tạm dừng triển khai, 2 thủy điện bị loại ra khỏi quy hoạch là Bông Miêu và Hà Ra. 
Bửu Lân
Bình luận
vtcnews.vn