Quảng Nam: Bộ tộc có hủ tục mua thêm vợ

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 18/09/2010 06:00:00 +07:00

"Muốn bắt vợ "ngọn" không dễ, phải thương "nó" (cô gái), phải được vợ "gốc" đồng ý, phải giàu có mới "mua" thêm được vợ mới".

Vượt gần 100 cây số đường rừng và đèo, chúng tôi đến xã Sông Kôn. Giữa đại ngàn xanh này, có một bản người Cơ Tu vẫn còn giữ cho mình một hủ tục với bao giai thoại mang tính huyền ảo - "bắt vợ ngọn".


Âm thầm chảy qua nhiều thế hệ như con suối trong rừng, tập tục có thêm vợ "ngọn" (vợ bé) của đàn ông Cơ Tu ở thôn Bút Tưa (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, Quảng Nam) đến nay vẫn chưa dứt bỏ được...

Những phụ nữ thôn Bút Tưa thường sống âm thầm và lệ thuộc vào chồng. 

Coi vợ là tài sản!

Cơn mưa chiều giăng thâm u lên khu rừng trước thôn Bút Tưa, gợi lại trong lòng già làng A Lăng Văng một thời quá vãng: "Người Cơ Tu mình lấy vợ "ngọn" từ đời cha ông rồi, cái bụng thích vợ... ngon, vợ tốt là bắt, bất kể đã có mấy vợ". Ngày xưa cha của già có tới 3 vợ và điều đó là niềm hãnh diện của gia đình.
Sính lễ để cưới vợ “ngọn” gồm vàng bạc, đồ cổ, trâu hoặc lợn và nhiều thứ khác. Cưới vợ “ngọn” cũng phải tổ chức tiệc 2 ngày, 2 đêm như cưới vợ "gốc". Khi cưới được vợ "ngọn" về rồi, nhà trai phải làm thêm "đám cưới tạ lỗi" với vợ "gốc" và bà con, họ hàng vợ “gốc”.

"Muốn bắt vợ "ngọn" không dễ, phải thương "nó" (cô gái), phải được vợ "gốc" đồng ý, phải giàu có mới "mua" thêm được vợ mới".

Từ bao đời nay, trong gia đình người Cơ Tu, vợ "ngọn", vợ "gốc" sống hòa thuận với nhau, chung một bếp lửa. Trưởng thôn Bút Tưa A Lăng Thy góp chuyện: "Ông nội rồi đến cha tôi đều có vợ "ngọn", các bà sống với nhau êm thấm, không hề có tiếng nói qua, nói lại".

Vì vậy, giàu có thì muốn bao nhiêu vợ "ngọn" cũng được. Dân bản sẵn sàng cho con gái làm vợ "ngọn" để được của hồi môn. Ngày trước có người đến 8 vợ, "đàn ông hai vợ là thường" - già làng nhớ lại.

Men theo con đường trong bản, chúng tôi tìm gặp đôi vợ chồng lớn tuổi nhất Bút Tưa. Ông A Lăng T (sinh năm 1910) không thông thạo tiếng Kinh, chúng tôi phải nhờ thôn trưởng phiên dịch.

Ông A Lăng T cho biết: Ngày xưa, ông nội tôi giàu lắm, ông bắt được 4 vợ. Cha tôi cũng có 4 vợ. Còn tôi, con trai tôi và cháu nội tôi thì... chỉ có 2 vợ thôi! Nhà nào có máu nhiều vợ thì đời con, đời cháu cũng được thừa hưởng cái máu đó!

Nhiều người có vẻ khiêm tốn, coi việc mình có nhiều vợ không phải là điều đáng khoe khoang mà là... số phận. "Cưới vợ "ngọn" cũng không sướng gì, lại tốn kém, chẳng qua do số thôi" - Trưởng thôn A Lăng Thy nói.

 

Tuy nhiên càng về khuya, khi những vò rượu thay phiên nhau đến rồi đi, lý do xác thực nhất cho chuyện cưới nhiều vợ này mới được người đàn ông Cơ Tu bộc lộ.

“Chúng tôi càng có nhiều vợ càng nhàn tấm thân. Chúng tôi bỏ vàng, bỏ chiêng ché, trâu, bò ra "mua" vợ, tức là chúng tôi có thêm lao động cho mình, cho rẫy mình. Vợ là tài sản của chúng tôi" - khuôn mặt đỏ lựng vì rượu, A Lăng Quang - chàng trai 2 vợ của Bút Tưa - hùng hồn.

