'Quan' xã khai man trình độ, 'ăn' đất, xây đường khống

Thời sựThứ Tư, 21/12/2011 11:11:00 +07:00

(VTC News) - Một trong những nhân vật chính liên quan đến tiêu cực là ông Nguyễn Thành Vương – Phó Chủ tịch xã, phụ trách mảng kinh tế.

(VTC News) – Gần đây, liên quan đến hàng loạt sai phạm tại UBND xã Nghĩa Trung (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Bù Đăng (UBKTHU) đã vào cuộc và ra quyết định kỷ luật một số cán bộ.

Một trong những nhân vật chính liên quan đến tiêu cực là ông Nguyễn Thành Vương – Phó Chủ tịch xã, phụ trách mảng kinh tế. Theo bản khai tóm tắt tiểu sử ứng cử vào HĐND huyện Bù Đăng ngày 14/03/2011, ông Vương sinh năm 1981 (quê quán xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai; chỗ ở hiện nay xã Nghĩa Trung, Bù Đăng, Bình Phước); trình độ chuyên môn Đại học kinh tế, Trung cấp lý luận chính trị.

Chưa tốt nghiệp đã tự nhận là cử nhân

Theo tìm hiểu của PV, từ năm 2001 - 2005, ông Vương đảm nhiệm các công việc từ công an viên đến cán bộ văn thư xã. Năm 2007, ông được cơ quan cử đi học lớp đào tạo xã đội trưởng rồi về làm xã đội phó, sau đó lên chức xã đội trưởng. Đến tháng 08/2008, ông được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung.

Trong kỳ ứng cử Đại biểu HĐND các cấp vừa qua, ông Vương tự ghi thêm trong bản tóm tắt tiểu sử để được ứng cử đại biểu HĐND huyện Bù Đăng với trình độ chuyên môn là Cử nhân Kinh tế.

Bảng điểm trích lục ngày 09/11/2011, sinh viên Nguyễn Thành Vương còn nợ điểm môn Cơ sở (vòng tròn đỏ) nên chưa thể tốt nghiệp Đại học. Thế nhưng trong bản lý lịch ứng cử vào HĐND huyện, ông Vương ghi mình là "Cử nhân Kinh tế".

PV liên hệ Phòng Đào tạo Trường Đại học Nông lâm TP.HCM thì được biết, năm 2005, ông Vương đăng ký thi lớp kế toán, hệ Đại học tại chức do Trường Đại học Nông Lâm TPHCM liên kết với tỉnh Bình Phước. Tháng 01/2006, ông Vương được trúng tuyển, sau đó học lớp TC05KEBX, trong 4 năm học 48 môn, trong quá trình học ông Vương thi lại 19 môn.

Trong bảng điểm ngày 09/11/2011 mà Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cung cấp, những sinh viên chưa đủ điều kiện tốt nghiệp có tên ông Nguyễn Thành Vương. Lý do, ông Vương còn nợ môn Cơ sở, thi đợt đầu được 4 điểm, thi lại chỉ được 2 điểm.

Lập quỹ "đen"

Không chỉ dừng lại ở việc khai man lý lịch, ông Vương còn dính líu đến nhiều sai phạm khác. Cụ thể, từ tháng 08/2008 đến nay, ông Vương đã chỉ đạo thu lệ phí chợ Bù Na nhưng không nộp vào ngân sách Nhà nước. Ông Vương chỉ đạo cấp dưới tự in vé, giá vé rồi đóng mộc đỏ UBND xã nhằm hợp thức hóa, lừa người dân lầm hiểu rằng đây là nghĩa vụ của họ với Nhà nước.

Chợ Bù Na có hàng trăm tiểu thương phải nộp số tiền phí với giá từ 2.000 đến 6.000 đồng/lần. Một cán bộ UBND xã Nghĩa Trung, cho biết mỗi tháng tiền phí lên đến gần 11 triệu đồng, thu trong vòng 3 năm thì số tiền lên tới hơn 300 triệu đồng.Tuy nhiên, khi báo cáo lên cấp trên, các "quan" xã đều nói rằng thu không đủ chi nên phải lấy thêm ngân sách Nhà nước để trả cho đơn vị thu rác, người ghi phiếu, đi thu tiền...

 Phiếu thu tự chế do ông Phó Chủ tịch xã chỉ đạo in, ra mức giá, đóng dấu mộc đỏ UBND xã Nghĩa Trung. Số tiền thu được không được nộp vào ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, năm 2010 UBND xã Nghĩa Trung đứng ra sửa đường dốc chùa Trúc Lâm ở thôn 3, kinh phí đầu tư UBND xã xin quyết toán là 52 triệu đồng. Theo thiết kế, đoạn đường được sửa chữa dài 800m, rộng 5m gồm các hạng mục như đổ đất toàn tuyến, đào nền đường, ủi quang tuyến, đổ sỏi…

 Nhưng trong suốt quá trình sửa chữa đoạn đường, UBND xã không thông báo cho Ban quản lý thôn, không lập ban giám sát cộng đồng, không có biên bản nghiệm thu và biên bản hoàn công.


