Quan Vũ tự sát, tân Tam Quốc gây tranh cãi

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 17/08/2010 06:14:00 +07:00

(VTC News) - Một điểm gây tranh cãi nữa của bộ tân “Tam Quốc” chính là việc đạo diễn cố gắng “đánh bóng” hình ảnh Lữ Bố, quan hệ giữa Lữ Bố với Điêu Thuyền.

(VTC News) - Bắt đầu từ ngày 2/5 vừa qua, bộ phim truyền hình Tam Quốc diễn nghĩa phiên bản 2010 đã được công chiếu trên đài truyền hình các địa phương Trung Quốc. Theo Nhật báo Chosun IIbo, nó đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận về tính lịch sử, đặc biệt là chi tiết Quan Vũ tự tử chứ không phải bị Đông Ngô hại chết. Hơn nữa trong phiên bản 2010 ba anh em Lưu, Quan, Trương lại trở thành nhân vật phụ làm nền cho những nhân vật như Lữ Bố.

>> 7 "đại tội" của đạo diễn Cao Hy Hy
>> Tam Quốc 2010: Trẻ đẹp, lãng mạn, hoành tráng
>> Những cảnh tượng hoành tráng bậc nhất trong phim
>> Ảnh mê hồn tứ đại mỹ nhân Tân Tam Quốc

Tiểu thuyết dã sử Tam Quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung được đánh giá là một trong tứ đại danh tác văn học Trung Hoa, sánh ngang cùng Thủy hử của Thi Nại Am, Tây du ký của Ngô Thừa Ân và Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần.

Quan Vũ trong tân Tam quốc. 

Cả bốn bộ tiểu thuyết này có ảnh hưởng rất lớn đối với văn học cũng như đời sống dân gian ở khu vực Đông Á và đã được chuyển thể thành những bộ phim truyền hình mang tính kinh điển của giới điện ảnh Trung Hoa từ những ngày nền kinh tế nước này còn khó khăn, bao cấp.

Tam Quốc phiên bản 2010 dài 95 tập với tổng kinh phí đầu tư 155 triệu nhân dân tệ, từ lúc vạch kế hoạch, viết kịch bản đến khi công chiếu mất 5 năm.

Tổng đạo diễn Cao Hy Hy tự tin nhận định, tác phẩm của ông đã đạt mục đích về sức ảnh hưởng của phim truyền hình, không chỉ đài truyền hình trung ương mà ngay cả các đài địa phương khi phát bộ phim này đều nhận được sự chú ý theo dõi rất cao của công chúng.

Tuy nhiên, bộ Tam Quốc phiên bản 2010 này cũng dấy lên những luồng tranh luận trong cộng đồng khán giả Trung Hoa bởi những chi tiết theo nhiều người là “bóp méo lịch sử”.

Tào Tháo trong tân “Tam Quốc” do Trần Kiến Bân thủ vai. 

Nhiều chi tiết trong bộ phim này khác với nội dung cuốn Tam Quốc chí của Trần Thọ cũng như tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.

Điều đáng nói là bộ phim truyền hình này đã ngang nhiên hạ bệ hình ảnh thần tượng văn học, thần tượng dân gian Trung Quốc, Quan Vũ – Quan Vân Trường với chi tiết về cái chết của ông.

Kể cả Tam Quốc chí của Trần Thọ cũng như Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung đều miêu tả Quan Vũ bị Đông Ngô bắt làm tù binh và chém đầu ông khi ông thất thủ Kinh Châu, nhưng trong phiên bản mới, Quan Vân Trường lại tử tử mà chết.

Lữ Bố và Điêu Thuyền trong tân Tam Quốc. 

Nhiều khán giả cho rằng, dù có tưởng tượng phong phú đến đâu họ cũng không thể hình dung được người ta lại có thể “ép” Quan Vũ phải tự tử, một điều hoàn toàn trái ngược với cá tính quật cường, nghĩa khí của ông.

Trong văn học cũng như trong dân gian, người Trung Quốc thường gọi ông là Quan Công, Quan Đế với thái độ đặc biệt tôn kính. Trong tiềm thức của nhiều người, Quan Công là một vị thánh có thể sát quỷ trừ tà và mang lại may mắn cho người dân.

Một điểm gây tranh cãi nữa của bộ tân Tam Quốc chính là việc đạo diễn cố gắng “đánh bóng” hình ảnh Lữ Bố, đặc biệt là quan hệ giữa Lữ Bố với Điêu Thuyền, một trong tứ đại mỹ nhân Trung Hoa là một tình yêu đẹp chứ không phải sự gặp gỡ của những âm mưu.

Trương Phi do Khang Khải thủ vai. 

Trong hai tác phẩm lịch sử và dã sử, Điêu Thuyền được miêu tả là mỹ nhân lợi dụng sắc đẹp của mình nhằm ly gián Đổng Trác – đại thần khuynh đảo triều Hậu Hán và người con nuôi – Lữ Bố.

Trong phiên bản mới này, đạo diễn đã cắt bỏ chi tiết cái chết của Lữ Bố với cả trăm, ngàn mũi tên bắn vào, thay vào đó, Lữ Bố bị chém đầu sau khi bị bắt làm tù binh trong lúc giao tranh với Tào Tháo. Ngoài ra, Quách Gia, một mưu sỹ tài năng của Tào Táo cũng không hề xuất hiện trong tân Tam Quốc mặc dù Quách Gia là nhân vật hoàn toàn có thật trong lịch sử.

3 anh em Lưu, Quan, Trương thành nhân vật phụ

Nếu như bộ phim truyền hình Tam Quốc diễn nghĩa bản đầu tiên công chiếu năm 1994 đã khắc họa một cách điển hình từng nhân vật và đi vào tiềm thức của người xem truyền hình theo hướng phò Hán phản Ngụy, nâng cao vai trò của Thục Hán với Lưu Bị nhân đức, Khổng Minh thiên tài, Quan Vũ trung nghĩa, Trương Phi chính trực và Tào Tháo gian hùng thì phiên bản Tam Quốc 2010 của Cao Hy Hy lại xếp Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi vào hàng “nhân vật phụ”, Tào Tháo mới là nhân vật trung tâm.


Trong phiên bản mới, Lữ Bố do Hà Nhuận Đông, một nam diễn viên điển trai Đài Loan với chiều cao 1,85 m thủ vai từng tham gia bộ phim truyền hình Hàn – Trung tựa đề Sophie's Revenge hồi năm ngoái và là gương mặt khá quen thuộc với khán giả Hàn Quốc.

Vu Hòa Vỹ, Vu Vinh Quang, Khang Khải - những diễn viên thủ vai Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi thuộc hàng “thường thường bậc trung” chứ không nổi như các “sao” vào vai Tào Tháo, Lữ Bố.

Mặt khác, trong phiên bản này xuất hiện khá nhiều gương mặt các sao nữ vào vai Điêu Thuyền, Đại Kiều vợ Tôn Sách, Tiểu Kiều vợ Chu Du, Tôn Thượng Hương em gái Tôn Quyền và là vợ Lưu Bị.

 >> 7 "đại tội" của đạo diễn Cao Hy Hy
>> Tam Quốc 2010: Trẻ đẹp, lãng mạn, hoành tráng
>> Những cảnh tượng hoành tráng bậc nhất trong phim
>> Ảnh mê hồn tứ đại mỹ nhân Tân Tam Quốc

 HV(Theo Chosun)

Bình luận
vtcnews.vn