Thôn Bút Tưa đã có điện, nhưng hủ tục bắt vợ “ngọn” chưa bỏ được. 

Không kết hôn, không khai sinh

Bút Tưa như chúng tôi chứng kiến vào sáng hôm sau, khang trang nhờ con đường chính trong bản đã được bê tông. Tuy nhiên bên trong sự khá giả thấy rõ đó vẫn còn những tiếng thở dài của người phụ nữ. Vợ "gốc" của A Lăng Lân, chị A Lăng Thị Đ (SN 1988) ngồi buồn bã bên cửa chính đợi chồng. Chị nói, chồng hôm nay làm về sớm, đi đá banh với thanh niên rồi.

Ngôi nhà trống trải không có gì hơn ngoài chiếc ti vi. Một lúc vợ "ngọn" của chồng chị, cô A Lăng A đi làm về. Hai người là chị em ruột với nhau. Vợ "gốc" tâm sự chậm rãi: "Mình tin tưởng em gái mình, có biết nó thương chồng mình đâu. Buồn lắm nhưng không ngăn cản được. Chồng có tiền thì chồng có quyền đi "mua" vợ khác, dù người đó là ai.

Sau một ngày dẫn đường và phiên dịch cho chúng tôi, Trưởng thôn A Lăng Thy ngậm ngùi: "Mình biết là không tốt, làm vậy là khổ cho người phụ nữ và cuộc sống gia đình sẽ thêm khó khăn nhưng biết làm sao, tập tục lâu nay vậy mà...".

Anh cưới vợ "ngọn" cách đây 3 tháng và cuộc sống càng thêm chật vật khi phải nuôi cùng lúc 2 người vợ cùng 2 con đang ăn học.

Anh cho biết, đất này chỉ làm được hai mùa lúa nương nên không đủ ăn, đàn ông đàn bà làm đủ thứ việc để mưu sinh, từ chặt nứa, lấy măng, bứt mây… Mình mất quá nhiều tiền cho đám cưới. Bây giờ lâm vào nợ nần. Đã vậy, năm vừa rồi trời làm khô hạn, lúa trên nương mất mùa. Vợ "gốc", vợ "ngọn" buồn lắm" - trưởng thôn nói trong ân hận.

Đôi vợ chồng sống thọ nhất thôn Bút Tưa - nhân chứng cho hủ tục "bắt vợ ngọn" lâu đời của người Cơ Tu. 

Những người phụ nữ về làm phận vợ "ngọn" hầu hết đều không có giấy đăng ký kết hôn. Không có chính quyền nào thừa nhận nhưng chuyện cưới thêm vẫn ào ạt diễn ra.

Trưởng thôn Bút Tưa thừa nhận: "Mình biết là pháp luật không cho phép. Chỉ vì lỡ thương nhau nên phải lấy thêm về. Chính quyền có biết nhưng chúng tôi cưới rồi, bà con đã đồng ý nên chính quyền bỏ qua cho".

"Cha truyền con nối" - đàn ông Bút Tưa nói về chuyện lấy nhiều vợ của mình. Họ vẫn duy trì hủ tục thiếu nhân đạo đối với phụ nữ, bất chấp nhiều đứa trẻ ra đời không có giấy khai sinh, bất chấp chính quyền xã Sông Kôn tốn nhiều công sức vận động, thuyết phục bãi bỏ.

“Chúng tôi cam kết chấm dứt tình trạng này”

Tập tục lấy vợ “ngọn” không những tồn tại ở thôn Bút Tưa mà còn nhiều bản làng khác ở xã Sông Kôn. Chúng tôi hàng tháng, hàng quý đều tổ chức đi tuyên truyền, vận động bà con từ bỏ tập tục này. Các trưởng thôn đều được phổ biến kiến thức về Luật Hôn nhân và gia đình. Ban Dân số - Gia đình huyện, xã thường xuyên tập trung dân bản tuyên truyền “một vợ, một chồng”. Nhưng thay đổi một tập tục lâu đời không dễ, nhất là khi đồng bào nhận thức còn hạn chế. Nói vậy không phải chúng tôi đầu hàng. Xã đã cam kết với huyện là sẽ nhanh chóng chấm dứt tình trạng này, phương pháp là tiếp tục vận động tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu thôi”. Thực tế tình trạng này mấy năm lại đây không còn phổ biến nữa.

(Ông Bríu Sơn - Chủ tịch UBND xã Sông Kôn)


Theo NTNN

Bình luận
vtcnews.vn