Trên thực tế, đoạn đường chỉ được sửa chữa khoảng 300m với hình thức chắp vá, đoạn nào bị trũng chỉ được đổ đất vào mà không cho xe lu chèn cứng. Hậu quả, chưa được 1 năm sử dụng đoạn đường đã hư hỏng nhiều lần, khiến người tham gia lưu thông, người dân địa phương bất bình.

Ông Đinh Quang Súy - Trưởng thôn 8, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, bức xúc: "Tôi là người yêu cầu ông Vương giải trình việc sửa đường dốc chùa thôn 3 nhưng ông Vương không thực hiện được tại kỳ họp HĐND. Tôi từng trực tiếp sửa đoạn đường đó với mức kinh phí chưa tới 10 triệu đồng năm 2008. Vậy thì năm 2010, kinh phí sửa chữa đoạn đường đó không thể đội lên mấy lần như vậy".

Xây nhà khống để... "chữa cháy"

Cuối năm 2009 đầu năm 2010, Quỹ Hỗ trợ Đầu tư Phát triển Bình Phước và Công ty Thành Đạt ủng hộ UBND xã Nghĩa Trung 48 triệu đồng để xây dựng 4 căn nhà tình thương cho những hộ đồng bào dân tộc có đời sống khó khăn trên địa bàn xã. Ông Nguyễn Thành Vương đã không xây dựng bất cứ căn nhà nào mà vẫn báo cáo nghiệm thu.

Đến tháng 06/2011, không thấy căn nhà tình thương nào được xây từ tiền ủng hộ, nhiều đại biểu HĐND xã, cán bộ xã và người dân tố cáo. UBKTHU Bù Đăng đã cử đoàn xuống xã Nghĩa Trung để thanh tra làm rõ vụ việc. Qua đó, UBKTHU xác định đơn tố cáo của đại biểu, người dân là có cơ sở, đồng thời chỉ đạo phải xây gấp nhà cho dân.

Khi bị thanh tra, các cán bộ liên quan giải trình số tiền hỗ trợ xây nhà tình thương đã được chi cho ngày Thương binh - Liệt sĩ 18 triệu đồng, nhưng theo tờ trình về việc xin phê duyệt quyết toán thu chi ngân sách và báo cáo quyết toán năm 2010 của xã Nghĩa Trung đều không có khoản này.

 Nhà ông Điểu Lúa đang xây chưa hoàn thiện nhưng đã có chi phí gần 100 triệu đồng. Số tiền mà UBND xã Nghĩa Trung "chữa cháy" 10 triệu đồng, có phải vào đúng hộ nghèo? 

Đến nay, chỉ trường hợp ông Điểu Lúa ở thôn 5 được cấp tiền xây nhà, song ngôi nhà vẫn đang xây dở dang chưa hoàn thiện. Qua điều tra của PV, hộ ông Điểu Lúa không phải là hộ nghèo. Theo nhiều người dân, sau khi nghe tin có đoàn kiểm tra đến làm việc, do vào "thế bí" nên một số cán bộ xã nảy ra ý định, thấy nhà ông Điểu Lúa đang xây dựng nên đã "chữa cháy" bằng cách đóng góp cho ông 10 triệu đồng, rồi báo cáo với cấp trên là đã xây một nhà tình thương với mức tiền đã đưa ra.

Ông Trần Văn Tuân, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung, cho biết: "Tôi mới được điều về nhận nhiệm vụ vào cuối năm 2010. Việc vận động Mạnh Thường Quân cho tiền xây nhà tình thương là nhiệm kỳ trước. Cơ quan chức năng đã có kết luận, yêu cầu phải xây ngay nhà tình thương cho dân. UBND xã đã xây được 1 căn, số còn lại chưa thể vì ngân sách xã hiện nay rất khó khăn".

Quyết định kỷ luật

UBKTHU Bù Đăng đã đề nghị Ban thường vụ Huyện ủy chỉ đạo xử lý kỷ luật đối với những đảng viên của xã vi phạm gồm: Ông Huỳnh Văn Thanh - Bí thư đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã với nội dung vi phạm, chưa tổ chức thực hiện tốt qui chế làm việc của Đảng ủy, trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ sai nguyên tắc. Với trách nhiệm là Bí thư đảng ủy, chưa lãnh đạo thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong cấp ủy, chưa thực sự giữ vai trò là trung tâm đoàn kết thống nhất trong cấp ủy.

Nội dung kết quả sai phạm đối với ông Nguyễn Thành Vương

Riêng đối với ông Nguyễn Thành Vương - Đảng ủy viên, Phó chủ tịch UBND xã, bị kỷ luật do chưa thực hiện đúng qui chế làm việc, trong công tác còn lạm quyền; thực hiện việc thu chi tài chính có một số khoản không đúng nguyên tắc; chỉ đạo việc sửa chữa đường giao thông nông thôn không đúng thiết kế để rút nguồn kinh phí dự phòng chi cho hoạt động thường xuyên; chưa trung thực tự giác báo cáo việc làm đường giao thông thôn 3, để tổ kiểm tra đi lại nhiều lần mới thừa nhận khuyết điểm.

Phan Cường


Bình luận
vtcnews.vn